• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu làm theo lời Bác dặn

(laichau.gov.vn)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đến Nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc nói chung và Nhân dân các dân tộc Lai Châu nói riêng, ngày 12/12/1953 nhận được tin Thị trấn Lai Châu được giải phóng, Bác đã viết thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu, trong thư Người đã có những lời dặn và yêu cầu đồng bào, cán bộ thực hiện cho đúng. Trải qua 70 năm, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã quán triệt và thực hiện tốt những lời dặn của Bác, xây dựng Lai Châu ổn định và ngày càng phát triển.

Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu
Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu

Nằm ở cửa ngõ phía Tây bắc của Tổ quốc, Lai Châu luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Bác Hồ. Mặc dù chưa một lần đến Lai Châu, nhưng Chủ tịch Hồ chí Minh luôn quan tâm dõi theo mọi hoạt động, diễn biến từ phong trào cách mạng, đến lao động, sản xuất và đời sống của Nhân dân các dân tộc nơi đây. Vào tháng 6 năm 1949 Bác đã gửi tặng Ủy ban Kháng chiến Hành chính liên tỉnh Sơn - Lai bức ảnh chân dung của Bác có lưu bút với những lời dặn “Thi đua thực hiện: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và ngày 12/12/1953 khi nhận được tin vui Thị trấn Lai Châu (trung tâm tỉnh lỵ Lai Châu) được giải phóng, mặc dù bận rất nhiều công việc nhưng Bác đã giành thời gian viết thư cho đồng bào và cán bộ Lai Châu. Bức thư rất ngắn gọn nhưng chứa đựng đầy cảm xúc không chỉ là những lời thăm hỏi ân cần, tình thương yêu rất mực chân thành, sự cảm thông chia sẻ, khích lệ động viên của Bác đối với đồng bào và cán bộ Lai Châu, mà còn là lời căn dặn ân tình của Người với những việc làm, những yêu cầu rất cụ thể: “(1) Đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau; (2) Giúp đỡ bộ đội diệt phỉ, trừ gian, giữ gìn trật tự; (3) Ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được no ấm; (4) Hết sức trung thành với Tổ quốc và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Còn đối với những người trước đây đã lầm đường theo giặc nếu trở về với Tổ quốc thì Chính phủ sẽ khoan hồng. Cán bộ thì phải thật sự gần gũi giúp đỡ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết”.

Trải qua gần 70 năm Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lai Châu luôn khắc ghi lời Bác “Đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau”. Phát huy truyền thống đoàn kết, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, trong chiến tranh bảo vệ biên giới, Nhân dân các dân tộc Lai Châu đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau tăng gia sản xuất, giải quyết nạn đói, dịch bệnh, mù chữ nhằm ổn định đời sống; đồng thời đấu tranh làm thất bại âm mưu chia rẽ khối đoàn kết dân tộc của kẻ thù, giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền biên giới; thực hiện tốt nghĩa vụ quốc tế... góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng của dân tộc. Đặc biệt là sau khi chia tách, thành lập tỉnh năm 2004, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều phong trào, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội như: trồng chè, cây cao su; phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, thực hiện xoá đói, giảm nghèo; toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, “Điểm sáng vùng biên”, “Biên giới lòng dân”, “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc, các tiêu cực xã hội, các hủ tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi, hệ thống chính trị, khối đoàn kết các dân tộc ngày càng được củng cố và tăng cường.

“Ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no”, gần 70 năm qua đồng bào và cán bộ Lai Châu đã khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Trong các cuộc kháng chiến vệ quốc với khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng" quân và dân các dân tộc Lai Châu đã tích cực chiến đấu, tham gia phục vụ chiến đấu, vừa xây dựng cơ sở, vừa ra sức khai hoang ruộng đất, tăng gia sản xuất, huy động sức người, sức của cho chiến trường (trong chiến dịch Điện Biên Phủ mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng nhân dân các dân tộc Lai Châu đã đóng góp được 2.666 tấn gạo, 226 tấn thịt, 210 tấn rau xanh, huy động được 16.972 dân công), tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Đồng bào các dân tộc vùng cao từng bước khắc phục tư tưởng, trông chờ, ỷ lại, định canh, định cư, khai hoang ruộng nước, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi.

