Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2015): Hiệu quả từ chính sách cấp phát báo, tạp chí miễn phí ở Lai Châu
![]() Người dân vùng cao đọc báo |
Là xã vùng cao của huyện Tam Đường, xã Tả Lèng có 12/13 bản đặc biệt khó khăn, chủ yếu là bà con dân tộc Mông và Dao cùng sinh sống. Với các chính sách ưu tiên, hỗ trợ đầu tư của Đảng và Chính phủ thời gian qua đã giúp cho cuộc sống của đồng bào trong xã vùng cao này từng bước giảm bớt được khó khăn. Không chỉ vậy, thông qua việc đón đọc các sách báo, ấn phẩm, người dân đã cập nhật được nhiều các kiến thức: cách trồng trọt, chăn nuôi, các giống cây, con mới; giữ gìn vệ sinh làng bản… Anh Giàng A Sinh, bản Thèn Pả, xã Tả Lèng là một trong những tấm gương cụ thể cho việc vận dụng kiến thức của sách báo và ấn phẩm vào phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ và tìm hiểu kiến thức qua đón đọc thông tin từ báo chí anh đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển mô hình kinh tế trang trại. Đến nay, gia đình đã mua được nhiều đất và ao cá cùng phát triển chăn nuôi lợn, dê. Hiện tại thu nhập bình quân trừ chi phí từ mô hình này của gia đình anh Sinh là trên 200 triệu đồng/năm. Anh Giàng A Sinh chia sẻ, có được thành quả như vậy cũng là rất cảm ơn Nhà nước đã quan tâm đến người dân. Bản thân tôi thường xuyên đọc những sách báo để chọn lọc kiến thức phát triển kinh tế, chia sẻ với mọi người những kinh nghiệm để cùng nhau thoát nghèo.
Giờ đây, việc đợi và đón đọc những tờ báo, ấn phẩm cấp phát miễn phí của Đảng, Nhà nước đã thành một nếp quen với đồng bào vùng cao Lai Châu. Theo lịch, những tờ báo, ấn phẩm miễn phí được chuyển đến tuyến xã, dựa trên danh sách từng bản, trạm, đồn biên phòng mà các ấn phẩm này được phân phát xuống mọi địa chỉ. Rất nhiều cán bộ, đảng viên còn tích cực tìm hiểu những kiến thức hay trên sách, báo để về truyền đạt lại cho bà con nông dân ít có cơ hội được đọc. Ông Hảng A Tủa, Chủ tịch UBND xã Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ cho biết, sách báo được cấp phát xuống đến từng bản để bà con cùng đọc. Ở các bản, tuy nhiều người dân chưa biết đọc nhưng những tờ báo như: Tin tức, Báo ảnh Dân tộc và miền núi của Thông tấn xã Việt Nam, Báo Lai Châu dành cho đồng bào dân tộc vùng cao có nhiều hình ảnh minh họa phù hợp với nhận thức của bà con. Bà con đọc báo, được biết các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hỗ trợ vùng khó khăn để giúp bà con thoát nghèo. Không chỉ vậy, nhiều gương phát triển kinh tế, nhiều mô hình, cách làm nông nghiệp hay cũng có đầy đủ… điều ấy giúp bà con rất nhiều trong vận dụng vào thực tế và điều kiện của bản thân mình. Tôi mong muốn Nhà nước tiếp tục duy trì việc cấp phát các ấn phẩm đến những vùng sâu, vùng xa, biên giới để giúp đồng bào ở những nơi khó khăn có cơ hội nâng cao dân trí, có thêm cơ hội thoát được nghèo.
Chính sách cấp sách báo, tạp chí miễn phí của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào vùng cao được người dân đánh giá rằng không chỉ giúp bà con kịp thời biết được những thông tin, chính sách đầu tư của Chính phủ; biết học hỏi và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà qua đây đã nâng cao được tính cảnh giác và ngăn ngừa những luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, việc đón nhận các kiến thức đối với bà con dân tộc thiểu số tại các địa bàn được cấp phát sách báo, ấn phẩm miễn phí ở Lai Châu cũng gặp phải những khó khăn đặc thù nhất định do tỷ lệ chưa biết đọc của bà con ở vùng sâu vùng xa vẫn còn nên đã gây trở ngại không nhỏ đến hiệu quả của Chính sách 2472. Ông Ma Cang Dinh, Chủ tịch UBND xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường cho rằng, những ấn phẩm cần nhiều hơn nữa cách thể hiện thông tin qua hình ảnh sinh động, thể thể hiện hết được nội dung mà bà con mong muốn. Như vậy bà con dễ dàng thay đổi tư duy và làm theo.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu, ước tính trong năm 2014, Bưu điện tỉnh Lai Châu đã cấp phát đến tay độc giả gần 1.520.000 tờ báo, tạp chí, chuyên đề với 24 đầu báo tới hầu hết tất cả các xã trên địa bàn tỉnh. Việc đưa báo chí về với đồng bào có ý nghĩa rất lớn, nhất là giúp Nhân dân biết cách bảo vệ giữ gìn sức khoẻ, từ bỏ các hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh. Ngoài ra qua kênh thông tin này, bà con được tiếp cận với nhiều cách làm ăn hay trong phát triển kinh tế, nhiều gia đình đã từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống lúa, ngô, cây ăn quả có năng xuất cao vào sản xuất để góp phần nâng cao đời sống gia đình, từ đó xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy hiệu quả rõ rệt.
Tiến Công- TP Lai Châu