A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đến Lai Châu thưởng thức “bữa tiệc” văn hóa độc đáo chưa từng có tại Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người

(laichau.gov.vn)

Với sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào các dân tộc dưới 10.000 người của 11 tỉnh gồm: Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Quảng Bình và Kon Tum, Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần đầu tiên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu phối hợp với các tỉnh có các dân tộc có số dân dưới 10.000 người tổ chức hứa hẹn đem đến “bữa tiệc” văn hóa độc đáo, đa dạng và hấp dẫn chưa từng có tại Lai Châu.

Thời tiết những ngày cuối thu ở Lai Châu như chiều lòng người dân và du khách. Không khí trong lành, mát dịu, những tia nắng dịu nhẹ như chào đón mọi người cùng đến thăm quan và trải nghiệm các hoạt động văn hóa tại Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người.

Ngày hội diễn ra từ ngày 03 - 05/11/2023, tại Thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu với vô vàn các hoạt động văn hóa trong đó phải kể đến: Chương trình nghệ thuật đặc biệt tại Lễ Khai mạc diễn ra vào hồi 20h00’ ngày 03/11/2023 tại Quảng trường Nhân dân tỉnh Lai Châu và được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Lai Châu.

Thành phố Lai Châu về đêm sẵn sàng chào đón du khách.

Đến tham dự các hoạt động tại Ngày hội, người dân và du khách sẽ được theo dõi các hoạt động trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội như Nghi lễ nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn (Tuyên Quang), Tết Ngô của Cống (Lai Châu), Lễ cầu mưa dân tộc Lô Lô (Cao Bằng), Lễ đón dâu của dân tộc Pà Thẻn (Hà Giang)...; các nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, Liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống, trình diễn nghề thủ công truyền thống, triển lãm đặc trưng văn hoá các dân tộc có số dân dưới 10.000 người trong cộng đồng văn hoá các dân tộc Việt Nam; trưng bày, giới thiệu trang phục truyền thống của 14 dân tộc có số dân dưới 10.000 người; tham gia cổ vũ các hoạt động thể dục thể thao truyền thống với các môn: Kéo co, Bắn nỏ và Đẩy gậy.

Cùng thời điểm đó, tỉnh Lai Châu tổ chức Tuần Du lịch - Văn hóa tỉnh Lai Châu năm 2023 với các hoạt động như: Chương trình Famtrip khảo sát và kết nối các doanh nghiệp lữ hành trong nước với 03 tỉnh bắc Lào và Châu Hồng Hà tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và toạ đàm đánh giá khả năng khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh; tổ chức không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá du lịch và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu; không gian trưng bày, quảng bá, giới thiệu và thưởng thức trà, quảng bá giới thiệu sâm, lan và sinh vật cảnh của Lai Châu; chương trình giao lưu văn nghệ Việt - Trung.

Lai Châu - mảnh đất quyến rũ nơi ven trời Tây Bắc của Tổ quốc, nơi được đất trời ưu ái ban tặng vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, với nhiều tiềm năng phát triển du lịch thể thao mạo hiểm. 

Ngoài ra cũng trong khuôn khổ hoạt động của Tuần Du lịch - Văn hoá Lai Châu năm 2023, tỉnh Lai Châu tổ chức: Giải đua Môtô địa hình mở rộng lần thứ I, tại huyện Tân Uyên; đăng cai Giải Dù lượn Quốc tế đường trường PuTaLeng mở rộng lần thứ 2, tại huyện Tam Đường và Giải leo núi chinh phục đỉnh Tả Liên Sơn mở rộng lần thứ I.

Sân khấu chính tại Quảng trường Nhân dân tỉnh Lai Châu đang được dựng lên.

Đến Lai Châu những ngày này, không khí luyện tập và chuẩn bị cho Ngày hội đang rất hăng say và hào hứng. Tại Quảng trường Nhân dân tỉnh Lai Châu, một sân khấu lớn đang được dựng lên. Tại đây, chương trình Khai mạc với sức chứa hàng chục nghìn người sẽ diễn ra. Các diễn viên, nghệ nhân, vận động viên cũng đang tích cực tập luyện để đem đến cho khán giả những màn trình diễn đẹp mắt.

Các diễn viên đang tập luyện chuẩn bị cho các màn biểu diễn tại Ngày hội.

