Tổng kết Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2021
Chiều nay (3/10), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2021 và nhiệm vụ trọng tâm thực hiện giai đoạn 2021 - 2025.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành trên cả nước. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Lai Châu; các đồng chí Ủy viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Lai Châu; đại diện lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh…
Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới được triển khai liên tục, có tính kế thừa qua 2 giai đoạn: Giai đoạn I (từ năm 2011- 2015, kéo dài đến năm 2017), thực hiện theo Quyết định 27/QĐ-TTg ngày 5/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ; giai đoạn II (từ năm 2016 - 2020, kéo dài đến 6/2022), thực hiện theo Quyết định 45/QĐ-TTg ngày 12/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Việc triển khai Chương trình trong giai đoạn II đã bám sát nhu cầu cấp thiết của xây dựng nông thôn mới trong tuyển chọn và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ. Chương trình đã đạt được các chỉ tiêu đề ra như: Trên 70% đề tài, dự án có kết quả được công bố trên các tạp chí chuyên ngành; 100% các nhiệm vụ có kết quả được cơ quan chuyên môn hoặc các địa phương tiếp nhận, đưa vào thực tế xây dựng nông thôn mới. Hầu hết các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đều có doanh nghiệp đầu tư; trên 60% mô hình có triển khai liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là đối với nhóm sản phẩm chủ lực các cấp.
Các mô hình đều chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến, phù hợp với các vùng miền. Hầu hết các mô hình sản xuất đều tăng hiệu quả từ 25% trở lên và góp phần tăng thu nhập cho nông dân trên 20% trong phạm vi dự án; hầu hết các đề tài, dự án đều tham gia nhiệm vụ đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ cho 11.000 lượt người, vượt chỉ tiêu đề ra (10.000 lượt người)…
Từ 84 nhiệm vụ ở giai đoạn II, số đề tài, dự án tham gia nghiên cứu từng nhóm nội dung lên tới trên 180 nhiệm vụ, tạo ra 339 sản phẩm mới; đề xuất 160 nhóm chính sách, giải pháp ở nhiều lĩnh vực, số công nghệ mới được tạo ra là 97 công nghệ, số công nghệ đã chuyển giao cho sản xuất là 232 công nghệ, số mô hình đã triển khai 208 mô hình (131 mô hình sản xuất liên kết, 77 mô hình quản lý, môi trường, du lịch); chuyển đổi trên 500.000 ha lúa sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả và các cây màu, cây thức ăn chăn nuôi; xây dựng 579,3 nghìn ha cánh đồng lớn; các vùng sản xuất cây công nghiệp tập trung thâm canh cao; hình thành nhiều vùng cây ăn quả tập trung công nghệ cao. Giá trị sản xuất năm 2020 đạt 101,5 triệu đồng/ha, tăng 25,8 triệu đồng so với năm 2013 và tăng 57,6 triệu đồng so với năm 2008…
Hội nghị đã thông qua Báo cáo định hướng quy chế quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham luận về: Phát triển chuỗi giá trị du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; chuyển đổi số trong quản trị nông thôn theo hướng tiếp cận làng thông minh; khởi nghiệp trong phát triển sản phẩm OCOP…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã đánh cao kết quả đạt được của Chương trình trong thời gian qua. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành trung ương, địa phương trong thời gian tới đẩy mạnh mô hình hợp tác, liên kết ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, nông nghiệp chính xác, vật liệu mới; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và hiện đại hóa công tác thủy lợi để phát triển sản xuất, sơ chế và chế biến nông, lâm, thủy sản theo hướng an toàn, hữu cơ, sinh thái.
Đồng thời huy động hiệu quả các nguồn lực để thực hiện các đề tài, dự án thuộc Chương trình theo hướng vốn ngân sách trung ương đóng vai trò “vốn mồi”, tăng cường hợp tác, huy động sự tham gia của các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp, nguồn vốn xã hội hóa; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và địa phương nhằm nâng cao nhận thức xã hội và quảng bá thành tựu khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới…