Lai Châu quan tâm nâng cao chất lượng cán bộ người dân tộc thiểu số
Là tỉnh miền núi, biên giới với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 84%. Trong quá trình phát triển, xác định vai trò của cán bộ người dân tộc thiểu số là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Những năm qua, tỉnh Lai Châu luôn quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã, coi đó là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tại địa phương.
.jpg)
Cán bộ là người dân tộc thiểu số được sinh ra từ bản làng có mối quan hệ gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc thiểu số và am hiểu đời sống, phong tục, tập quán. Họ gần gũi, sâu sát, hiểu và nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của bà con. Chính vì vậy, nếu phát huy được bản lĩnh, tri thức của cán bộ người dân tộc thiểu số, họ sẽ là nhịp cầu nối quan trọng để tuyên truyền, vận động, triển khai đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách kịp thời, hiệu quả. Qua đó, tổ chức, dẫn dắt, tạo động lực cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong công cuộc xây dựng và phát triển bản làng, quê hương.
Chúng tôi đến xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu, là xã có tới 93% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm qua, xác định đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đóng vai trò nòng cốt trong hệ thống chính trị của xã, Đảng ủy, UBND xã tạo điều kiện, khuyến khích cán bộ, công chức tăng cường học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, đảm bảo các tiêu chuẩn đối với cán bộ cấp cơ sở. Từ năm 2021 đến nay, đã có 60 lượt cán bộ, công chức xã được tham gia các lớp học tập, tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ từ cao đẳng lên đại học, tham gia lớp trung cấp lý luận chính trị, quản lý Nhà nước… Đến nay, trong tổng số 22 cán bộ, công chức xã thì có tới 15 cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số; trong đó 12/15 cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn đại học, 15/15 có trình độ trung cấp lý luận chính trị.
Nhờ vậy, nhiều cán bộ trẻ người dân tộc thiểu số của xã dám nghĩ, dám làm, thường xuyên sâu sát cơ sở, gần gũi với bà con Nhân dân. Chị Giàng Thị Ca - Phó Chủ tịch HĐND xã Sùng Phài chia sẻ: Trong quá trình công tác được cấp ủy, lãnh đạo cơ quan tạo điều kiện tham gia nhiều lớp học tập, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Từ năm 2016 đến nay, bản thân tôi được tham gia nhiều lớp như: Lớp trung cấp lý luận chính trị, tập huấn về công tác giảm nghèo, lao động, việc làm, nghiệp vụ thực hiện chế độ chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, người có công, người yếu thế, nâng cao năng lực, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ dành cho cán bộ Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở, bồi dưỡng nghiệp vụ đại biểu HĐND... Là cán bộ người dân tộc thiểu số, tôi nhận thấy được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị giúp bản thân nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ trong công tác tham mưu các nhiệm vụ được giao và nâng cao kỹ năng công tác dân vận, vận động quần chúng, nhờ vậy được Nhân dân quý mến, tin yêu.

Có thể thấy, những năm qua, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết của địa phương, tỉnh Lai Châu đã đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo nguồn, xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số cấp tỉnh, cấp huyện được bổ sung, kiện toàn, chất lượng, năng lực lãnh đạo, quản lý được nâng lên. Việc bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số ở các cơ quan, đơn vị cơ bản đảm bảo theo lộ trình. Đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã cơ bản đảm bảo số lượng, chất lượng được nâng lên. Nhiều đồng chí đã được rèn luyện qua thực tiễn, sâu sát cơ sở, có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được phân công, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
Trong đó phải kể đến việc tỉnh Lai Châu rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo để tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số; tăng cường tổ chức các hội thi, cuộc thi học sinh giỏi, kịp thời phát hiện những học sinh giỏi, nhất là học sinh người dân tộc đặc biệt ít người để đưa đi đào tạo tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, xét cử tuyển đi học ở các trường chuyên nghiệp. Từ năm 2021 đến nay có 1.936 học sinh đi học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú trong tỉnh, 117 học sinh học tại các trường Hữu nghị 80, vùng cao Việt Bắc...; tỉnh đã lựa chọn 13 học sinh đi đào tạo trình độ đại học hệ cử tuyển tại Trường Đại học Tây Bắc.
Hàng năm, Tỉnh ủy dành 40% chỉ tiêu để tuyển dụng người dân tộc thiểu số vào các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, huyện. Từ năm 2021 đến nay toàn tỉnh đã tuyển dụng được 303 công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Cùng với đó thực hiện tốt việc bố trí, sắp xếp, phân công nhiệm vụ phù hợp với vị trí việc làm, trình độ, năng lực, sở trường công tác của cán bộ, từng bước cơ cấu lại đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Đến nay có 60% sở, ban, ngành, cơ quan cấp tỉnh có cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số; 8/8 huyện, thành phố trong thường trực cấp ủy, lãnh đạo HĐND, UBND có cán bộ là người dân tộc thiểu số; 49,43% các phòng, ban, cơ quan cấp huyện có cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiêu số.
Đồng thời chú trọng phát hiện, lựa chọn cán bộ, công chức cấp xã, viên chức người dân tộc thiểu số đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện để xét chuyển thành công chức cấp huyện, từ năm 2021 đến nay đã tiếp nhận 30 viên chức và cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số vào làm công chức cấp huyện. Tập trung rà soát, cử cán bộ người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã đi đào tạo, bồi dưỡng cả về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị; chú trọng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới theo tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm. Từ năm 2021 đến nay đã cử 2.205 lượt cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số đi đào tạo, bồi dưỡng.
Đến nay chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số cấp tỉnh, huyện được nâng lên, tỷ lệ cán bộ có trình độ chuyên môn đại học đạt 99,75%, trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên đạt 100%; 100% cán bộ chủ chốt cấp xã đảm bảo điều kiện theo tiêu chuẩn chức danh, tỷ lệ cán bộ có trình độ chuyên môn đại học trở lên 78,67%, lý luận chính trị cao cấp 37,53%.
Có thể khẳng định, những kết quả trên là nền tảng quan trọng để các cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy Lai Châu về Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, đạo đức, có trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phải nỗ lực rèn luyện, chủ động, tích cực học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, khắc phục tâm lý tự ti, tình trạng ngại học trong một bộ phận cán bộ, để vươn lên khẳng định vị trí, vai trò của mình cùng đóng góp công sức trong công cuộc xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển và giàu mạnh.