A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Người Giáy ở Lai Châu đón tết Nguyên đán

(laichau.gov.vn)

Tết của người Giáy trùng với tết Nguyên đán của người Kinh nhưng vẫn có những nét đặc sắc riêng có, thể hiện ở các nghi thức, tập tục đón năm mới.

Điệu múa quạt truyền thống thường được phụ nữ người Giáy thể hiện trong dịp tết hoặc khi có khách đến thăm bản. (Ảnh tư liệu)

Tết Nguyên đán là cái tết to nhất của người Giáy, theo tiếng Giáy tết Nguyên đán có nghĩa là “Cưn siêng láo” có nghĩa là tết to. Người Giáy ăn tết Nguyên đán từ ngày mùng 1- 15 tháng riêng âm lịch, cúng tổ tiên từ đêm giao thừa và từ ngày mùng 1-3 tết thắp hương liên tục, ngày bày hai mâm cỗ dâng cúng tổ tiên.

Người Giáy rất coi trọng bàn thờ tổ tiên, nơi đặt bàn thờ tổ tiên là gian chính giữa của ngôi nhà. Tổ tiên người Giáy được thờ cúng trên bàn thờ không kể bao nhiêu đời, nên khi cúng thì thường gọi chung là ông nội, bà ngoại, ông mang bà bế, là những bậc sinh thành ra ông bà, cha mẹ mình và những người trực tiếp sinh thành ra mình. Cũng như nhiều dân tộc khác, người Giáy cũng có tục đón linh hồn tổ tiên về trước Giao thừa và cúng lễ hóa vàng để tiễn ông bà về trời.

 Người Giáy thường làm các loại bánh nhất là bánh bỏng, bánh khảo, bánh giầy... chuẩn bị tiếp đón, thiết đãi khách đến chơi nhà trong những ngày tết.

Trong mâm cỗ tết cúng tổ tiên của người Giáy không thể thiếu được ba loại bánh: Bánh bỏng, bánh khảo và bánh chưng gù. Đối với người Giáy, dù giàu hay nghèo, ngày tết có món bánh bỏng là vui, là đủ đầy. Các loại bánh này được người Giáy dâng lên tổ tiên là để báo cáo thành quả lao động trong một năm, đồng thời cầu xin tổ tiên ban cho sức khỏe, sự may mắn, cầu cho vật nuôi cây trồng phát triển, vụ mùa bội thu... Sau khi làm xong các loại bánh, gia chủ dọn dẹp và bày biện trên bàn thờ tổ tiên từ chiều 30 tết, mọi người tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo mới chuẩn bị đón tết. Người Giáy ở Lai Châu có tục thức cả đêm 30 tết để đón ông bà, tổ tiên về ăn tết.

Vào đêm giao thừa, gia chủ khấn bài mời ông bà tổ tiên về ăn tết cùng con cháu, cầu xin cho mọi người trong nhà luôn mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vật nuôi phát triển... Sau thời khắc đêm giao thừa, gia chủ đi lấy nước mới, đem đun sôi rồi thay nước pha trà rót 5 chén trà đặt lên bàn thờ tổ tiên và cúng sớm, tối bằng nước trà mới pha.

Sau bữa cơm chiều 30 tết, qua 12 giờ trưa của ngày đầu năm mới, nhiều dòng họ người Giáy mới nấu cơm cúng tổ tiên và ăn bữa cơm đầu tiên trong năm. Để chuẩn bị mâm cúng ngày mùng 1 tết, gia chủ chuẩn bị các vật phẩm dâng lên tổ tiên đã được nấu chín như gà, xôi, rượu, thịt lợn, giấy bản đủ màu... (tùy vào điều kiện gia đình và quy định của dòng họ). Gia chủ chuẩn bị giấy bản màu đỏ, cắt thành từng hình vuông nhỏ khoảng 5-6 cm đem dán vào các cửa trong nhà, cột nhà, các cây ăn quả để cầu mong cho gia đình năm mới luôn hạnh phúc, mạnh khỏe, cây trồng, vật nuôi phát triển... Sau đó lấy sợi chỉ đỏ hoặc len đỏ đem buộc vào các phương tiện phục vụ đi lại như ô tô, xe máy, xe đạp nhằm mục đích cầu cho gia chủ và mọi người trong nhà luôn được mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi, đi đến nơi về đến chốn... Từ chiều tối 30 tết, hương, nến được thắp lên và giữ liên tục không được tắt cho đến lúc lễ hóa vàng xong.

Ông Vùi Văn Kem, bản San Thàng, thành phố Lai Châu chia sẻ: Cùng với những phong tục đón tết cổ truyền mang tính truyền thống, thì người Giáy cũng có một số kiêng kỵ trong ngày tết như: Kiêng người vào xông nhà khi mà gia chủ chưa cúng tổ tiên. Từ ngày mùng 1-3 tết kiêng không cho lửa, không vay mượn tiền của. Kiêng thổi lửa trong bếp từ sau khi giao thừa đón năm mới, vì theo quan niệm của người Giáy nếu thổi bếp sẽ thổi bay hết cái may mắn trong gia đình. Đồng thời, kiêng không thổi sáo, không chửi mắng vì người bị mắng sẽ bị giông, làm ăn không tốt, luôn gặp chuyện không may...

Sau ngày mùng 1 tết, người Giáy đi thăm, chúc tết anh em họ hàng, mời nhau ăn cỗ ngày tết; các nam nữ thanh niên trong bản đi du xuân tham gia các trò chơi như ném còn, đánh cầu lông gà và biểu diễn các tiết mục văn nghệ. Vào các dịp lễ, tết người Giáy thường hát các bài hát như hát mừng năm mới, hát mừng tuổi thọ các cụ, hát ban đêm, hát đố và múa các điệu truyền thống độc đáo, đặc trưng như múa quạt (xé vá pí), múa nón (xé chặp) và múa khăn (xé khăn)... Qua mỗi lời ca tiếng hát, điệu múa đều thể hiện tình cảm và lòng mến khách, hơn nữa đó là giá trị văn hoá độc đáo của tộc người, cũng chính nhờ những cuộc hát mà nhiều chàng trai, cô gái đã nên duyên chồng vợ... 

Dù phong tục đón tết độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người Giáy ở Lai Châu nhưng đều hướng tới một ý nghĩa tốt đẹp chung nhất là cầu mong năm mới được ấm no, hạnh phúc, mùa màng tốt tươi, gặp nhiều may mắn… Trong những ngày tết, người Giáy du xuân, hòa theo điệu nhạc, tiếng kèn mời gọi, múa các điệu múa truyền thống để rồi tâm tình, sẻ chia những câu chuyện vui trong 1 năm đã qua, cầu mong bình an đến với mọi nhà...


Tác giả: Minh Huệ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 353
Hôm qua : 7.594
Tháng 09 : 69.271
Năm 2024 : 1.875.316
Tổng số : 83.341.409