Phổ biến thông tin quy định, tiêu chuẩn thị trường Halal
Ngày 10/1/2025, Sở Công Thương tỉnh Lai Châu đã ban hành Công văn số 68/SCT-QLTM về việc phối hợp phổ biến thông tin quy định, tiêu chuẩn thị trường Halal. Cổng Thông tin điện tử tỉnh giới thiệu về thông tin này.
I. Thông tin chung
1. Thị trường chè
Pakistan là nước nhập khẩu chè lớn nhất thế giới. Pakistan là quốc gia uống chè nhưng lại không trồng được chè nên có nhu cầu nhập khẩu rất cao và ổn định đối với mặt hàng chè. Năm 2023, Pakistan nhập khẩu 242 nghìn tấn chè trị giá 588 triệu USD, tức là gần gấp ba tổng kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam ra toàn thế giới. Pakistan là khách hàng số một của Việt Nam với xuất khẩu chè đi Pakistan chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam.
Năm 2023 xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 120 nghìn tấn trị giá 210 triệu USD trong đó xuất khẩu sang thị trường Pakistan đạt 41,56 tấn trị giá 80,35 triệu USD. Pakistan tiếp tục là thị trường nhập khẩu chè lớn nhất của Việt Nam, chiếm 34,6% về lượng và 38% về trị giá. Đặc biệt cơ cấu chủng loại chè xuất khẩu của Việt Nam đã được điều chỉnh mạnh theo hướng xuất khẩu các mặt hàng mà thị trường cần, nhất là thị trường Pakistan chủ yếu nhập khẩu chè đen CTC và thị trường Afghanistan chủ yếu nhập khẩu chè xanh.
Năm 2023, Pakistan nhập khẩu 242 nghìn tấn chè trị giá 588 triệu USD trong đó 97,45% là nhập khẩu chè đen CTC từ Kenya (78,3%) và các nước châu Phi. Tổng nhập khẩu chè xanh của Pakistan chỉ là 6,2 nghìn tấn chè xanh trị giá 11,97 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu được 8,86 nghìn tấn trị giá 14,7 triệu USD trong đó chè đen CTC là 3,56 nghìn tấn và chè xanh là 5,3 nghìn tấn. Việt Nam chiếm vị trí thứ tư trong xuất khẩu chè đen CTC vào Pakistan nhưng chỉ chiếm được thị phần 3,6%. Việt Nam chiếm vị trí thứ nhất trong xuất khẩu chè xanh vào Pakistan với thị phần 86%.
Đối với thị trường Afghanistan, số liệu 2020 cho thấy Afghanistan nhập khẩu 66 nghìn tấn chè trị giá 105 triệu USD trong đó nhập khẩu chè xanh là 44 nghìn tấn, chè đen CTC là 22 nghìn tấn. Việt Nam đứng đầu trong xuất khẩu chè xanh sang Afghanistan với lượng xuất khẩu là 39 nghìn tấn, chiếm thị phần 89%. Sau Việt Nam là Trung Quốc với thị phần 10%. Việt Nam đứng thứ hai trong xuất khẩu chè đen CTC sang thị trường Afghanistan với số lượng xuất khẩu là 3,2 nghìn tấn, chiếm thị phần 15%; Kenya chiếm vị trí thứ nhất với thị phần 70%.
Đối với thị trường Việt Nam, Pakistan chủ yếu nhập chè đen CTC và chè xanh cho vùng biên giới phía bắc và quá cảnh sang Afghanistan. Pakistan chỉ nhập 1 lượng rất ít chè đen Orthodox để đấu trộn với một số loại chè chất lượng cao. Chè CTC do các công ty Chè Phú Thọ trước đây và Công ty Chè Phú Bền hiện nay được khách hàng Pakistan đánh giá cao, Ngoài ra còn có chè CTC của Công ty Chè Nghệ An, Công ty Chè Lâm Đồng. Về chè xanh thì khách hàng Pakistan đánh giá cao nhất chè xanh Mộc Châu, so sánh chè xanh Mộc Châu với chè xanh Darjeeling của Ấn Độ được coi là chè xanh ngon nhất thế giới. Đã từng có 1 cơn sốt chè xanh Mộc Châu trên thị trường Pakistan dẫn tới hậu quả doanh nghiệp Việt Nam đưa chè Hà Giang lên Mộc Châu bán và làm mất luôn thương hiệu chè Mộc Châu. Ngoài ra còn có chè xanh Lâm Đồng được ưa chuộng trên thị trường Pakistan.
