Cây đàn tính của người Thái
Đội văn nghệ bản Nà Củng, xã Mường So, huyện Phong Thổ chơi đàn tính. |
Tính tẩu còn gọi là đàn tính hay đàn tẩu là nhạc cụ khảy dây được dùng phổ biến ở một số dân tộc miền núi như người Thái, Tày, Nùng... Trong tiếng Thái, tính có nghĩa là đàn, còn tẩu là bầu (quả bầu), dịch ra tiếng Việt tính tẩu có nghĩa là đàn bầu. Để khỏi nhầm lẫn với loại đàn bầu của người miền xuôi, nhiều người gọi tính tẩu là đàn tính.
Một số địa phương làm đàn tính 3 dây, cá biệt có người làm đàn tính 12 dây. Còn trên địa bàn tỉnh Lai Châu, đàn tính chủ yếu được làm 2 dây. Cây đàn tính gồm các bộ phận: Bát tính, cần tính, hon tính, má láng tính, tép tính, mạ tính, má pố tính, dây tính. Để làm được một cây đàn tính có âm thanh hay thì người làm đàn phải có kỹ thuật cao và am hiểu về âm nhạc. Bát tính là phần quả bầu, đây là một trong những phần quan trọng để cây đàn có được âm thanh hay.
Ông Hoàng Văn Sân, bản Nà Củng, xã Mường So, huyện Phong Thổ là một trong những người thường xuyên làm đàn tính của người Thái chia sẻ với chúng tôi: Người Thái ở bản chúng tôi tự trồng bầu để làm bát tính. Quả bầu được để già phơi khô và khoét bỏ ruột để làm bát tính. Cần tính được làm bằng gỗ nhẹ, không vênh. Hon tính (là phần cong ở cuối cần tính) được người thợ gọt một cách khéo léo để làm tạo sự mềm mại cho cây đàn.
Theo ông Hoàng Văn Sân, khi làm khe tính phải chú ý khoét, đục cho khéo để khỏi bị vỡ. Người làm đàn tính giỏi là má pố tính không cần khoét đến 7 lỗ âm thanh vẫn hay. Sau khi làm xong, người làm phải thử xem âm thanh có vang, có được như ý không, chỉnh sửa để cây đàn có âm thanh hay. Tôi là một người cũng thường làm đàn tính nhưng chỉ để phục vụ đội văn nghệ của bản.
Nhìn cây đàn tính rất đơn giản nhưng để làm được một cây đàn tính có âm thanh hay thì tất cả các bộ phận, các khâu phải được làm một cách tỉ mỉ, khéo léo. Một điều rất quan trọng là người làm phải có kỹ thuật, có tâm để làm được một cây đàn tính có âm thanh trong trẻo và trầm ấm.
Cây đàn tính là loại nhạc cụ không thể thiếu được trong các điệu múa, điệu xòe của dân tộc Thái; được dùng phổ biến trong các Lễ hội, những ngày vui của người Thái. Nhạc cụ này được dùng để độc tấu hoặc được dùng phối hợp với các nhạc cụ khác để tạo nên bản nhạc đa âm thanh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu, số người biết chế tác cây đàn tính còn rất ít. Vì vậy, tỉnh ta cần có các biện pháp bảo tồn và phát huy nhạc cụ này. Ông Đỗ Hạ Long, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Tỉnh cần có các lớp truyền dạy cách làm đàn tính cho thế hệ trẻ; có chế độ đãi ngộ đối với những nghệ nhân làm đàn tính; có “không gian sống” để cây đàn tính phát huy tác dụng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bảo tồn văn hóa dân tộc Thái trong đó có cây đàn tính./.
Hà Thoa