• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tân Uyên mùa dứa ngọt

(laichau.gov.vn)

Sau bao nhiêu ngày khấp khởi mong chờ, chuyến hàng dứa đầu tiên của Công ty Cổ phần Trà Than Uyên (huyện Tân Uyên) đã được xuất bán thành công, mở ra những tia hy vọng mới cho việc chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang cây trồng mới. Dân gian có câu “đầu xuôi, đuôi lọt”, mong rằng sau chuyến hàng này, sẽ là hàng trăm, hàng nghìn chuyến khác đưa sản phẩm dứa của công ty ra thị trường.

Chuyến xe chở sản phẩm dứa đi tiêu thụ vừa chuyển bánh, ông Vũ Ngọc Sang – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chè Than Uyên không giấu nổi niềm vui, phấn khởi, trò chuyện cùng chúng tôi. Nhìn ra xa, trập trùng những đồi dứa đang xếp hàng chờ thu hoạch, ông nói: Trước đây, toàn bộ diện tích này là những luống chè già cỗi. Đó là những diện tích chè đầu tiên được đội ngũ công nhân nông trường chè năm xưa, trong đó có tôi lên dựng xây vùng kinh tế mới ươm xuống làm xanh những vùng đất khô cằn và là cây trồng đem đến sinh kế cho bao nhiêu thế hệ.

1
Chuyến xe chở dứa đầu tiên của Công ty Cổ phần Trà Than Uyên đã thành công thuận lợi.

Đến nay, sau 5-6 thập kỷ, chè đã cỗi, năng suất thấp và mất khoảng nhiều, công ty quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích chè hiệu quả kinh tế thấp sang trồng giống dứa Queen đi đôi với xây dựng chiến lược bao tiêu sản phẩm. Trong chiến lược kinh doanh lâu dài, công ty tiến tới liên kết với người dân trên địa bàn huyện hình thành vùng nguyên liệu tập trung để tạo nên chuỗi sản phẩm cung ứng cho nhà máy chế biến sản phẩm dứa.

Trong nhật ký theo dõi tình hình tài chính của công ty cho thấy, trước đây, hầu hết những diện tích chè cỗi, không có năng suất nên công ty không thể thực hiện khoán mà cho người dân làm không. Còn số ít diện tích giao khoán, nguồn thu về chỉ được khoảng 8 triệu đồng/năm. Để cân đối nguồn tài chính, công ty phải dùng nguồn khác bù vào.

Với một người “lão luyện” trên thương trường chè và luôn nhạy bén, thức thời như ông Vũ Ngọc Sang, chắc hẳn không thể để nguồn đầu tư đứng yên, khi đưa ra một chủ trương và quyết định mới đều có căn cứ và tính toán kỹ lưỡng. Do đó, mỗi bước đi đều có sự chuẩn bị kỹ càng để cùng có lợi cho tất cả các bên. Do đó, trước khi chuyển đổi 27ha chè cỗi sang toàn bộ diện tích dứa Queen, công ty đã xây dựng Đề án về tiêu thụ sản phẩm, theo đó liên kết với Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Quang Hà (Điện Biên) thu mua với giá 5.000 đồng/kg dứa.

Công ty triển khai trồng dứa từ tháng 6 năm 2023. Sau tròn 1 năm, dứa cho thu hoạch, dự kiến vụ thu hoạch đầu tiên, công ty sẽ thu về khoảng 800 tấn dứa. Sau khi thu hoạch lứa đầu, công ty đánh giá chất lượng quả tốt, dứa ngọt đậm, lượng nước nhiều; tỷ lệ quả loại I là chủ yếu (8-900g/quả), quả loại II, III ít; năng suất, sản lượng đạt kế hoạch. Do vụ đầu thu hoạch chưa đạt khối lượng đủ điều kiện bao tiêu theo hợp đồng đã ký kết nên công ty đang xuất bán cho khu vực đầu mối chợ Long Biên (Hà Nội) với giá 5,5 nghìn đồng/kg. Theo tính toán, chỉ cần với giá bình quân 5.000 đồng/kg, doanh thu từ dứa của công ty đã đạt trên 200 triệu đồng/ha (cao hơn khoảng 60 triệu đồng/ha so với trồng chè).

3
Theo đánh giá, dứa có vị ngọt đậm và tỷ lệ quả loại I chiếm đa số.

Tìm hiểu thêm về kỹ thuật trồng và xử lý các công đoạn phát triển của dứa, đảm bảo thời gian thu hoạch không bị dồn cùng lúc được biết, Công ty đã thuê nhân công buộc lá hãm thời gian thu hoạch. Thời gian tới, dứa sẽ được trồng xen vào các diện tích mít, bơ, xoài hiện đã và đang cho thu hoạch (cũng từ chuyển đổi diện tích chè). Lợi ích đầu tiên của việc trồng xen là tiết kiệm được 1 công làm đất, làm cỏ, bón phân trên một đơn vị diện tích; đồng thời giúp giảm diện tiếp xúc ánh sáng giúp cho cây dứa giữ được độ ẩm và giảm chi phí công buộc lá.

Sau khi thu hoạch lứa đầu, công ty đang tính toán việc tự sản xuất giống từ các chồi dứa mọc ra từ gốc chính. Công ty sẽ thành lập hợp tác xã ươm giống dứa, vừa đảm bảo nguồn giống cho công ty và cung ứng giống dứa cho người dân trồng để cùng tạo nguồn nguyên liệu, phục cho quá trình sản xuất của công ty. Khi đã có vùng nguyên liệu rộng lớn, việc kết hợp với Công ty Thạch rau câu Long Hải (Hải Dương) để chế biến ra sản phẩm thạch dứa và nước ép dứa tươi.

4
Sau thành công vụ dứa đầu, công ty có kế hoạch liên kết với người dân mở rộng vùng sản xuất kết hợp với bao tiêu sản phẩm.

Khi dứa chín đồng loạt, công ty sẽ xuất đi khoảng 2-30 tấn dứa/ngày và sẽ kết thúc thu hoạch trong khoảng 2 tháng. Bước khởi đầu thành công của công ty là tín hiệu rất mới và tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng mở rộng diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Tân Uyên.

Trong thời gian tới, việc liên kết giữa Công ty với người dân để mở rộng diện tích trồng dứa thành công, thì khả năng đạt và vượt chỉ tiêu trồng cây ăn quả của huyện hoàn toàn có thể. Đồng thời đóng góp không nhỏ vào giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và tăng thu ngân sách địa phương.

Cập nhật ngày 2/7/2024

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.007
Hôm qua : 10.185
Tháng 07 : 175.176
Năm 2024 : 1.459.976
Tổng số : 82.926.069