• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19

(laichau.gov.vn)

Nằm trong tình trạng chung của các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm mủ cao su. Tuy nhiên, Công ty đang từng bước nỗ lực vượt qua, đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống cán bộ, công nhân.

Hiện nay, Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu quản lý 6.948,19ha cây cao su, trong đó: 2.200,65ha cây cao su kiến thiết cơ bản, 4.579,87ha cây cao su khai thác, 167,67ha cây cao su chờ thanh lý do mưa lũ năm 2018. Năng suất dự kiến năm 2020 đạt 1,16 tấn mủ quy khô/ha, sản lượng 5.300 tấn. Tuy nhiên, những tháng đầu năm, thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho bệnh phấn trắng phát triển gây hại trên vườn cây cao su. 100% vườn cây kinh doanh của Công ty bị bệnh phấn trắng với cấp độ nặng gây rụng lá, kéo dài thời gian mở cạo làm giảm năng suất và sản lượng khai thác năm 2020. Cùng với đó, là ảnh hưởng của lốc xoáy kèm mưa đá trên diện rộng gây thiệt hại không nhỏ đến tài sản vườn cây và cơ sở hạ tầng của các nông trường cao su.

Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu đã tác động, gây khó khăn cho quá trình tiêu thụ sản phẩm mủ cao su. Trong đó, đã có 2 hợp đồng được ký từ ngày 10/1 - 30/3 và 20/3 - 15/5 với phía đối tác Trung Quốc xin hoãn thời gian thực hiện hợp đồng do không thể tiếp nhận hàng do dịch bệnh Covid-19. Theo dự báo của Công ty, sản phẩm mủ khai thác tập trung trong quý III, IV nên việc tiêu thụ cũng gặp khó khăn, điều này ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của đơn vị. Do đó, Công ty sẽ không có nguồn tiền để thanh toán các khoản như: trả lãi ngân hàng vay đầu tư cho vườn cây, chi phí tiền bảo hiểm, chi phí lương cho người lao động, đặc biệt là lao động gián tiếp (đặc thù là 90% lao động là bà con trên địa bàn tỉnh nếu không thanh toán lương thì lao động sẽ nghỉ cạo mủ dẫn đến không đạt sản lượng), các hạng mục thiết yếu của Nhà máy chế biến mủ giai đoạn 2…

Ông Nguyễn Hồng Thắng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu chia sẻ: “Trong những tháng đầu năm, khi Công ty bắt đầu mở cạo thì bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh nên phải tạm hoãn cho người lao động nghỉ một thời gian dài. Vườn cây kinh doanh đang trong tháng đầu năm khai thác nên năng suất, sản lượng thấp và chi phí sản xuất tăng cao. Dịch bệnh Covid-19 tác động làm giảm giá bán cao su trên thị trường; trong khi đó Công ty xây dựng phương án sản xuất kinh doanh với giá bán mủ SVR10 là 29 triệu đồng/tấn thì lợi nhuận đạt 73,8 triệu đồng. Nếu dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và phía đối tác bên Trung Quốc không thu mua thì Công ty không có nguồn vốn để phục vụ đầu tư xây dựng cơ bản, thanh toán lương, trả lãi ngân hàng…”.

Công nhân Nông trường cao su Nậm Tăm trên địa bàn huyện Sìn Hồ  thuộc Công ty Cổ phần cao su Lai Châu đang tập trung khai thác mủ cao su.
Công nhân Nông trường cao su Nậm Tăm trên địa bàn huyện Sìn Hồ thuộc Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu tập trung khai thác mủ cao su.

Do bệnh phấn gây hại nên thời gian đưa vào khai thác mủ của Công ty từ ngày 15/5 với 1.500ha và đến cuối tháng 5 sẽ cạo toàn bộ diện tích 4.579,87ha. Sản lượng dự kiến đạt 4.607 tấn; tổng số nhát cạo có thể đạt 57 - 61 nhát, trong đó không tính 4 nhát cạo tháng 1/2020 đạt sản lượng 109,24 tấn mủ quy khô. Như vậy, sản lượng trung bình 1 nhát cạo tính từ đầu mùa cạo mới năm 2020 là 75,91 tấn. Tổng số lao động của Công ty là 846 người, trong đó 89 lao động gián tiếp, 757 lao động trực tiếp; số lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 là 785 người; lương bình quân 3 tháng đầu năm là 4,2 triệu đồng/tháng.

Trước tình hình bệnh phấn trắng và dịch bệnh Covid-19, Công ty phải điều chỉnh giảm sản lượng từ 5.300 tấn xuống 4.607 tấn/năm. Trong đó, Công ty tiết giảm các chi phí quản lý, chi hành chính 10% như: sử dụng tiết kiệm điện nước, văn phòng phẩm, tăng cường làm việc qua mạng Internet giảm chi phí đi lại, hội họp. Đối với lao động gián tiếp, sắp xếp, bố trí theo hướng tinh gọn bộ máy, tăng số người làm việc kiêm nhiệm với những vị trí phù hợp; lao động trực tiếp cạo chế độ D4, tạo số cây cạo/phần cạo lên từ 550 cây đến 650 cây/phần cạo nhằm tăng năng suất, thu nhập cho người lao động.

Đối với các chi phí đầu tư chưa cấp thiết sẽ được Công ty chuyển sang đầu tư vào năm 2021 như: mua 2 xe tải vận chuyển mủ, đầu tư xây dựng điểm cán vắt phục vụ Nông trường Cao su Phong Thổ, tại các điểm cán vắt chuyển từ đầu tư bổ sung máy cán 3 trục sang máy cán 2 trục 410, băng tải cao su cuối của dây chuyền… Riêng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Công ty linh hoạt trong quá trình tiêu thụ sản phẩm mủ theo nhu cầu và giá bán của thị trường tại từng thời điểm nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, chủ động tìm kiếm khách hàng, tiêu thụ nhanh khi tình hình dịch bệnh kết thúc.

Đến nay, diện tích cao su của Công ty trồng từ năm 2008 - 2015 đã khép tán, có độ che phủ lớn, nhờ đó tăng khả năng giữ nước, chống rửa trôi, xói mòn đất, hạn chế lũ lụt, làm tốt đất, cải thiện môi trường. Mặc dù còn khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra nhưng với sự đoàn kết, đồng lòng của cán bộ, công nhân, người lao động, Công ty sẽ từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, góp phần đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống người lao động.

Cập nhật ngày 27/5/2020

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.115
Hôm qua : 9.410
Tháng 04 : 198.355
Năm 2024 : 869.945
Tổng số : 82.336.038