Chè xuất khẩu đi thị trường Pakistan dứt khoát phải chú ý đến thông tin về sản xuất. Đó là địa chỉ vườn chè và vụ thu hoạch chè. Người tiêu dùng Pakistan rất sành sỏi trong uống chè, và họ đánh giá chất lượng chè theo độ cao của vườn chè so với mực nước biển và vụ thu hoạch chè là mùa đông hay mùa hè. Vì vậy các loại chè đấu trộn không rõ nguồn gốc thường bị trả giá rất thấp. Tại Việt Nam duy nhất chỉ có Nhà máy Chè Phú Đa là liên doanh giữa tỉnh Phú Thọ và thủ đô Bát-đa của I-rắc là có sản phẩm xuất khẩu ghi rõ địa chỉ vườn chè và thời gian sản xuất và chè Phú Đa luôn được bán với giá từ 2,25-2,5 USD/kg trong khi các loại chè Việt Nam khác chỉ bán được giá không quá 0,75 USD/kg. Phương thức bán chè tại Kenya ngược hoàn toàn với Việt Nam: Chè Kenya không được bán theo mẫu, chỉ được bán sau khi đã sản xuất và chè Kenya không được bán tự do, chỉ được bán thông qua đấu giá. Doanh nghiệp Việt Nam lại bán chè trước khi chế biến nên không thể xác định được chất lượng chè khi giao kết hợp đồng. Vì vậy doanh nghiệp nhập khẩu chè Pakistan trả giá rất thấp để đối phó với rủi ro về chất lượng.
Thị trường Pakistan rất nhạy cảm với yếu tố giá, có nhu cầu cao với các loại chè giá rẻ. Mặc dù chính phủ Pakistan có quy định về kiểm soát hàm lượng độc tố aflatoxin trong sản phẩm chè nhập khẩu nhưng vì nhu cầu thị trường đối với mặt hàng chè quá cao nên quy định này thường được bỏ qua.
Từ năm 2022 xuất hiện việc một số doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu chè Việt Nam sử dụng hóa chất để nhuộm chè, tạo mầu xanh cho nước chè để hấp dẫn người tiêu dùng. Việc sử dụng hóa chất để nhuộm chè không những có hại cho sức khỏe của người tiêu dùng mà còn là một hành vi gian lận thương mại, gây nhầm lẫn về chất lượng hàng hóa, dẫn đến mất niềm tin vào thương hiệu và chất lượng sản phẩm chè xuất khẩu Việt Nam. Các doanh nghiệp nhập khẩu chè Pakistan đã cảnh báo việc này đến Hiệp hội Chè Pakistan và Hải quan Pakistan. Các cơ quan hữu quan của Pakistan đang nghiên cứu siết chặt các thủ tục kiểm tra chất lượng chè nhập khẩu từ Việt Nam. Đầu năm 2023 một số doanh nghiệp thành viên Hiệp hội chè Pakistan thông báo chính phủ Afghanistan đã cấm hoàn toàn việc nhập khẩu các loại chè của Việt Nam có sử dụng hóa chất nhuộm chè.
Thuế nhập khẩu đối với chè Việt Nam là 11%.
Chè nhập khẩu vào Pakistan phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận Halal.
2. Thị trường quế và tinh dầu quế
2.1. Quế
Năm 2023 Pakistan nhập khẩu 6,2 nghìn tấn trị giá 9,3 triệu USD. Pakistan nhập khẩu quế chủ yếu từ Trung quốc, chiếm tới 94,5%. Đứng thứ hai là Việt Nam nhưng thị phần chỉ được 5,3%. Năm 2022 xuất khẩu quế từ Việt Nam sang Pakistan tăng 252% so với năm 2021. Năm 2023 xuất khẩu giảm 37% so với năm 2022, đạt 329 tấn trị giá 0,41 triệu USD.