Các Tiểu ban Hậu cần, lễ tân, Tiểu ban an ninh, chăm sóc sức khoẻ đã xây dựng kế hoạch, phương án và đang triển khai thực hiện công tác hậu cần, lễ tân; thiết kế, triển khai tổng thể không gian hoạt động Ngày hội, các không gian văn hoá, du lịch; chuẩn bị các điều kiện điện, nước, đảm bảo vệ sinh môi trường; đảm bảo an ninh, trật tự, chăm sóc sức khoẻ…

Hiện tại Lai Châu đã sẵn sàng với trên 2.000 phòng khách sạn, nhà nghỉ với sức chứa trên 4.200 người tại thành phố Lai Châu và các huyện lân cận, sẵn sàng hỗ trợ để phục vụ du khách và đại biểu về tham dự.

Vịnh Pá Khôm, xã Pha Mu, huyện Than Uyên được du khách ví như Vịnh Hạ Long trên cạn là một điểm đến hấp dẫn.

Đến với Lai Châu, nơi sở hữu 06/10 ngọn núi nằm trong top những ngọn núi hùng vĩ nhất cả nước như: PuSiLung, PuTaLeng, Bạch Mộc Lương Tử, Tả Liên Sơn, Khang Su Văn, Pờ Ma Lung với bạt ngàn sắc hoa đỗ quyên, thảm thực vật phủ đầy rêu xanh cùng biển mây trắng bồng bềnh. Do đặc thù địa hình núi cao, một số vùng của tỉnh Lai Châu được thiên nhiên ưu đãi có khí hậu ôn đới quanh năm mát mẻ và sở hữu nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, hấp dẫn du khách, cùng với đó là hệ thống 32 di tích lịch sử văn hóa và danh lam, thắng cảnh, di tích được xếp hạng tạo ra các điểm du lịch rất có tiềm năng phát triển. Lai Châu còn là nơi có bề dày lịch sử, văn hóa phong phú, đặc sắc của 20 dân tộc, con người Lai Châu đôn hậu, thân thiện và mến khách; nơi đây còn là cầu nối giữa hai điểm du lịch nổi tiếng giữa Sa Pa và Điện Biên Phủ, Đông và Tây Bắc. Lai Châu chào đón các bạn đến với Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I, tại tỉnh Lai Châu và Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2023.

GIỚI THIỆU THÊM MỘT SỐ SẢN PHẨM DU LỊCH

Sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm:

- Dù lượn đường trường tại Huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu (điểm bay Sì Thâu Chải) là nơi duy nhất tại Việt Nam đã từng tổ chức thành công các Giải Dù lượn đường trường với quy mô lớn, được Liên đoàn Thể thao hàng không Quốc tế (FAI) công nhận là các giải đấu được xếp hạng Quốc tế; được các chuyên gia đánh giá là một trong những điểm bay đẹp nhất Đông Nam Á.

- Sản phẩm du lịch chinh phục thiên nhiên, chinh phục khám phá các đỉnh núi cao hùng vĩ như: Đỉnh PuSiLung (3.083m), đỉnh PuTaLeng (3.049m), đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (3.045m), đỉnh Tả Liên Sơn (2.993m),…

-  Những thác nước hùng vĩ, những cánh đồng uốn lượn dưới thung lũng, những thảo nguyên xanh mát như: Pú Đao, Sì Thâu Chải, Xà Dề Phìn, Dào San…

- Loại hình tham quan khám phá hang động tại các động Pu Sam Cáp, Tiên Sơn, Tả Phìn,…

Sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe: Ngâm chân, tắm thuốc người Dao huyện Sìn Hồ; tắm nước khoáng nóng ở Vàng Pó (Phong Thổ), Phiêng Phát (Tân Uyên),… gắn với các bản du lịch cộng đồng.

Sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp: Tham quan, trải nghiệm đồi chè, mô hình trồng hoa hồng tại xã San Thàng, thành phố Lai Châu; các vườn cây ăn quả đào, mận, lê... tại xã Giang Ma, Hồ Thầu, huyện Tam Đường.

Sản phẩm du lịch đường sông và lòng Hồ thủy điện: Du lịch tại Vịnh Pá Khôm, xã Pha Mu, huyện Than Uyên; Hồ thuỷ điện Lai Châu, Bản Chát…

 


Tác giả: Đinh Lan
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 452
Hôm qua : 4.522
Tháng 09 : 83.335
Năm 2024 : 1.889.380
Tổng số : 83.355.473