Trường THPT Dào San: Đổi mới công tác quản lý giáo dục
![]() Đ/c Đỗ Ngọc An, Chủ tịch UBND tỉnh thăm và trò chuyện với thầy và trò Trường THPT Dào San |
Là điểm trường của 8 xã biên giới bắc Dào San, Trường THPT Dào San tuyển sinh, đào tạo chủ yếu học sinh thuộc các xã Mù Sang, Dào San, Tung Qua Lìn, Pa Vây Sử, Vàng Ma Chải, Ma Ly Chải, Sì Lở Lầu và Mồ Sì San. Đây là những xã xa trung tâm huyện, dân cư phân bố không đồng đều, giao thông đi lại khó khăn, đời sống hầu hết Nhân dân thiếu thốn, sự quan tâm của phụ huynh học sinh đến con em còn ít. Nhất là thời điểm vào mùa nương rẫy hay những ngày lễ tết, học sinh hay nghỉ học ở nhà giúp cha mẹ. Chính những điều này phần nào ảnh hưởng đến việc dạy và học của thầy, trò nhà trường.
Để hạn chế và khắc phục những điều đó, một mặt, Ban Giám hiệu nhà trường đã khuyến khích cán bộ, giáo viên, nhân viên phát huy thế mạnh sẵn có về tình đoàn kết tập thể, lòng yêu nghề, trách nhiệm với công việc để khắc phục khó khăn, mặt khác trường đã mạnh dạn thực hiện đổi mới công tác quản lý giáo dục. Thầy Phạm Trung Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Dào San cho biết: “Với sự nhanh nhạy và sự hỗ trợ của Internet, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy, nhà trường phối hợp với Chi nhánh Viettel huyện Phong Thổ lắp đặt 3 gói mạng Internet phục vụ cho công tác quản lý và dạy học. Duy trì thường xuyên mạng thông tin nội bộ, thống kê quản lý giáo dục, sử dụng Gmail để trao đổi thông tin. Nhà trường cũng mời lãnh đạo các xã trên địa bàn tuyển sinh cùng tham gia bàn các giải pháp thực hiện tăng tỷ lệ chuyên cần và duy trì sĩ số. Đặc biệt, ngay sau ngày tựu trường, nhà trường tổ chức cho học sinh hoạt động “Tuần sinh hoạt tập thể đầu năm học” để học sinh làm quen với thầy cô giáo, bạn bè thông qua việc giao lưu kết nghĩa giữa học sinh các lớp 10 với học sinh các lớp trên. Tạo điều kiện cho học sinh mới vào trường hòa nhập nhanh chóng với môi trường học tập và rèn luyện mới qua sự giúp đỡ thân thiện của bạn bè và thầy cô giáo.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường xây dựng kế hoạch đổi mới phương pháp dạy học. Theo đó, Ban Giám hiệu tạo điều kiện cho giáo viên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, mỗi giáo viên dạy ít nhất một giáo án điện tử trong học kỳ. Tổ chức các buổi dự giờ thao giảng ở tổ và hội giảng cấp trường để trao đổi kinh nghiệm giảng dạy của các bộ môn. Ngoài ra, Ban Giám hiệu nhà trường yêu cầu và hướng dẫn giáo viên duy trì giảng dạy 2 buổi/ngày. Trong đó, buổi thứ 2 chủ yếu là dạy các môn ngoài 8 môn cơ bản và các hoạt động ngoại khóa, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tạo hứng thú cho học sinh khi đến trường. Chăm chú theo dõi tiết giảng của giáo viên trên màn hình máy chiếu và hào hứng tham gia xây dựng bài, Tẩn Tả Mẩy, học sinh lớp 11B1 khi được hỏi vui vẻ nói: “Khi các thầy cô giáo ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và tổ chức nhiều các hoạt động học mà chơi, chơi mà học thì em cảm thấy tiếp thu bài nhanh hơn, thích học hơn”.
Không chỉ làm tốt các nhiệm vụ trên, công tác dạy học cũng không ngừng được nâng cao nhờ việc tạo nguồn, bồi dưỡng học sinh giỏi ở các khối lớp đã được nhà trường đẩy mạnh. Năm học 2015-2016, lần đầu tiên nhà trường thành lập đội tuyển tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đã đạt 1 giải khuyến khích môn Lịch sử lớp 11; đội tuyển tham gia Hội thi khoa học kĩ thuật cấp tỉnh và cấp Quốc gia kết quả là đạt giải Nhì cấp tỉnh và giải Khuyến khích cấp Quốc gia. Đối với công tác ôn thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, nhà trường hoàn thiện chương trình lớp 12 trước tháng 4 hàng năm, từ tháng 4 bắt đầu tập trung ôn tập theo môn học sinh đã lựa chọn. Nhà trường cũng giao chỉ tiêu cần đạt cho từng môn để có kế hoạch ôn tập. Cùng với đó, công tác kiểm tra, đánh giá học sinh cũng được tăng cường. Riêng trong năm học 2015 – 2016 đã kiểm tra, giám sát công tác chuyên môn 4 lần, quản lý bán trú mỗi tháng 1 lần, chuyên đề 2 lần/tháng, công tác kiểm tra hành chính, thực hiện luật phòng chống tham nhũng, luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở mỗi tháng 1 lần.
Công tác thi đua khen thưởng được đẩy mạnh thông qua việc triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các văn bản hướng dẫn của cấp trên về công tác thi đua, khen thưởng đảm bảo theo quy định. Công tác xã hội hóa giáo dục được duy trì. Trong năm học 2015-2016, nhà trường đã huy động Nhân dân địa phương đóng góp hơn 200 cây tre, chính quyền địa phương và doanh nghiệp ủng hộ 20 triệu đồng tiền mặt để làm phòng học tạm cho học sinh; các tổ chức xã hội ủng hộ hơn 200 quần áo ấm cho học sinh mặc trong mùa đông. Nhờ những việc làm thiết thực trong đổi mới công tác quản lý giáo dục, chất lượng hai mặt giáo dục của nhà trường được nâng lên rõ rệt. Kết thúc năm học 2015-2016, toàn trường có 100% học sinh đạt hạnh kiểm từ trung bình trở lên (tăng 1,6% so với năm học 2014-2015, vượt so với chỉ tiêu được giao là 2%), 88,48% học sinh đạt học lực từ trung bình trở lên trong đó học lực giỏi đạt 1,6% (tăng so với năm học trước 0,5%), học lực khá 30,9% (tăng so với năm học trước 2%). Tỷ lệ học sinh bỏ học 2,8% (giảm so với năm học trước 0,83%). Tập thể nhà trường đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tặng Giấy khen, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ tặng Giấy khen tập thể lao động xuất sắc. Cũng trong 4 năm học liên tiếp (2012-2013, 2013-2014, 2014-2015, 2015-2016), tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của trường đều đạt 100%. Từ đó, số lượng học sinh đi học tại trường tăng, tỷ lệ nghỉ học giảm.
“Bước vào năm học 2016-2017, toàn trường có 292 học sinh. Chúng tôi đang tiếp tục ra sức thực hiện đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phấn đấu duy trì sĩ số đạt 97% trở lên, tỷ lệ chuyên cần đạt trên 90%, học sinh giỏi từ 1,8%, học sinh khá 31%, 2-3 học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh” – Thầy Dũng cho biết.
Với phương pháp thực hiện phù hợp, hiệu quả, tin rằng thầy và trò Trường THPT Dào San sẽ đạt mục tiêu năm học đã đề ra./.
Nguyễn Luyến