Trong công cuộc đổi mới, Lai Châu đã khai thác và phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 1996 - 2003 đạt gần 7%. Đặc biệt, sau gần 20 năm chia tách, thành lập tỉnh kinh tế của tỉnh phát triển khá nhanh và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Lai Châu đang từng bước hình thành những vùng trồng chuyên canh lớn như: cao su, chè, cây quế, mắc ca...; kết cấu hạ tầng được xây dựng đồng bộ, theo hướng hiện đại; thực hiện tốt di dân tái định cư các công trình thuỷ điện; xây dựng nông thôn mới; xoá đói giảm nghèo. Kinh tế liên tục tăng trưởng, tốc độ tăng GDP bình quân hằng năm đạt 13%; thu ngân sách trên địa bàn năm 2022 đạt trên 2.000 tỷ đồng, gấp trên 80 lần so với năm 2004; tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt trên 41 triệu đồng. Văn hoá - xã hội có bước phát triển mới, sự nghiệp giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí có nhiều tiến bộ, hệ thống trường, lớp, cấp học, ngành học phát triển nhanh, chất lượng dạy và học được nâng lên; tỉnh đã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, phát triển, tỷ lệ bác sỹ đạt 12 bác sỹ/1 vạn dân; các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được quan tâm thực hiện tốt, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên; công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình, bảo vệ, chăm sóc trẻ em có chuyển biến tích cực. Các hoạt động văn hoá thông tin, báo chí, phát thanh - truyền hình, văn hoá, thể dục - thể thao có nhiều phát triển. Công tác xoá đói, giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân mỗi năm giảm trên 5%. Bộ mặt nông thôn, đô thị của tỉnh đã có nhiều khởi sắc, đến nay tỉnh đã có 39 xã đạt chuẩn nông thôn mới, Lai Châu đã cơ bản ra khỏi tình trạng kém phát triển, thực hiện được lòng mong ước của Bác “mọi người ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, xã hội văn minh, tiến bộ.

Thấm nhuần lời dặn của Bác “trung thành với Tổ quốc”, “giúp đỡ bộ đội diệt phỉ, trừ gian, giữ gìn trật tự”, gần 70 năm qua, đồng bào và cán bộ Lai Châu luôn Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tinh thần yêu nước của đồng bào các dân tộc và cán bộ trong tỉnh được phát huy cao độ, đã “hết sức trung thành với Tổ quốc và Chính phủ”, hết lòng “giúp đỡ bộ đội” đánh thắng thực dân Pháp ngay trên mảnh đất Lai Châu. Trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc Lai Châu ra sức thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì miền Nam ruột thịt”, mỗi người làm việc bằng hai, xây dựng và bảo vệ vững chắc miền Bắc, ra sức chi viện miền Nam với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; làm nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Lào. Góp phần vào thắng lợi lịch sử mùa Xuân năm 1975, hoàn thành sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bước vào giai đoạn cách mạng mới, đồng bào các dân tộc Lai Châu đã cùng với lực lượng vũ trang đoàn kết xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân vững chắc; đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo tuyên truyền đạo trái pháp luật, kích động, lôi kéo đồng bào di cư tự do, tuyên truyền “Nhà nước Mông”, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Thực hiện tốt lời Bác dặn “Cán bộ thì phải thật sự gần gũi giúp đỡ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết”, 70 năm qua Đảng bộ Lai Châu luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo và thực hiện quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng của Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ, phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng của địa phương. Trong các cuộc kháng chiến, cán bộ, chiến sỹ trong tỉnh đã đoàn kết, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, bám địa bàn, bám nhân dân, đồng cam cộng khổ với nhân dân, thực hiện “ba cùng” để tổ chức, vận động, gây dựng các cơ sở cách mạng, giác ngộ đồng bào. Sau chiến tranh, sắp xếp lại tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, nhất là hệ thống chính trị cấp cơ sở; tăng cường giáo dục nâng cao phẩm chất cách mạng cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của bộ máy Nhà nước, xây dựng con người mới, nếp sống mới. Sau khi chia tách, thành lập tỉnh, trong điều kiện đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh thiếu trầm trọng, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc khó khăn… Tỉnh uỷ đã tập trung chỉ đạo kiện toàn và ổn định bộ máy các sở, ban, ngành, đoàn thể; đội ngũ cán bộ các cấp được bổ sung, tăng cường, chất lượng được nâng lên, tinh thần trách nhiệm có nhiều chuyển biến tích cực; làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; tăng cường cán bộ xuống cơ sở; với phương châm: tỉnh nắm xã, huyện nắm bản, xã nắm tới hộ dân và với hàng nghìn lượt cán bộ các cấp xuống giúp xã củng cố hệ thống chính trị, xoá đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự…

Trong mỗi giai đoạn lịch sử, cán bộ và công tác cán bộ của tỉnh luôn bám sát nhiệm vụ chính trị và đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều cán bộ được rèn luyện từ thực tiễn, không ngại khó khăn gian khổ, luôn sâu sát cơ sở, gần gũi Nhân dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền có giải pháp tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Đặc biệt, Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI), Nghị quyết trung ương 4 (khóa XII) và Kết luận số 21-KL/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Qua đó đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, được Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đồng thuận, tin tưởng, là nhân tố quan trọng để Lai Châu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Bác, chúng ta thấy tự hào vì đã thực hiện tốt những lời căn dặn của Người. Để xứng đáng với những tình cảm đặc biệt mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành cho Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc Lai Châu, trong thời gian tới Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh nguyện tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt những lời Bác căn dặn trong thư, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác và các nghị quyết, kết luận của Đảng, quyết tâm xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc xây dựng Lai Châu phát triển nhanh và bền vững./.

Cập nhật ngày 18/5/2023


Tác giả: Theo Đặng Ngọc/laichau.dcs.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.911
Hôm qua : 11.138
Tháng 04 : 171.777
Năm 2024 : 843.367
Tổng số : 82.309.460