Pakistan nhập khẩu quế chủ yếu để dùng làm gia vị nên ưa chuộng loại quế vỏ mỏng, giá rẻ, hàm lượng tinh dầu thấp. Thuế nhập khẩu quế vào Pakistan là 3 % đối với quế thô và 11% đối với quế đã qua chế biến. Quế nhập khẩu vào Pakistan phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, giấy chứng nhận Halal. Quế đã qua chế biến phải có thêm giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
2.2. Tinh dầu quế
Năm 2023 Pakistan nhập khẩu 115 tấn trị giá 1,47 triệu USD. Pakistan nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc (53,9%), Indonesia (26,%), Pháp (9,7%).
Pakistan nhập khẩu tình dầu quế để dùng làm nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm. Thuế nhập khẩu quế vào Pakistan là 11%. Tinh dầu quế nhập khẩu vào Pakistan phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận Halal.
3. Quy định chung về an toàn thực phẩm
3.1. Quy định về tiêu chuẩn, chất lượng
Pakistan kế thừa hệ thống tiêu chuẩn Anh thời thuộc địa đồng thời là thành viên của Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế (ISO), Tổ chức Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC), Tổ chức Chế tài Quốc tế (OIML). Pakistan xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế. Hệ thống tiêu chuẩn hiện nay của Pakistan bao gồm khoảng 31 nghìn tiêu chuẩn trong đó 15.700 tiêu chuẩn áp dụng theo ISO, 6.370 tiêu chuẩn theo IEC/OIML. Các tiêu chuẩn còn lại theo tiêu chuẩn Anh hoặc khu vực Nam Á.
Đa số các mặt hàng nhập khẩu được phép sử dụng giấy chứng nhận tiêu chuẩn và chất lượng của nước sản xuất. Sau khi hàng đến cảng doanh nghiệp nhập khẩu sẽ làm thủ tục kiểm tra chất lượng tại Tổng cục Quản lý Tiêu chuẩn Chất lượng Pakistan. Tuy nhiên hàng năm chính phủ Pakistan ban hành danh mục các mặt hàng nhập khẩu bắt buộc phải đăng ký chất lượng tại Tổng cục Quản lý Tiêu chuẩn Chất lượng Pakistan. Các mặt hàng này chỉ được lưu hành trên thị trường Pakistan sau khi dán tem do Tổng cục Quản lý Tiêu chuẩn Chất lượng Pakistan cấp.
Pakistan ký 11 hiệp định công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn và có tên trong danh sách các nước được công nhận có hệ thống kiểm định và chứng nhận chất lượng tương đương theo hệ thống quản lý chất lượng QMS. Pakistan đã gửi 59 kháng nghị rào cản kỹ thuật tới WTO theo thỏa thuận TBT của WTO.
3.2. Quy định về bao bì, nhãn mác
Pháp lệnh về Nhãn hiệu hàng hóa năm 2001 quy định về nhãn hiệu hàng hóa trên lãnh thổ Pakistan. Đối với hàng hóa nhập khẩu, quy định về nhãn hiệu, bao bì, ký mã hiệu được quy định trong quy chế nhập khẩu bao gồm: Thuốc lá và xì-gà phải ghi rõ “Có hại cho sức khỏe” bằng tiếng Anh và tiếng U-đu; Hóa chất
và thuốc nhuộm phải ghi đầy đủ thông tin và phải có mã hàng hóa; Mầu thực phẩm phải ghi thông tin trung thực bằng 2 thứ tiếng; Nguyên liệu dược phẩm phải có hạn sử dụng ít nhất 75% thời gian bày bán; Nhãn mác dược phẩm phải theo đúng Quy chế Dược năm 1986.
Tháng 2/2020 Bộ Thương mại Pakistan ban hành quy định đối với nhãn mác của các mặt hàng lương thực thực phẩm nhập khẩu vào Pakistan:
(i) Thời hạn sử dụng của sản phẩm tại thời điểm nhập khẩu phải còn ít nhất 66% kể từ ngày sản xuất.
(ii) Các thành phần và chi tiết của sản phẩm (thành phần dinh dưỡng, hướng dẫn sử dụng, v.v.) trên bao bì phải được in bằng tiếng Urdu và tiếng Anh.
(iii) Logo của cơ quan chứng nhận Halal phải được in trên bao bì bán lẻ.
