Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Công cuộc xây dựng, bảo vệ các đường biên giới, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, các quyền và lợi ích của quốc gia gắn với các đường biên giới, chủ quyền lãnh thổ có vai trò trọng yếu đối với việc duy trì môi trường hòa bình và ổn định, giữ vững quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng trên bộ, trên biển, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Với truyền thống là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Công cuộc xây dựng, bảo vệ các đường biên giới, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, các quyền và lợi ích của quốc gia gắn với các đường biên giới, chủ quyền lãnh thổ có vai trò trọng yếu đối với việc duy trì môi trường hòa bình và ổn định, giữ vững quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng trên bộ, trên biển, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bám sát những quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta, Bộ Ngoại giao đã nỗ lực cùng các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, qua đó duy trì môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước láng giềng, đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể là:
Về công tác quản lý, bảo vệ biên giới, biển đảo
Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương biên giới, các cơ quan, lực lượng liên quan của các nước láng giềng triển khai toàn diện công tác phối hợp quản lý biên giới theo các văn kiện pháp lý về biên giới giữa Việt Nam và các nước. Các vụ việc phát sinh trong công tác quản lý biên giới được xử lý thỏa đáng, không làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa Việt Nam và các nước cũng như giữa các địa phương biên giới. Tình hình trên toàn tuyến biên giới đất liền cơ bản ổn định, đường biên giới và hệ thống mốc quốc giới, chủ quyền quốc gia được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới được đảm bảo, tạo thuận lợi cho công tác đàm phán, quản lý cũng như phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh biên giới và cả nước nói chung.
Trên biển, tình hình Biển Đông diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường hơn, làm tăng nguy cơ cọ xát, tác động trực tiếp đến môi trường hoà bình và thịnh vượng của khu vực nói chung, công tác bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích trên biển của ta nói riêng. Trước tình hình đó, Bộ Ngoại giao đã chủ động theo dõi sát tình hình, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, các lực lượng chức năng kịp thời đề xuất, tham mưu các biện pháp đấu tranh để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của ta trên Biển Đông từ sớm, từ xa; có các biện pháp thích hợp đấu tranh với các hành vi vi phạm quyền lợi của ta ở Biển Đông. Nhờ đó, các hoạt động hợp tác thăm dò, khai thác tài nguyên và đánh bắt thủy hải sản được bảo đảm diễn ra bình thường trên thềm lục địa và các vùng biển Việt Nam.
Về công tác đàm phán giải quyết các vấn đề biên giới
Về một số vấn đề tranh chấp còn tồn đọng, thời gian qua Bộ Ngoại giao tiếp tục duy trì, thúc đẩy các cơ chế đàm phán với các nước liên quan, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đối với 16% đường biên giới chưa hoàn thành phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia, Bộ Ngoại giao cũng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tích cực, chủ động thúc đẩy đàm phán với phía Campuchia để tìm kiếm giải pháp thỏa đáng.
Với việc giữ vững nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, kiên trì phấn đấu nhằm đạt được giải pháp cơ bản, lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, chúng ta đã duy trì và thúc đẩy nhiều cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển với các nước như cơ chế đàm phán với Trung Quốc trong khuôn khổ Nhóm công tác về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm, Nhóm công tác ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, cơ chế đàm phán biển với Indonesia, Philippines, Malaysia. Bên cạnh đó, Việt Nam cùng các nước ASEAN duy trì lập trường thống nhất của khối về Biển Đông, cùng các nước ASEAN và Trung Quốc tích cực triển khai hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán, xây dựng nội dung Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Về công tác phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu biên giới và hợp tác quốc tế
Bên cạnh việc nỗ lực giải quyết các vấn đề biên giới, một trong những điểm sáng là Bộ Ngoại giao đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả vào công tác quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được Quốc hội thông qua năm 2023, góp phần định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là các khu vực biên giới, biển đảo.
