• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cây Sâm Lai Châu - Khát vọng đổi đời

(laichau.gov.vn)

Phát triển dược liệu, đặc biệt là phát triển cây Sâm Lai Châu – loài cây bản địa, là cây thuốc quý hiếm với thành phần saponin phong phú có công dụng phòng, điều trị nhiều loại bệnh và bồi bổ sức khỏe, có giá trị kinh tế cao đang là hướng đi được lãnh đạo tỉnh Lai Châu đặc biệt quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ phát triển.

Sâm Lai Châu có nguồn gen đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và Thế giới, mới chỉ phát hiện thấy duy nhất ở tỉnh Lai Châu.

Tỉnh Lai Châu có diện tích tự nhiên trên 9.000 km2, có chế độ khí hậu trung tính và ôn hòa, một số địa bàn có độ cao trên 1.200 m so với mực nước biển, có khí hậu quanh năm mát mẻ, thổ nhưỡng phong phú, đa dạng là điều kiện thuận lợi để phát triển các loài nông, lâm, thổ sản chất lượng cao. Với đặc thù trên 50% diện tích đất tự nhiên là đất rừng và đất lâm nghiệp, rừng Lai Châu thuộc loại rừng nhiệt đới, có nhiều rừng già, nguyên sinh với quần thể thực vật phong phú, đa dạng về loài và là nơi chứa đựng nguồn dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại và công dụng chữa bệnh như Sâm Lai Châu, Lan Kim tuyến, Bảy lá một hoa... Cùng với tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,4% và có trên 70% dân số có cuộc sống liên quan đến rừng. Đây chính là tiềm năng, lợi thế rất lớn để Tỉnh phát triển kinh tế dưới tán rừng, phát triển dược liệu, đặc biệt là cây Sâm Lai Châu.

Hạt của cây Sâm Lai Châu.

Sau gần 20 năm chia tách và thành lập, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước thông qua các Chương trình 30a, Chương trình 135, Nghị quyết 88/2019/QH14, Nghị quyết 120/2020/QH14… nhằm giúp Lai Châu và các tỉnh miền núi phát triển kinh tế - xã hội, từng bước xóa đói giảm nghèo. Cùng với sự đoàn kết, cố gắng nỗ lực vượt khó đi lên của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, cải thiện chất lượng đời sống Nhân dân, nâng cao hiệu quả quá trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. Nhiều Chỉ thị, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã được ban hành, đặc biệt chú trọng phát triển Nông nghiệp, Nông thôn bằng những thế mạnh của địa phương, trong đó chú trọng nghiên cứu bảo tồn và phát triển các loài cây, con bản địa có giá trị kinh tế cao.

Hàm lượng saponin trong các mẫu Sâm Lai Châu thu ngoài tự nhiên trung bình khoảng 23% - 27%, hàm lượng Saponin toàn phần tăng dần theo số năm tuổi.

Sau nhiều năm nỗ lực nghiên cứu, bảo tồn đã chỉ ra cây Sâm Lai Châu (Panax vietnamensis var, fuscidiscus K.Komatsu, S.Zhu & S.Q.Cai) có nguồn gen đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và Thế giới, mới chỉ phát hiện thấy duy nhất ở tỉnh Lai Châu. Tất cả các bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc. Hàm lượng saponin trong các mẫu Sâm Lai Châu thu ngoài tự nhiên trung bình khoảng 23% - 27%, hàm lượng Saponin toàn phần tăng dần theo số năm tuổi; đặc biệt hàm lượng Majonosid- R2(MR2) chiếm 4 - 6%, đã được Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng. Đây là loài cây bản địa, rất phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh.

Tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả nghiên cứu, để có chiến lược phát triển đúng đắn trên cơ sở tận dụng khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tiềm năng phát triển kinh tế dưới tán rừng, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 38/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 thông qua Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh để định hướng và hỗ trợ phát triển. Trong đó đã hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ hỗ trợ bảo tồn, hoàn thiện quy trình, nhân giống theo đề tài nghiên cứu khoa học được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hỗ trợ trồng, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi liên kết…

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng và Đoàn công tác của UBND tỉnh thăm vườn giống Sâm Lai Châu.

