A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị cấp bộ trưởng G20: Vì sự phát triển bền vững toàn cầu

(laichau.gov.vn)

Hội nghị cấp bộ trưởng G20 đang diễn ra tại Nam Phi đặt trọng tâm là huy động nguồn lực và phương tiện thực thi cần thiết để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc, trong bối cảnh nhiều mục tiêu then chốt về phát triển bền vững bị đình trệ hoặc thậm chí thụt lùi.

Biểu tượng G20 tại Rio de Janeiro (Brazi;) hồi tháng 11 năm ngoái. (Ảnh: THX/TTXVN)
Biểu tượng G20 tại Rio de Janeiro (Brazi;) hồi tháng 11 năm ngoái. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hội nghị cấp bộ trưởng của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang diễn ra tại Nam Phi đặt trọng tâm là huy động nguồn lực và phương tiện thực thi cần thiết để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc, trong bối cảnh nhiều mục tiêu then chốt về phát triển bền vững bị đình trệ hoặc thậm chí thụt lùi.

G20 đại diện cho gần 70% dân số thế giới và 80% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, những năm gần đây nhóm này gặp không ít khó khăn trong việc đạt được đồng thuận chung. Là quốc gia châu Phi đầu tiên giữ chức Chủ tịch luân phiên G20, Nam Phi cam kết thúc đẩy các ưu tiên của khu vực Nam bán cầu, như tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và giải quyết nợ công tại các nước đang phát triển.

Diễn đàn G20 lần này, diễn ra trong khuôn khổ nhiệm kỳ Chủ tịch của Nam Phi và kết thúc vào ngày 25/7, tập trung vào chủ đề “Đoàn kết, bền vững và bình đẳng”, thể hiện cam kết phục hồi toàn cầu công bằng và có khả năng chống chịu.

Bộ trưởng Nam Phi phụ trách Kế hoạch, Giám sát và Đánh giá, bà Maropene Ramokgopa cho biết, nước này sẽ thúc đẩy G20 đưa ra cam kết cụ thể nhằm tăng đầu tư công vào các lĩnh vực vượt ra ngoài biên giới quốc gia như y tế, ứng phó biến đổi khí hậu và xóa đói, giảm nghèo.

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nam Phi Ronald Lamola cảnh báo tình trạng phân mảnh toàn cầu ngày càng gia tăng, đe dọa gây ra bất ổn chưa từng có và ảnh hưởng không cân xứng đến các quốc gia thu nhập thấp. Ông chỉ ra rằng cạnh tranh chiến lược, xu hướng tách rời kinh tế và các cuộc xung đột ủy nhiệm đang làm suy yếu các thể chế đa phương và đẩy thế giới vào trạng thái bất ổn kéo dài.

Ông Lamola nhấn mạnh những diễn biến này đang làm trầm trọng thêm sự mong manh tại các khu vực dễ tổn thương, đồng thời suy yếu trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Ông kêu gọi G20 phát huy vai trò trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định toàn cầu.

Trên cương vị Chủ tịch G20, Nam Phi cảnh báo rằng sự suy giảm hợp tác quốc tế và việc rời xa trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ đang đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc đến năm 2030, đặc biệt là xóa đói, giảm nghèo cùng cực và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Được 193 quốc gia thành viên thông qua vào năm 2015, SDGs đặt ra 17 mục tiêu lớn về giáo dục, khí hậu, bình đẳng giới và nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, tiến độ đang chậm lại và có nguy cơ thụt lùi. Theo Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Enoch Godongwana, các rủi ro địa chính trị, mất cân bằng thương mại và gia tăng rào cản thương mại đang đẩy các mục tiêu phát triển ra xa tầm với, trong khi biến đổi khí hậu tiếp tục làm trầm trọng thêm tình hình.

Sau 10 năm thực hiện, nhiều mục tiêu then chốt đang bị đình trệ hoặc thụt lùi so với trước đại dịch Covid-19. Báo cáo SDGs năm 2023 cho thấy, chỉ khoảng 35% mục tiêu có tiến triển, gần 50% đình trệ và phần còn lại đang đi lùi. Hiện vẫn còn khoảng 757 triệu người (9,1% dân số thế giới) sống trong đói nghèo, hơn 800 triệu người trong cảnh nghèo cùng cực.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo thế giới đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp về phát triển toàn cầu, khi gánh nặng nợ công đang rút cạn nguồn lực cần thiết để đầu tư cho người dân. Liên hợp quốc nhấn mạnh nếu không có hành động quyết liệt và đồng bộ, nhiều mục tiêu sẽ không thể hoàn thành đúng hạn.

Nam Phi kêu gọi G20 thể hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu, hợp tác tháo gỡ các thách thức, trong đó có rào cản thương mại ngày càng tăng, nhất là trong bối cảnh chính sách của một số nền kinh tế lớn như Mỹ đang tác động đến trật tự thương mại toàn cầu và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng kinh tế thế giới.

Để bảo vệ người tiêu dùng, các chuyên gia tài chính đề nghị các ngân hàng trung ương G20 cam kết duy trì tính độc lập và ổn định giá cả. G20 cũng được kêu gọi thúc đẩy các giải pháp toàn diện và hệ thống nhằm xử lý hiệu quả nợ công tại các nước thu nhập thấp và trung bình, tạo nền tảng tài chính vững chắc để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đúng hạn.

Cập nhật 22/7/2025


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.691
Hôm qua : 7.535
Tháng 07 : 148.852
Năm 2025 : 1.252.966
Tổng số : 85.209.899