A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Bánh giầy trong Tết cổ truyền của người Mông

(laichau.gov.vn)

Trong đời sống của người Mông, bánh giầy là món ăn không thể thiếu vào dịp lễ, Tết. Vào những ngày giáp Tết, ở những bản người Mông lại rộn vang tiếng chày, tiếng cối giã bánh giầy đón năm mới. Nếu như bánh chưng xanh, bánh gù... là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người Kinh, người Thái thì bánh giầy được xem là “linh hồn” trong ngày Tết của người Mông nơi vùng cao Tây Bắc.

Bánh giầy dùng để mời khách trong ngày đầu năm mới.

Với người Mông,bánh giầy không chỉ là món ăn quen thuộc mà nó còn giữ vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh. Khi dâng bánh giầy cúng tổ tiên phải dâng 2 cái bánh. Điểm khác biệt của chiếc bánh giầy dâng cúng phải là bánh giầy không có nhân bên trong,không dùng các loại gia vị. Người Mông quan niệm: Hai cái bánh dày tròn là tượng trưng cho mặt trăng,mặt trời,là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài. Những tâm tư,nguyện vọng,ước muốn của con,cháu trong năm mới sẽ được gửi gắm trong chiếc bánh giầy tròn trịa và được dâng lên tổ tiên. Chiếc bánh giầy đồng thời cũng là biểu tượng cho tình yêu,sự thủy chung son sắt của trai,gái người Mông.

Anh Cứ A Chu - Bản Lao Chải 2,xã Khun Há cho biết: Theo tiếng Mông,bánh giầy có tên là “Pé” hoặc “Dúa” tùy theo từng vùng khác nhau. Đối với đồng bào Mông,trong mâm cỗ dâng cúng Tổ tiên ngày Tết nhất định phải có món bánh giầy,nên cho đến nay,bà con người Mông ở Khun Há vẫn giữ thói quen này. Nếu như việc làm những loại bánh khác sẽ nhờ vào đôi tay khéo léo của người phụ nữ thì món bánh giầy lại cần cả sức khỏe của người đàn ông trong công đoạn giã bánh. Vì vậy,chiếc bánh giầy lại càng mang ý nghĩa khi dâng cúng tổ tiên bởi nó có sự đóng góp công sức của tất cả các thành viên trong gia đình,được làm từ những hạt gạo nếp nương thơm dẻo sau một năm lao động vất vả.

Ðể làm ra những chiếc bánh giầy thơm,dẻo phải mất rất nhiều công đoạn,đòi hỏi người làm phải khéo léo,công phu và tỉ mỉ với những nguyên liệu chính là gạo nếp nương không bị pha tạp,hạt to đều,thơm và dẻo. Khi đã chọn được gạo ưng ý,người phụ nữ Mông mang gạo vo cho sạch rồi ngâm bằng nước ấm khoảng 12 giờ,sau đó vớt ra để ráo rồi cho vào chõ đồ. Chõ để đồ xôi làm bằng gỗ để khi xôi chín không bị mất hương thơm của nếp nương,hạt xôi dẻo mà không bị nát. Trong khi đợi nồi xôi chín,quanh bếp lửa,mọi người trong nhà sẽ ngồi quây quần để kể cho nhau nghe những câu chuyện,những công việc đã thực hiện được trong năm qua và những mong muốn trong năm mới.

Công đoạn giã bánh cần sức khỏe của những người đàn ông trong gia đình.

Sau khi xôi chín sẽ được đưa vào cối giã ngay khi xôi còn nóng,điều này giúp cho xôi nhanh mềm,mịn hơn. Cối giã bánh giầy của người Mông được làm bằng thân cây gỗ chắc,thớ mịn,có mùi thơm và khoét rỗng ruột. Chày giã bánh cũng được làm bằng loại gỗ cứng và nặng. Trên bề mặt cối và chày được xoa một lớp dầu lạc để chống dính. Công đoạn giã bánh nhìn có vẻ đơn giản nhưng lại đòi hỏi sức khỏe và kỹ thuật giã. Khi giã xôi cần giã nhanh,dứt khoát,xôi sẽ mềm nhuyễn mà không bị dính. Ban đầu cần giã nhẹ cho xôi quyện và dính,sau đó mới dùng hết sức để giã liên tục đến khi xôi dẻo,mịn là có thể đem làm bánh được. Vậy nên những người thực hiện việc giã bánh bao giờ cũng là những chàng trai người Mông khỏe mạnh,dẻo dai. Mỗi lượt giã sẽ có 2 người,khi mệt thì lại chuyển cho 2 người khác giã thay. Giã càng kỹ thì bánh giầy làm ra càng dẻo,ngon và để được lâu.

Công đoạn nặn bánh giầy cần đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ.

Trong khi chờ giã xôi,những người phụ nữ cũng nhanh tay chuẩn bị vật dụng cho công đoạn giã bánh,nặn bánh gồm lau lá dong,lá chuối rừng,vừng,trứng,dầu lạc... Khi xôi được giã xong là lúc các bà,các chị khéo léo nặn thành những chiếc bánh giầy tròn trịa,có bề rộng đều nhau,được đặt vào những chiếc lá dong hoặc lá chuối gói lại. Để khỏi dính tay và tăng độ thơm ngon của bánh,người Mông lấy lòng đỏ trứng gà xoa vào lòng bàn tay lúc nặn bánh.

Bánh giầy ăn ngon nhất vẫn là khi vừa làm xong,bánh vừa mềm,dẻo,có mùi thơm ngon,hương vị của bánh quyện với mùi của lá dong rừng tạo nên một mùi thơm đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Bánh giầy không chỉ là món ăn đãi khách mà còn làm quà cho khách khi đến thăm nhà. Bánh giầy mềm,dẻo,thơm và ngọt bùi,dù để lâu ngày bánh vẫn dẻo thơm,khi ăn,bánh được nướng trên bếp lửa cho mềm dẻo rồi chấm mật ong rừng hay mật mía để làm tăng vị thơm ngon. 

Trải qua bao thời gian,ngày nay truyền thống làm bánh giầy vẫn là nét văn hóa được gìn giữ và truyền dạy cho các thế hệ sau của đồng bào Mông. Đó cũng là cách giáo dục,hun đúc tình yêu quê hương,đất nước,gìn giữ nét văn hóa cội nguồn dân tộc mình. 

Mùa xuân này,mời du khách lên Lai Châu đón Tết cùng bà con,để được thưởng thức những chiếc bánh giầy thơm ngon,được nghe những câu chuyện thú vị về nét văn hóa vùng cao,cảm nhận được đức tính cần cù,chịu khó và lòng hiếu khách của đồng bào Mông nơi vùng cao Tây Bắc.


Tác giả: Nguyễn Nga
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 405
Hôm qua : 4.225
Tháng 01 : 118.496
Năm 2025 : 118.496
Tổng số : 84.075.429