Đồng hành cùng với người dân, doanh nghiệp, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo sát sao các cấp, các ngành tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức, cá nhân tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của tỉnh; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, rà soát, tìm giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc để thu hút đầu tư trồng và phát triển cây Sâm Lai Châu; tổ chức các Hội thảo về Sâm Lai Châu; thành lập Hiệp hội Sâm Lai Châu… Đến nay đã có nhiều Doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư, gây trồng được trên 15 ha tại các huyện: Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ và Tam Đường. Một số doanh nghiệp, nhà đầu tư đang quan tâm đầu tư phát triển cây Sâm Lai Châu dưới tán rừng. Đây chính là cơ hội giúp bà con vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu…

Cùng với đó, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030: Giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ xác định trong Nội dung 2 thuộc Tiểu dự án 2 (Dự án 3) là đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý với mục tiêu: Bước đầu hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý; hình thành ý thức nuôi trồng dược liệu theo chuỗi giá trị và bảo tồn nguồn gen dược liệu đảm bảo các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng; kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Thực hiện Chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại Hội nghị Phát triển kinh tế dưới tán rừng các tỉnh trung du miền núi phía Bắc được tổ chức tại tỉnh Lai Châu: “ Đã đến lúc chúng ta phải “nghĩ khác, nghĩ mới, nghĩ lớn”; tiếp cận rừng không chỉ là với tư duy gỗ, thủy điện, mà tích hợp đa giá trị. Chúng ta cần mang chuỗi giá trị cho một ngành hàng dưới tán rừng… Vì vậy, không để bà con phát triển kinh tế dưới tán rừng một cách tự phát, mà phải kích hoạt tất cả các giá trị .”

Hiện Tỉnh đã đề nghị với Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm thuê dịch vụ môi trường rừng trồng dược liệu dưới tán rừng, trong đó tỉnh Lai Châu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến bố trí thực hiện thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu với quy mô trên 3.000 ha rừng phòng hộ. Khi Đề án thí điểm được phê duyệt sẽ là cơ hội, là điều kiện để đồng bào các dân tộc vùng khó có cuộc sống liên quan đến rừng thay đổi cuộc đời.

Lãnh đạo tỉnh Lai Châu dự Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội Sâm Lai Châu để bàn giải pháp phát triển cây Sâm Lai Châu.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển cây Sâm Lai Châu trong thời gian tới, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn, Hiệp hội Sâm Lai Châu luôn đồng hành, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Khuyến khích hình thức liên kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp với nông dân, trong đó nhà khoa học sẽ cung cấp các luận cứ khoa học kỹ thuật nuôi trồng, doanh nghiệp đầu tư vốn, công nghệ chế biến, bao tiêu sản phẩm và người dân tổ chức sản xuất, cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp tiêu thụ hoặc góp đất, công lao động; khuyến khích tích tụ đất đai để tạo các vùng trồng cây dược liệu tập trung theo các phương thức góp đất, thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo thỏa thuận và tự nguyện giữa người có đất với người có nhu cầu sử dụng đất phù hợp với quy định của pháp luật.

Tiếp tục tiến hành rà soát, quy hoạch vùng trồng; chú trọng sản xuất giống; hỗ trợ xây dựng nguồn giống, cấp mã số cơ sở nuôi trồng đảm bảo quy định theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp…

Đẩy mạnh hợp tác Quốc tế nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất cây giống, xây dựng cơ sở chế biến gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt là chế biến sâu các sản phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe từ cây Sâm Lai Châu nhằm tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước; xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho Sâm Lai Châu; chỉ đạo lập sàn thương mại và đẩy mạnh kinh doanh trên sàn thương mại điện tử và trên các trang mạng xã hội chính thống để thúc đẩy thị trường, đẩy mạnh giao dịch giống, sản phẩm của Sâm Lai Châu; tạo lợi thế về mặt cạnh tranh, hướng tới xuất khẩu.

Lãnh đạo tỉnh Lai Châu mong muốn cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các Doanh nghiệp, Hợp tác xã và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm thay đổi nhận thức, cùng hợp tác; cùng đồng hành, nỗ lực khắc phục khó khăn; sử dụng có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của tỉnh, của Trung ương để vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Với sự đồng hành của Cấp ủy, Chính quyền các cấp, các ngành trong tỉnh, và sự cố gắng, nỗ lực của các Doanh nghiệp, Hợp tác xã và Nhân dân các dân tộc Tỉnh Lai Châu, hoàn toàn tin tưởng rằng cây Sâm Lai Châu sẽ hiện thực hóa khát vọng “thoát nghèo” và “làm giàu ” của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu.


Tác giả: Đinh Lan
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 6.455
Hôm qua : 12.022
Tháng 04 : 184.343
Năm 2024 : 855.933
Tổng số : 82.322.026