Ý nghĩa bữa cơm ngày Tất niên
![]() Mâm cơm Tất niên xưa (Ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Ngay từ sáng sớm 29 Tết, chị Nguyễn Thị Thu, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu đã tất bật đi chợ để làm cơm Tất niên. Năm nay không về quê đón Tết cùng ông bà nên chị muốn làm bữa cơm để cùng gia đình em trai mình ăn bữa cơm trong ngày cuối năm, chờ đón năm mới. Chị Thu cho biết: Giờ này năm ngoái tôi cũng đang tất bật cùng mẹ chuẩn bị cơm Tất niên để đón anh chị em ở xa về nhà đón Tết. Năm nay vì công việc nên tôi không về quê được, ở đây có gia đình em trai nên trưa nay tôi chuẩn bị cơm Tất niên, trước là báo cáo tổ tiên về công việc cả năm, mời các cụ về đón Tết cùng gia đình, sau là để 2 nhà sum vầy bên nhau.
Không chỉ gia đình chị Thu mà hầu như với tất cả các gia đình trên đất nước Việt Nam, bữa cơm Tất niên cũng đều đặc biệt quan trọng và là nét đẹp truyền thống bao đời nay. Từ sáng sớm, các bà, các mẹ tự tay đi chợ, chọn những đồ ăn tươi ngon để về chế biến một mâm cỗ đầy đủ dâng cúng tổ tiên, đàn ông trụ cột trong gia đình sửa soạn nơi thờ tự, thăm mộ rồi trở về làm lễ cúng. Sau lễ cúng, cả gia đình quây quần ăn bữa cơm đoàn viên chào năm mới.
Mâm cỗ cúng tất niên vào ngày cuối năm ngoài ý nghĩa tiễn biệt năm cũ thì còn là bữa cơm để con cháu thể hiện tấm lòng tôn kính, hiếu thảo với những người đã khuất trong gia đình. Bởi vì trong quan niệm dân gian, mặc dù ông bà đã chết nhưng linh hồn vẫn còn sống về phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, nên những dịp lễ Tết, người ta hay mời ông bà tổ tiên về đón Tết cùng gia đình. Theo phong tục tập quán của người Việt Nam, bữa cơm Tất niên chỉ bao gồm những thành viên trong gia đình, tập trung toàn thể con cháu từ mọi nơi tụ hội. Trong lễ cúng, chủ nhà báo cáo tổ tiên tình hình làm ăn, kết quả học tập của con cháu trong năm vừa qua, sau đó là mời tổ tiên về ăn tết cùng gia đình, phù hộ cho con cháu sang năm mới sức khỏe, làm ăn gặp nhiều thuận lợi, may mắn...
Ngày xưa, mâm cỗ Tất niên miền Bắc phải thường đủ 4 bát, 4 đĩa. Cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa...có khi mâm cỗ lớn phải xếp cao đến 2, 3 tầng. Bốn bát, bốn đĩa gồm: bát giò heo hầm măng lưỡi lợn, bát bóng thả, bát miến, bát mọc. Bốn đĩa gồm: đĩa thịt gà, đĩa thịt lợn, đĩa giò lụa, đĩa chả quế. Ðầy đủ các món ăn là vậy bởi ngày xưa quanh năm chỉ có ngày Tết mới được thưởng thức nhiều món như vậy nên mới có câu “đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”, bên cạnh đó mâm cỗ Tết còn thể hiện sự no ấm, hạnh phúc của mỗi gia đình, cũng như ước mong một năm mới đầy đủ, thịnh vượng và phát đạt. Tuy nhiên hiện nay, khi xã hội phát triển, cũng tùy theo phong tục tập quán, nét sinh hoạt trong mỗi gia đình mà mâm cỗ Tất niên đã có nhiều thay đổi các món một cách phù hợp.
Bữa cơm tất niên mang ý nghĩa tư tưởng của mỗi người khi xuân về. Mùi Tết ấm áp từ bữa cơm tất niên lan tỏa là thời khắc tình cảm con người tuôn trào. Không chỉ có vậy bữa cơm tất niên còn có nhiều ý nghĩa tâm linh. Theo quan niệm truyền thống bữa cơm cuối cùng của năm là để tiễn biệt năm cũ, ăn xong người ta sẽ bỏ qua mọi muộn phiền của năm cũ, những giận hờn cũng sẽ xóa bỏ từ đây. Mâm cơm tất niên còn là tục lệ truyền thống rước ông Công ông Táo về lại nhà coi sóc việc bếp núc của gia chủ. Bởi vậy bữa cơm tất niên ngày cuối năm vì thế luôn có một cái gì đó hết sức thiêng liêng. Đó cũng là lý do để quê hương, gia đình luôn là nỗi niềm thương nhớ da diết của những con người xa quê mỗi khi xuân về.
Có thể nói, bữa cơm tất niên là nét văn hoá, in đậm trong tâm trí người Việt. Đây đã trở thành một nét đẹp truyền thống, đạo lý sâu xa của dân tộc về việc giáo dục chữ hiếu, nguồn cội cho cháu con, nhắc nhở họ nhớ về những kỷ niệm, công đức của ông bà.
Minh Hiếu