Dân tộc Mảng
Tộc người Mảng có tên tự gọi là “Mảng Ư”. Có hai ngành: Mảng Lệ (cư trú ở vùng thấp) và Mảng Gứng (cư trú ở vùng cao). Người Mảng sống chủ yếu ở tỉnh Lai Châu. Bản làng người Mảng xen kẽ một số dân tộc Mông, Thái, Hà Nhì, Dao, Khơ Mú.
Người Mảng sinh sống chủ yếu ven hai con sông lớn là sông Đà và Nậm Na, địa danh Gium Bai được người Mảng coi là nơi phát tích của dân tộc. Hiện nay, ngoài nơi tập trung đông người Mảng nhất là xã Chăn Nưa, Pa Tần (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) và xã Nậm Ban (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu), người Mảng còn sống rải rác ở vùng Mường Tè (Lai Châu), Mường Lay (Điện Biên). Ngay trong nội bộ người Mảng họ cũng tự phân biệt mình thành Mảng lệ và Mảng gứng. Về cơ bản thì Mảng lệ và Mảng gứng không có gì khác nhau về tập quán sinh sống, hình thức canh tác... Mảng lệ dùng để chỉ những người ở vùng thấp, còn Mảng gứng dùng để chỉ những người ở vùng cao.
Hiện nay, dân tộc Mảng ở Lai Châu có 1.110 hộ, 5.674 khẩu, chiếm 1,26% dân số toàn tỉnh, sống tại 3 huyện là Sìn Hồ, Mường Tè, Nậm Nhùn. Trong đó: huyện Sìn Hồ là 32 hộ, 160 nhân khẩu; huyện Mường Tè là 218 hộ, 1.154 nhân khẩu; huyện Nậm Nhùn là 860 hộ, 4.360 nhân khẩu.