Thành phố Lai Châu: Chú trọng phát triển nghề truyền thống
|
Không riêng gì bánh phở mà bánh bỏng ở đây cũng rất thơm ngon. Bánh bỏng San Thàng giòn tan có vị ngọt vừa phải và dễ ăn. Du khách đến chợ thường hay mua loại bánh này về làm quà. Anh Trịnh Thế Thành, du khách Nam Định cho biết: Bánh bỏng hầu như ở miền quê nào cũng có. Nhưng khi đến Lai Châu, được giới thiệu, lại được ăn thử tôi thấy rất thích hương vị bánh ở đây. Có lẽ do bánh được làm từ các nguyên liệu đặc trưng của núi rừng, của người dân vùng cao nên bánh thơm hơn, đậm đà hơn. Do đó, tôi đến để chọn mua một ít mang về dưới xuôi cho người thân.
Bản San Thàng 1, xã San Thàng có nghề làm bánh mật, bánh phở, bánh dày, bánh bỏng và bánh khảo… Sản phẩm bánh của bà con địa phương đã được nhiều người biết đến. Ngoài các sản phẩm truyền thống ở xã San Thàng, người ta còn nhớ đến sản phẩm rượu ngô truyền thống ở bản Sùng Chô, xã Nậm Lỏong. Sản phẩm rượu ngô của xã được người dân trên địa thành phố và các vùng lân cận ưa chuộng. Tuy nhiên, thị trường đầu ra cho sản phẩm truyền thống trên địa bàn thành phố đều do người dân tự tìm kiếm, sản phẩm chưa được giới thiệu quảng bá làm sản phẩm du lịch. Việc xây dựng vùng nguyên liệu còn gặp nhiều khó khăn.
Trước thực tế đó, để đẩy mạnh việc bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, ngày 20/8/2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 954/QĐ-UBND về việc công nhận làng nghề, nghề truyền thống tỉnh Lai Châu năm 2014 bao gồm 4 làng nghề và nghề truyền thống. Trong đó, trên địa bàn Thành phố Lai Châu có 01 làng nghề sản xuất các loại bánh dân tộc ở Bản San Thàng 1, xã San Thàng và 01 nghề nấu rượu ngô truyền thống ở bản Sùng Chô, xã Nậm Lỏong. Tại buổi Lễ công bố Quyết định công nhận làng nghề và nghề truyền thống, ông Bùi Văn Mác, Chi cục Trưởng Chi cục Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết: Việc làm này góp phần vào việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho các nghề trên địa bàn, từng bước tạo ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, đưa nghề truyền thống ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, cũng sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về khuyến công, phát triển nghề và làng nghề theo quy định của tỉnh, Nhà nước.
Công tác phát triển làng nghề và nghề truyền thống được thành phố định hướng gắn với xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị và các phong trào xã hội khác, khuyến khích các nghệ nhân truyền nghề tại làng nghề. Các làng nghề cần giữ vững vùng nguyên liệu hiện có và phát triển ra các vùng lân cận. Cần đổi mới công nghệ sản xuất để tạo mẫu mã đa dạng và mang lại tính thẩm mỹ cao. Tích cực quảng bá thương hiệu để sản phẩm được nhiều người biết đến.
Với các biện pháp đưa ra, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền và sự nỗ lực, cố gắng người dân mong rằng các làng nghề và nghề truyền thống đã được công nhận ngày càng phát triển với quy mô lớn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo việc làm, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa vùng đất Tây Bắc của Tổ quốc.
Bảo Anh