Xuân về Sì Lèng Chải
LLVT tỉnh Lai Châu giúp Nhân dân bản Sì Lèng Chải, xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đổ đường bê tông con đường lên bản. |
Anh Tẩn Quang Tẩy, bản Sì Lèng Chải, xã Lản Nhì Thàng vừa trói chặt con lợn nặng hơn nửa tạ vào yên xe vừa hổn hển: “Vừa mới cách đây hơn một tháng, khi bộ đội và dân quân của tỉnh chưa về giúp dân bản làm con đường này, mỗi lần xuống trung tâm xã bán ngô, bán sắn mình vẫn phải cuốn thêm cái xích vào bánh sau xe máy cho đủ cái ma xát đấy, vì đường xuống núi khó khăn lắm”.
Theo Trung tá Thào A Pinh, Phó Chính uỷ Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Lai Châu, Sì Lèng Chải là một trong những vùng hẻo lánh nhất huyện Phong Thổ. Nơi đây gần như cách biệt hẳn với bên ngoài bởi núi cao, vực sâu án ngữ. Sự hiểm trở đã làm cho cuộc sống, nhất là việc đi lại của đồng bào dân tộc Dao nơi đây vô cùng khó nhọc. Từ Sì Lèng Chải xuống chợ trung tâm xã nếu đi thẳng dãy Lản Nhì Thàng chưa đến 10 km nhưng hằng ngày bà con cứ quần quật gùi nông sản men theo những lối mòn xuống chợ trao đổi, mua bán hàng hoá. Sáng tờ mờ họ đi chợ, tối nhọ mặt người mới về tới bản…
Với quyết tâm không để đồng bào chịu mãi cảnh đi lại khó khăn, được trên giao nhiệm vụ, ngay trước thềm Tết Nguyên đán Ất Mùi, Bộ CHQS tỉnh Lai Châu đã huy động hơn 200 lượt cán bộ, chiến sỹ và dân quân, cùng với bà con dân bản tiến hành vạc sườn núi mở rộng và đổ bê tông cho con đường dẫn lên bản. Ngày mở đường, Nhân dân và bộ đội cùng thi đua làm việc, tiếng cười nói xen lẫn với tiếng chạy đều đều của chiếc máy trộn bê tông vang cả một góc rừng.
Nhìn xuống con đường bê tông còn nồng mùi vôi vữa, già làng Chẻo Quai Quẩy cứ nắm chặt bàn tay đồng chí Phó Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh lắc lắc, rồi gật gù: “Thế là giấc mơ về một con đường từ bản mình xuống đường quốc lộ đã thành hiện thực rồi đấy cán bộ à, từ nay cái chân của trẻ con trong bản sẽ chăm đến lớp hơn, cánh thanh niên thì tha hồ mà chở sắn, chở ngô xuống trung tâm xã đổi lấy thịt, lấy gạo”. Trưởng bản Chẻo Chin Duần cũng góp vui câu chuyện: “Dân bản mình phấn khởi lắm vì có Đảng, có các chú bộ đội đã không quản ngại khó khăn, vất vả, bỏ công giúp dân bản chúng tôi đổ được con đường bê tông thật vững chãi. Có đường đi thuận lợi rồi, mình sẽ vận động bà con trồng thật nhiều ngô, nhiều lúa, nuôi nhiều con trâu, con bò và chịu khó trồng rừng để giữ đất, không cho cái lũ quét đến nữa. Bản mình cảm ơn Đảng, cảm ơn bộ đội Cụ Hồ nhiều lắm. Đây chính là con đường mang ấm no, văn minh về cho dân bản mình”.
Xuân Ất Mùi 2015 này, bếp lửa trong các gia đình người Dao, Mông, Hà Nhì, Thái trên vùng cao Phong Thổ lúc nào cũng rực lửa; mùi thơm của hương cơm gạo mới làm ấm áp những căn nhà sàn. Tết về rồi, nhà nào nhà nấy quây quần bên nhau làm những món ăn chuẩn bị cho Tết. Người Mông thì mổ lợn đen to đến hàng tạ, lấy những khổ thịt mỡ dày, xen những diềm nạc ở giữa rồi chế biến thành món khau nhục chỉ có ở vùng Tây Bắc. Người Dao cũng mổ lợn, nhưng họ lấy ruột non và mỡ để làm nạp sườn. Từng chùm nạp sườn đỏ au căng mọng được sấy dưới bã mía thơm nức…
Được báo trước có chúng tôi đến thăm, tặng quà, giúp gói bánh chưng, đồng bào Dao ở Sì Lèng Chải vui lắm. Gia đình nào cũng mời uống rượu. Lời chúc mừng năm mới, chúc mừng sức khoẻ cứ lan tỏa khắp đại ngàn. Quây quần bên mâm cỗ tất niên với nhiều món ăn như “A gạ a ú” (ruột non lợn tẩm ướp gia vị hun khói), “A gạ xà be” (thịt lợn băm nhỏ trộn vỏ cây me làm nước chấm), “Xà iu ì be” (sườn lợn băm trộn hạt mắc khén gói lá dong) và... rượu ngô. Trưởng bản Chẻo Chin Duần trịnh trọng tuyên bố: “Kính thưa bà con, hôm nay bản mình đón bộ đội, những người đã dạy đồng bào Dao ta cách làm ra nhiều của cải nên bữa tiệc này phải mời họ say và cũng là mừng một cái Tết mới thật to”. Rồi ông Duần tưới rượu lên một góc bàn thờ, chắp tay nói tiếng đồng bào một hồi... Như hiểu sự tò mò của chúng tôi, già làng Chẻo Quai Quẩy giải thích, đó là tập tục của đồng bào Dao mình, khi khách đến nhà phải báo với tổ tiên và cầu chúc cho mọi người có sức khoẻ, gặp nhiều may mắn…
Ai lên vùng cao Phong Thổ những ngày cuối năm trong tiết trời se se lạnh, sẽ được đắm mình trong không khí của mùa xuân gió núi, thiên nhiên, lòng người như níu giữ, để rồi, cùng hòa vào men say của mùa xuân nơi rẻo cao Tây Bắc. Mùa xuân đã về.
Nguyễn Hồng Sáng CTV