A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản
Tổ quốc luôn ở trong trái tim

Kỳ 1: Có một tình yêu nơi biên giới

(laichau.gov.vn)

Dù thường xuyên đi công tác biên giới nhưng chuyến đi nào với chúng tôi cũng vô cùng xúc động. Xúc động vì được trở về gặp những người dân bản địa chân chất, thật thà; những người lính Biên phòng yêu biên giới Quốc gia như yêu những người ruột thịt, bảo vệ đường biên như bảo vệ tài sản gia đình. Đi biên giới, để chúng tôi biết thêm một điều: Tổ quốc Việt Nam rộng lớn bao la, đẹp đẽ vô ngần, đó cũng là lý do để những người dân coi đường biên, cột mốc như tài sản để giữ gìn cho con cháu, những chiến sĩ Biên phòng coi đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là người thân ruột thịt, nắm chắc tay súng sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Đối với họ, TỔ QUỐC LUÔN Ở TRONG TRÁI TIM. 

Bên cột mốc 18(2).

Huyện biên giới Phong Thổ có lẽ là địa phương của tỉnh Lai Châu được mệnh danh là có nhiều “cột mốc sống” nhất. Cho đến giờ, khi đến Pa Nậm Cúm, người dân trong bản vẫn kể lại câu chuyện ông Thùng Văn Bơn - "cột mốc sống", sẵn sàng bảo vệ từng tấc đất biên giới không để bên ngoài xâm lấn. Năm 2004, khi ở tuổi 80, ông Thùng Văn Bơn, bản Pa Nậm Cúm, xã Ma Ly Pho vẫn dẫn đầu người dân trong bản xuống suối Pa Nậm Cúm để đấu tranh giữ đất, giữ suối khi phát hiện phía bên kia biên giới tập trung máy xúc múc đất, nắn dòng chảy. Dù bị dội nước lạnh đến ướt đẫm chiếc áo bông đang mặc trên người nhưng ông Bơn vẫn nhất định “cố thủ” trước gầu của máy xúc, thậm chí còn không sợ trèo lên ngồi hẳn vào lòng gầu khiến phía bên kia không dám hạ gầu múc đất dưới lòng suối. Trước sự dũng cảm của ông, bà con trong bản và 2 xã lân cận là Hoang Thèn, Khổng Lào đã cùng ra đấu tranh, bảo vệ đất. Phía bên kia đã phải rút lui trước sự can trường, dũng cảm của dân bản.

Bộ đội Biên phòng phát tờ rơi tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới bà con.

Hay có những tình yêu biên giới, đường biên trở nên thiêng liêng, trở thành linh tính. Ông Lý A Sa, người dân tộc Hà Nhì, ở bản Tỷ Phùng, xã Sì Lờ Lầu, huyện Phong Thổ là một trường hợp như thế. Sinh ra ở bản vùng biên, mặc nhiên với ông, dù đi làm cũng là đi bảo vệ biên giới, đường biên, nên cột mốc 70 luôn gắn liền với ông mỗi ngày. Được Bộ đội Biên phòng hướng dẫn, ông nắm chắc về quy chế biên giới, không chỉ tuyên truyền cho bà con trong bản, ông còn coi đó là “cẩm nang sống” để sử dụng khi có sự cố. Ông cho biết, không hiểu sao bản thân ông luôn linh cảm được những điều khác lạ tại khu vực biên giới mà mình thường hay đi. Điển hình nhất là một lần ông bị ốm, không đi nương và cũng không đi thăm đường biên được nhưng trong lòng rất sốt ruột, day dứt. Cảm thấy không yên tâm, cứ thắc thỏm, ông cố gượng dậy gọi con cả cùng mình đi lên đoạn biên giới, khi tới nơi, ông thấy một nhóm người lạ đang phát nương lấn sang đất mình. Một mặt ông đến giải thích rõ cho họ hiểu về quy chế biên giới, mặt khác bảo con quay về báo với Bộ đội Biên phòng, nhờ đó ông đã kịp thời ngăn chặn được vụ việc xâm canh từ bên ngoài vào.

Đến xã Ma Ly Pho, chắc chắn khi hỏi, bạn sẽ được dẫn tới nhà ông Lý A Nhị, dân tộc Dao ở bản Hùng Pèng. Điểm khác biệt nhất là cột mốc biên giới Quốc gia 67(2) nằm ngay giữa sân nhà ông. Cũng vì điều đặc biệt này, ngôi nhà của ông Lý A Nhị luôn đông người qua lại để thăm cột mốc, ngày hè thì là nơi tụ tập của lũ trẻ, vừa chơi chúng vừa đọc sách xung quanh đó. Cột mốc luôn được ông Nhị và người nhà quét dọn hàng ngày và trông giữ cẩn thận. Khi còn là trưởng bản, ông Lý A Nhị nói với bà con “Cột mốc không chỉ đơn thuần là điểm đánh dấu, phân định ranh giới giữa các nước mà còn là hình ảnh quốc gia. Không chỉ Bộ đội Biên phòng mà mỗi người dân Hùng Pèng chúng ta đều phải có trách nhiệm bảo vệ đường biên, mốc giới”. Và mỗi người dân trong bản đến nay vẫn nhớ lời của ông Nhị để bảo bà con cháu mình, coi cột mốc, đường biên là tài sản để gìn giữ, bảo vệ.

Bộ đội biên phòng và bà con tuần tra biên giới.

Không chỉ ông Thùng Văn Bơn, ông Lý A Sa, ông Lý A Nhị mà mỗi hộ dân nơi biên giới họ đều mặc nhiên coi việc đi thăm, kiểm tra, bảo vệ đường biên, cột mốc là việc làm không thể thiếu hàng ngày. Nó như nhu cầu cần ăn cơm, nước uống, cần không khí để hít thở mỗi ngày. Yêu Tổ quốc với họ là gắn với nơi họ sinh ra, là yêu từng gốc cây, ngọn cỏ, từng tấc đất biên cương. Họ sát cánh cùng Bộ đội Biên phòng, luôn đặt tình yêu Tổ quốc trong trái tim mình.

Có được sự đoàn kết quân dân ấy, phải kể đến những nỗ lực của lực lượng Bộ đội Biên phòng luôn gần dân, sát dân và gắn bó mật thiết với bà con. Nhờ sự gắn kết chặt chẽ giữa lực lượng Biên phòng với bà con trên khu vực biên giới, sự phối hợp hiệp đồng hiệu quả của các lực lượng với chính quyền địa phương mà tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới luôn được bảo đảm. Hơn ai hết, lực lượng Biên phòng hiểu rằng, xây dựng thế trận lòng dân nơi biên giới mới là nhiệm vụ then chốt để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bởi vậy, mỗi người chiến sĩ Biên phòng luôn coi bà con dân bản như người thân trong gia đình, còn với bà con dân bản, Bộ đội Biên phòng cũng trở thành người nhà, là anh em. Quân dân gắn kết nơi biên giới tựa như bức tường thành, cùng nhau giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, tài sản của quốc gia.

(Còn tiếp kỳ 2)


Tác giả: Nguyễn Chanh - Nguyễn Hà
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.703
Hôm qua : 4.217
Tháng 12 : 124.313
Năm 2024 : 2.434.563
Tổng số : 83.900.656