Cùng với đó, Bộ Ngoại giao thường xuyên phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ban, ngành hỗ trợ các địa phương biên giới trong công tác mở/công nhận/nâng cấp cửa khẩu, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa, phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông ở khu vực biên giới; nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho hoạt động thông quan hàng hóa, xuất khẩu các mặt hàng nông sản… Công tác hiện đại hóa quản lý và phát triển biên giới, cùng với việc đưa vào vận hành cửa khẩu số, nghiên cứu hợp tác thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh bước đầu đã đem lại hiệu quả cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới. Trong lĩnh vực phát triển du lịch biên giới, một trong những dấu ấn nổi bật thời gian qua phải kể đến sự kiện Việt Nam và Trung Quốc chính thức vận hành thí điểm khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) ngày 15/9/2023, góp phần thúc đẩy hợp tác du lịch, tăng cường giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước, thúc đẩy quan hệ Việt - Trung phát triển và đi vào chiều sâu.
Trên biển, thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ta đã tích cực trao đổi và mở rộng hợp tác quốc tế về biển với các nước trong và ngoài khu vực có cùng quan tâm như Ấn Độ, Pháp, Australia… trên nhiều lĩnh vực, đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Bên cạnh đó, ta tích cực tham gia các diễn đàn khu vực và quốc tế về biển và đại dương; chủ động nghiên cứu tham gia điều ước quốc tế về biển, ký kết các dự án, chương trình hợp tác về biển. Qua đó, thúc đẩy kinh tế biển phát triển, củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị, tăng cường xây dựng lòng tin, xây dựng cơ chế phối hợp tích cực trong hợp tác quản lý, bảo đảm an toàn, an ninh trên biển, tạo môi trường thuận lợi để sớm hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu, mạnh về biển.
Về công tác thông tin, tuyên truyền
Với nhiều nỗ lực trong công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức mới đa dạng, phong phú, các cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trong và ngoài nước đã có được nhận thức đúng đắn đối với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ. Lập trường chính nghĩa của ta được đông đảo đối tác, bạn bè quốc tế ủng hộ. Nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biên giới lãnh thổ, tập huấn nâng cao năng lực quản lý biên giới được Bộ Ngoại giao chú trọng đẩy mạnh đã góp phần làm sâu sắc hơn hiểu biết và nhận thức của người dân về công tác xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới lãnh thổ, trong đó phải kể đến Hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho các già làng, trưởng bản tiêu biểu hai bên biên giới Việt Nam - Lào (12/2022), các hội thảo quốc tế tuyên truyền kỷ niệm 40 năm ký kết UNCLOS 1982, 10 năm ban hành Luật Biển Việt Nam, 20 năm ban hành Luật Biên giới quốc gia...
Có thể nói, từ sau Hội nghị Ngoại giao 31 đến nay, công tác biên giới lãnh thổ tiếp tục có nhiều đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị, thực chất với các nước; qua đó thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại được đề ra tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng; nâng cao rõ rệt vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn nhiều bất ổn, thách thức, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ biên giới lãnh thổ cũng như phát huy tốt tiềm năng để phát triển ở các vùng biên giới, biển đảo, phục vụ thiết thực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương thời gian tới cần làm tốt một số nhiệm vụ: (i) quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về biên giới, lãnh thổ quốc gia; phát huy hiệu quả các cơ chế phối hợp quản lý biên giới; (ii) kịp thời giải quyết các vụ việc phát sinh trên biên giới; (iii) ứng phó hiệu quả, sáng tạo, linh hoạt với những vấn đề, thách thức mới nổi tại khu vực biên giới cũng như trên biển; (iv) tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý quản lý đường biên giới; (iv) đẩy mạnh hơn nữa giao lưu hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương biên giới của ta với các địa phương các nước láng giềng tiếp giáp; (v) làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhằm củng cố vững chắc lòng tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai đường lối, chính sách về biên giới lãnh thổ.
Để sớm đạt được những mục tiêu này, điều quan trọng là cần thúc đẩy sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, lực lượng làm công tác biên giới, bám sát các nguyên tắc chỉ đạo và mục tiêu cụ thể đã đề ra tại Đại hội XIII, tận dụng điều kiện thuận lợi để thúc đẩy giải quyết, xử lý vấn đề biên giới lãnh thổ và thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế - xã hội.
Cập nhật 25/12/2023