Độc đáo chiếc khèn bè của dân tộc Lào ở Tân Uyên
Chiếc khèn bè là một trong những loại nhạc cụ mang đậm bản sắc, biểu tượng văn hóa tinh thần độc đáo, riêng biệt của đồng bào Lào ở huyện Tân Uyên. Những chiếc khèn bè đã được dùng làm nhạc đệm trong các làn điệu dân ca, làm nền cho những điệu dân vũ, những điệu xòe, hát đối, hát giao duyên, vào mỗi dịp Tết, lễ hội…
Có thể nói chiếc khèn bè là một trong những phương tiện kết nối, tâm tình, nhờ tiếng khèn mà bao đôi trai gái người Lào đã nên duyên, thành vợ, thành chồng. Anh Lò Văn Sẳn, bản Hào Nghè, xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên chia sẻ: 12 tuổi anh đã được bố, các cụ trong bản dạy thổi khèn bè. Đối với người Lào muốn lấy được vợ đẹp, giỏi giang, thông minh thì phải biết thổi khèn bè. Tiếng khèn bè đã trở thành phương tiện hò hẹn, kết nối trao gửi lời yêu, lời tỏ tình của chàng trai đến các cô gái, để họ tìm cho mình một người bạn đời...
Khèn bè là nhạc cụ bộ hơi được chế tác từ các ống nứa bánh tẻ, thân nhỏ, mỏng được ghép lại, trên đó có những lỗ thông hơi tạo thành âm thanh khi thổi. Để làm được chiếc khèn bè cần chuẩn bị những cây nứa, đem đi phơi nắng một tuần, những cây cong vênh sẽ bị loại bỏ. Cây nứa đã chọn được đưa vào bếp lửa hơ ở nhiệt độ cao, cây nứa sẽ mềm ra và người làm khèn sẽ nắn ống nứa cho thật thẳng, vót nhẵn mặt bên ngoài và cắt thành những ống dài ngắn khác nhau tùy theo kích cỡ của khèn bè. Tiếp theo đến công đoạn đục lỗ cho từng ống nứa, người ta đưa dùi vào trong than củi của bếp lửa cho đủ nóng và dùi các lỗ cái trên các đầu ống nứa để dẫn hơi qua. Sau đó ghép cố định các ống nứa lại với nhau cố định bằng dây mây như hình chiếc bè. Mỗi cây khèn bè được tạo nên bởi 14 ống nứa, chia làm 2 bè, mỗi bè 7 ống và được ghép lại thành từng đôi xếp từ thấp đến cao, xuyên qua bầu khèn dài khoảng 11cm. Bầu khèn được làm bằng gỗ có độ bền không bị nứt, mối mọt, được đục đẽo theo kích thước của từng chiếc ống nứa xuyên qua, một đầu khoét thủng để thổi. Phía trên bầu khèn có dùi những nốt bấm.
Để tạo nên các âm thanh trầm bổng của cây khèn người ta dùng các thanh kim loại đồng tán mỏng, hay còn gọi là lưỡi gà để gắn vào trong các ống nứa đã được nắn thẳng, vót nhẵn. Công đoạn khó nhất khi làm khèn bè là cách xử lý độ dài, mỏng của lưỡi gà và độ chính xác về khoảng cách giữa các nốt bấm trên các ống nứa. Do vậy, người làm khèn bè cần sự kiên trì, tỉ mỉ và có khả năng thẩm âm tốt. Anh Sẳn chia sẻ bí quyết để có chiếc khèn bè âm thanh chuẩn có độ vang, trong thì điều quan trọng nhất là làm lưỡi gà mà lưỡi gà chuẩn phải được làm bằng kim loại đồng, kim loại bạc mỗi loại hàm lượng 50% đem nấu ở nhiệt độ cao, sau đó được tán thành từng lá kim loại mỏng để tạo ra lưỡi gà.
Sau một hồi giới thiệu về chiếc khèn bè, anh Sẳn mang chiếc khèn ra thổi vài điệu cho chúng tôi nghe. Chị Lò Thị Ban bản Hào Nghè, xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên, một trong những thành viên trong đội văn nghệ của bản chia sẻ: Khèn bè là một trong những nhạc cụ không thể thiếu mỗi dịp lễ, Tết. Tiếng khèn bè lúc vang vọng, lúc nỉ non, dìu dặt làm xao xuyến lòng người, sâu lắng như tình yêu mà người con trai gửi tới người con gái. Nghe tiếng khèn bè làm người nghe cảm thấy rạo rực, chân như muốn bước tìm về nơi có tiếng khèn để tham gia múa hát, múa xòe…
Chiếc khèn bè đã trở thành nghệ thuật độc đáo mang lại giá trị tinh thần, một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống cộng đồng người Lào ở Tân Uyên. Không biết từ bao giờ, chiếc khèn bè đơn sơ, mộc mạc đã gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần độc đáo của người dân tộc Lào ở huyện Tân Uyên. Chiếc khèn bè là nhạc cụ quan trọng nhất của người Lào, được sử dụng làm nhạc cụ đệm trong hầu hết các làn điệu dân ca, làm nền cho các điệu múa của người Lào, tùy theo từng hoàn cảnh khác nhau. Vào các dịp lễ, Tết người Lào thường múa các điệu múa như múa khăn (xé pả xếp), múa hát mừng năm mới (khắp pi mấu), múa kéo sợi (xé pắn pải)… hay hát giao duyên, hát gọi bạn (ởn xiếu)… để tâm tình, qua lời ca, tiếng hát kể cho nhau nghe những câu chuyện trong cuộc sống thường ngày… Tiếng khèn bè lúc trầm bổng, rộn ràng, náo nức cả không gian yên tĩnh. Theo tiếng khèn mời gọi bà con sẽ cùng nhau múa hát rộn ràng, mừng Đảng, mừng Xuân, vào dịp tết Nguyên đán người Lào thường múa điệu múa khăn (xé pả nếp) với ý nghĩa năm mới sang chúc ông, bà, anh, chị, em nhỏ có sức khỏe dồi dào, làm ăn thuận lợi, sang năm lại cùng nhau đón Xuân mới…
Chiếc khèn bè là một trong những loại nhạc cụ mang đậm bản sắc, biểu tượng văn hóa tinh thần độc đáo, riêng biệt của đồng bào Lào ở huyện Tân Uyên. Mong rằng những làn điệu khèn, lời ca tiếng hát giao duyên sẽ được lưu truyền cho các cho thế hệ trẻ để giữ mãi được tiếng khèn bè, bảo tồn và phát huy giá trị nhạc cụ của dân tộc Lào, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.