(iv) Hàng nhập khẩu phải có phải có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Hồi giáo do cơ quan có thẩm quyền cấp.
3.3. Quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch
Các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch được quy định trong Luật Phân loại và Nhãn hiệu Nông sản ban hành năm 1937, Pháp lệnh về Thuốc trừ sâu ban hành năm 1971, Luật Kiểm dịch Thực vật Pakistan năm 1976, Pháp lệnh về Kiểm dịch Động vật Pakistan năm 1979, Luật Giám định và Kiểm soát chất lượng Cá Pakistan năm 1997. Pakistan là thành viên Ủy ban Codex Alimentarius, Tổ chức Thú Y Thế giới, Công ước Quốc tế về Kiểm dịch Thực vật, Ủy ban Kiểm dịch Thực vật Châu Á-Thái Bình Dương. Tổng Cục Hải quan và Cục Kiểm dịch Thực vật kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, Cục Kiểm dịch Động vật kiểm soát xuất nhập khẩu động vật và các sản phẩm từ động vật. Tổng cục Hải quan kiểm soát hàng nhập khẩu đúng quy định nhãn mác và hạn sử dụng và hàng cấm nhập khẩu. Cục Kiểm dịch Thực vật kiểm soát các lô hàng thực phẩm giao rời (sản phẩm sữa ...). Cục Kiểm dịch Động vật kiểm soát các lô hàng động vật sống. Nhìn chung các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch của Pakistan phù hợp với thông lệ quốc tế. Các mặt hàng được kiểm soát đặc biệt về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch gồm có:
- Động vật sống, tinh đông viên và bào thai.
- Cá và thủy hải sản.
- Cây trồng và bộ phận cây trồng.
- Hạt giống.
- Trái cây tươi, khô, ớt đỏ nguyên trái.
- Hạt cau.
- Lúa mỳ.
4. Quy trình, thủ tục cấp giấy chứng nhận Halal
Bước 1: Trao đổi thông tin giữa tổ chức cấp giấy chứng nhận Halal và doanh nghiệp.
Bước 2: Doanh nghiệp đăng ký chứng nhận Halal.
Bước 3: Tổ chức cấp giấy chứng nhận Halal kiểm tra khảo sát đánh giá sơ bộ.
Bước 4: Tổ chức cấp giấy chứng nhận Halal Báo giá, kí hợp đồng.
Bước 5: Tổ chức cấp giấy chứng nhận Halal chính thức kiểm tra lô hàng.
Bước 6: Tổ chức cấp giấy chứng nhận Halal cấp chứng nhận Halal cho lô hàng.
Bước 7: Tổ chức cấp giấy chứng nhận Halal giám sát duy trì chứng nhận Halal.
Bước 8: Tái chứng nhận: Doanh nghiệp cần cung cấp đầy đủ thông tin về những thay đổi liên quan đến sản phẩm đã được chứng nhận như thành phần, nhãn mác, bao bì... để được cấp giấy chứng nhận Halal cho các lô hàng tiếp theo.
5. Điều kiện của thị trường các nước Hồi giáo đối với sản phẩm xuất khẩu Việt Nam
Các mặt hàng lương thực thực phẩm nhập khẩu vào Pakistan phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận Halal.
II. Tổ chức cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn Hồi Giáo (Halal)
Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia (HALCERT) là đơn vị trực thuộc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia có chức năng phục vụ quản lý nhà nước về các hoạt động chứng nhận, dịch vụ đánh giá sự phù hợp và dịch vụ khác liên quan đến lĩnh vực Halal theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Website: https://halcert.vn/
- Địa chỉ: Số 8, đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.
- Hotline: +84 24 37561025.
Email: halcert(@most.gov.vn.
III. Thông tin về Thương vụ Việt Nam tại Pakistan (kiêm nhiệm Afghanistan)
- Phụ trách Thương vụ: Bà Nguyễn Thị Điệp Hà.
- Địa chỉ: Plot No.7-B/II, 11th South Street, Phase-II (Ext.). Defence Housing Authority, Karachi, Pakistan,
- Điện thoại: 0039-2-21-3580-5193.
- Email: pk@moit.gov.vn./.
Xem chi tiết về thông tin quy định, tiêu chuẩn thị trường Halal