A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Quy định rõ hành vi mua bán thai nhi trong Luật Phòng, chống mua bán người

(laichau.gov.vn)

Sáng 24/6, Quốc hội thảo luận toàn thể tại Hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Một trong những nội dung được nhiều người quan tâm là quy định rõ hành vi mua bán thai nhi vào dự thảo Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phòng, chống tội phạm hiện nay.

Quy định rõ hành vi mua bán thai nhi trong Luật Phòng, chống mua bán người- Ảnh 1.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều khiên phiên thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) - Ảnh: VGP/LS

Điều chỉnh hành vi mới phát sinh trong xã hội

Phát biểu thảo luận toàn thể tại Hội trường, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình), hành vi mới xuất hiện là mua bán thai nhi trong bụng mẹ, việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm đang mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời nên chưa có hậu quả xảy ra dẫn tới khó khăn cho công tác xử lý. 

Theo pháp luật hình sự nước ta hiện nay, chỉ được coi là con người và có quyền công dân khi đứa trẻ được sinh ra; còn khi vẫn còn đang trong bào thai bụng mẹ, chưa thể coi là con người chưa là đối tượng hành vi phạm tội. Vì vậy, cơ quan chức năng không có căn cứ để pháp lý để xử lý hình phạt hành vi mua bán thai nhi.

Trong khi đó, pháp luật hình sự Việt Nam hiện chưa quy định đối với trường hợp mua bán thai nhi, vì thai nhi không phải là trẻ em được sinh ra, tuy nhiên trên thực tiễn hiện nay tình trạng mua bán thai nhi đã xảy ra tại nhiều địa phương là hành vi nguy hiểm cho xã hội và vi phạm đạo đức vi phạm thần phong mỹ tục và chưa có quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề này; do đó cần bổ sung truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp mua bán thai nhi.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị cần có giải pháp đối với hành vi mua bán thai nhi.

Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cân nhắc điều chỉnh hành vi mới phát sinh trong thực tiễn về mua bán người. Theo đó, hiện nay xuất hiện hành vi mới trong đời sống xã hội là buôn bán thai nhi trong bụng mẹ. Việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời nên chưa có hậu quả xảy ra, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý.

“Theo pháp luật hình sự của nước ta hiện nay, chỉ được coi là người và có quyền công dân khi đứa trẻ được sinh ra đời, còn khi vẫn đang là bào thai trong bụng mẹ thì chưa được điều chỉnh để xem xét là đối tượng của hành vi phạm tội. Cho nên cơ quan chức năng không có cơ sở, căn cứ pháp lý để xử lý hành vi mua bán thai nhi”, đại biểu nêu.

Theo đại biểu, xét dưới góc độ pháp luật, hành vi của người mẹ có con rồi bán cũng là hành vi phải quy định là hành vi buôn bán người và có dấu hiệu phạm tội của mua bán người. Tuy nhiên, thực tế pháp luật hiện nay chưa quy định nên không có cơ sở xem xét. Bộ luật Hình sự 2015 cũng như pháp luật về phòng, chống mua bán người cũng chưa có quy định nào về vấn đề trên. 

Do đó, đại biểu cho rằng, trong lần sửa đổi Luật lần này, Ban soạn thảo cần cân nhắc, xem xét có giải pháp phù hợp đối với hành vi mua bán thai nhi đang trong bụng mẹ trước tình hình mua bán thai nhi đang diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi như trong giai đoạn hiện nay.

Mặt khác, hiện nay các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người được che giấu bởi các hình thức rất phức tạp như tham quan du lịch, ký kết hợp đồng, lao động xuất khẩu, kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi thông qua các đối tượng là pháp nhân thương mại… Do đó, đại biểu đề nghị, cần phải xem xét, cân nhắc bổ sung chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại đối với tội buôn bán người nhằm kịp thời điều chỉnh phù hợp thực tiễn về tình hình mua bán người có kết cấu tổ chức chặt chẽ, đa quốc gia như hiện nay.

Cùng quan điểm, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) kiến nghị bổ sung việc xem xét bổ sung quy định liên quan đến hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ trong dự thảo luật.

Việc bổ sung hành vi này vào tội mua bán người sẽ thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của thai nhi, phù hợp với các giá trị đạo đức và nhân văn. Việc không có quy định rõ ràng sẽ tạo kẽ hở cho các thành viên mua bán thai nhi diễn ra, gây ra những hậu quả tiêu cực cho xã hội và cộng đồng. Việc bổ sung quy định này sẽ giúp ngăn ngừa, ngăn chặn từ xa các hành vi vô đạo đức và bảo vệ sự an toàn cho thai nhi và bà mẹ mang thai.

Đại biểu lo ngại hành vi mua bán thai nhi có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, vì vậy, việc bổ sung quy định này giúp các cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý để xử lý các vụ việc có liên quan… Mặc dù bổ sung quy định này là cần thiết, nhưng cũng cần chú ý đến những khó khăn khi thực thi, việc điều tra, thu thập chứng cứ và xác định hành vi phạm tội có thể gặp nhiều thách thức. 

Do đó, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý, bảo đảm quy định rõ ràng, cụ thể và có tính khả thi cao. Đồng thời, tăng cường đào tạo, trang bị cho các cơ quan chức năng để thực thi luật hiệu quả và nghiêm minh.

Bổ sung biện pháp bảo vệ cho người thân thích của nạn nhân

Quan tâm đến việc hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, bổ sung nội dung đối với quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống mua bán người.

Quy định rõ hành vi mua bán thai nhi trong Luật Phòng, chống mua bán người- Ảnh 2.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh phát biểu tại Hội trường, sáng 24/6 - Ảnh: VGP/LS

Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh kiến nghị một số ý kiến như:

Thứ nhất, về các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống mua bán người được quy định tại Điều 3, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị bổ sung đối tượng là người thân thích của nạn nhân, người đang trong quá trình xác nhận là nạn nhân vào khoản 11 Điều 3, nhằm bảo đảm quyền riêng tư, tránh việc gây tổn thương hoặc gây nguy hiểm cho họ sau khi thông tin của nạn nhân được tiết lộ.

Thứ hai, sửa đổi khoản 14 Điều 13 thành hành vi khác vi phạm các quy định của pháp luật và quy định của Luật này trong phòng, chống mua bán người để tránh trùng lặp nội dung với các khoản 5, 6, 7, 8, 9, 11 vì các khoản này đã liệt kê các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong phòng, chống mua bán người.

Thứ ba, các biện pháp bảo vệ và thẩm quyền áp dụng tại Điều 35, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị bổ sung quy định biện pháp bảo vệ cho người thân thích của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân để bao phủ đủ 03 đối tượng đã được quy định tại Điều 34.

Đại biểu cũng nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, gộp Điều 10 về quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ vào Điều 17 về trách nhiệm phòng ngừa mua bán người trong các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ vì 02 điều này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Cập nhật ngày 24/6/2024


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.983
Hôm qua : 8.063
Tháng 06 : 194.349
Năm 2024 : 1.278.680
Tổng số : 82.744.773