Thủy văn - Tài nguyên nước
Lai Châu có nguồn tài nguyên nước mặt rất phong phú. Toàn bộ diện tích tỉnh Lai Châu thuộc lưu vực sông Đà; mạng lưới sông suối tương đối dày đặc (có khoảng 500 suối lớn, nhỏ); mật độ sông suối khá cao 5,5-6km/km².
Sông Đà chạy dọc các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, sau đó chạy dọc phía nam huyện Sìn Hồ, tạo thành ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Lai Châu và tỉnh Điện Biên. Lưu vực sông Đà có tổng lượng dòng chảy năm là 6,816 tỷ m3/năm, lưu vực sông Đà có tổng diện tích là 52.900km², trong đó phần hứng nước thuộc địa phận Trung Quốc là 26.800km² và phần Việt Nam là 26.100km². Tại huyện Mường Tè và huyện Sìn Hồ có 42 suối nhánh của sông Đà có diện tích lưu vực F > 10km² , với môđun dòng chảy Mo = 47,78l/s/km², lưu lượng dòng chảy năm là 8,187 tỷ m3 nước. Đầu nguồn sông Đà có tổng diện tích lưu vực khoảng 3.400km², chiếm 38% diện tích tự nhiên của tỉnh.
Lai Châu có 3 hệ thống sông chính là chi lưu cấp 1 của sông Đà, gồm:
Lưu vực sông Nậm Na có tổng lượng dòng chảy năm là 4,513 tỷ m3/năm. Sông Nậm Na bắt nguồn vùng núi cao trên 1.500m ở địa phận Trung Quốc. Tổng diện tích lưu vực sông là 6.860 km², ở Việt Nam là 2.190 km² . Chiều dài toàn sông là 235km, ở Việt Nam là 86km. Sông Nậm Na vào Việt Nam chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam từ cửa khẩu chạy dọc theo Quốc lộ 4D chảy qua địa phận huyện Phong Thổ, phần Tây Bắc của huyện Sìn Hồ. Lưu lượng dòng chảy trung bình 40-80l/s.
Lưu vực sông Nậm Mu có tổng lượng dòng chảy năm là 4,144 tỷ m3/năm. Sông Nậm Mu bắt nguồn từ địa phận huyện Phong Thổ từ độ cao 700m, chảy dọc theo thung lũng Bình Lư, Than Uyên với chiều dài sông là 165km, địa phận huyện Phong Thổ có 45km, các nhánh sông chính của Nậm Mu chủ yếu nằm trên địa phận huyện Phong Thổ, diện tích lưu vực 2.958km². Sông chảy dọc theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Lưu lượng dòng chảy trung bình 80l/s, môđun dòng chảy mùa lũ tần suất 2% đạt 12-14 l/s/km².
Lưu vực sông Nậm Mạ có tổng dòng chảy năm là 1,4 tỷ m3/năm. Sông Nậm Mạ chảy qua địa bàn huyện Sìn Hồ với diện tích lưu vực 930km2, bao gồm các xã vùng thấp huyện Sìn Hồ, độ dốc dòng chảy nhỏ, lưu lượng dòng chảy trung bình 50l/s.
Ngoài các sông lớn kể trên, trên địa bàn tỉnh Lai Châu còn có nhiều sông suối khác như: Nậm Cúm, Nậm Phìn Hồ, Nậm Cầy, Nậm So, Nậm Tăm, Nậm Ban, Nậm Cuối. Các sông suối này có lưu lượng dòng chảy thấp, trung bình từ 10-30l/s.
Nhìn chung, nguồn nước mặt của tỉnh Lai Châu khá phong phú về mùa mưa nhưng cạn kiệt vào mùa khô, nhất là những khu vực thượng nguồn các con sông. Các tháng có dòng chảy lớn nhất trong năm là tháng 6, 7, 8 (lượng dòng chảy chiếm khoảng 60-80% tổng lượng dòng chảy trong năm). Tháng cạn kiệt nguồn nước nhất xảy ra vào tháng 2, 3 hằng năm (lượng dòng chảy chiếm khoảng 20% tổng lượng dòng chảy cả năm), ở thời gian này tình trạng thiếu nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất diễn ra khá phổ biến, đặc biệt ở các vùng núi cao.
Sông ngòi ở Lai Châu có nhiều thác ghềnh, lưu lượng dòng chảy lớn nên tiềm năng thủy điện rất lớn.
Trên địa phận tỉnh Lai Châu, tổng số sông suối có chiều dài từ 10km trở lên khoảng 110 sông, trong đó có 11 sông liên tỉnh và 109 sông nội tỉnh. Do ảnh hưởng của địa hình nên dòng chảy năm phân bố không đều, từ dưới 35l/s/km² đến trên 80l/s/km².
Dòng chảy phân phối không đều trong năm. Mùa lũ thường xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 9, 10 trùng với mùa mưa. Lượng dòng chảy mùa lũ chiếm khoảng 70% tổng lượng dòng chảy năm. Mùa cạn kéo dài từ tháng 10, 11 năm trước đến tháng 4 năm sau.