Thành lập tỉnh Lai Châu (mới)
Để đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ mới của đất nước, của tỉnh và của cả vùng Tây Bắc, đồng thời tạo thời cơ mới quan trọng để tỉnh Lai Châu khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tiềm lực quốc phòng - an ninh, có cơ sở để củng cố, xây dựng tổ chức theo yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 26-11-2003 tại Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XI nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã thông qua Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Theo đó, tỉnh Lai Châu (cũ) được chia thành tỉnh Lai Châu (mới) và tỉnh Điện Biên.
Ngày 25-12-2003, Ban Chấp hànhTrung ương Đảng ra Quyết định số 878-QĐNS/TW về việc thành lập Đảng bộ và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Lai Châu (mới), gồm 33 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Phạm Ngọc Thiểm giữ chức Bí thư Tỉnh ủy lâm thời; các đồng chí Lò Văn Giàng, Nguyễn Minh Quang giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy lâm thời. Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời của tỉnh Lai Châu chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2004.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 432-NQ/UBTVQH11 về việc chỉ định đồng chí Lỳ Khai Phà giữ chức vụ Quyền Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu. Ngày 26-12-2003, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1416/QĐ-TTg chỉ định Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh Lai Châu gồm 7 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Minh Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy được chỉ định giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Từ ngày 1-1-2004, tỉnh Lai Châu chính thức được chia tách thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu.
Tỉnh Lai Châu được thành lập trên cơ sở các huyện Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ của tỉnh Lai Châu cũ, cùng huyện Than Uyên của tỉnh Lào Cai. Sau khi thành lập, tỉnh Lai Châu gồm đơn vị hành chính là thị xã Lai Châu (thị xã Lai Châu cũ thuộc tỉnh Điện Biên được đổi tên thành thị xã Mường Lay) và các huyện: Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tam Đường, Than Uyên.
Tỉnh Lai Châu có tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, đất đai, thời tiết, khí hậu phù hợp với phát triển nông nghiệp phong phú và đa dạng; có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú; tiềm năng lớn về nguồn nước để phát triển thủy điện với tổng công suất khoảng 2.500 MW; có đường biên giới dài 265,165km, có cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng - Kim Thủy Hà, lối mở U Ma Tu Khòong - Bình Hà và các đường qua lại thuận lợi cho phát triển kinh tế đối ngoại; có tiềm năng về phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa, du lịch sinh thái; có các giá trị văn hóa đa dạng, độc đáo và truyền thống, bản sắc văn hóa các dân tộc. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh có truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, khắc phục khó khăn, một lòng một dạ tin theo Đảng; hệ thống chính trị được củng cố kiện toàn, đội ngũ cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết với sự nghiệp xây dựng và phát triển Lai Châu.
Ngày 1-1-2004, Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định số 01-QĐ/UB thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh gồm 22 sở, ban, ngành. Ngày 2-1-2004, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp, thống nhất chủ trương về một số nhiệm vụ trọng tâm. Ngày 10-1-2004, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân lâm thời, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tổ chức trọng thể lễ ra mắt các cơ quan lãnh đạo tỉnh trong không khí phấn khởi, tin tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Bắt đầu từ đây, tỉnh Lai Châu (mới) bước vào thời kỳ mới, thời kỳ đẩy nhanh tốc độ xây dựng và phát triển.
Ngày 12-1-2004, tỉnh tổ chức lễ tiếp nhận huyện Than Uyên từ tỉnh Lào Cai về tỉnh Lai Châu. Than Uyên là huyện nằm ở phía Tây Nam tỉnh Lào Cai, là huyện cửa ngõ nối liền với các tỉnh trong khu vực, có diện tích tự nhiên 170.000ha trong đó diện tích nông nghiệp 25.000ha; đất lâm nghiệp 135.000ha. Đến năm 2007, dân số của Than Uyên có 87.000 người, gồm 9 dân tộc anh em sinh sống; có 18 xã, 2 thị trấn và 239 thôn, bản, khu phố.
Ngày 2-2-2004, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh tổ chức Hội nghị lần thứ nhất giới thiệu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thống nhất chủ trương về một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng đầu năm 2004. Sau Hội nghị, công tác kiện toàn tổ chức bộ máy được tiến hành khẩn trương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra quyết định chỉ định Ban Chấp hành, Bí thư, Phó Bí thư các đảng bộ: Công an, Biên phòng, Quân sự và Đảng ủy dân chính đảng tỉnh; thành lập Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án tỉnh, Ngân hàng tỉnh, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn Lao động tỉnh; cho chủ trương về tiếp nhận cán bộ từ tỉnh Lai Châu (cũ) chuyển về, tuyển dụng, hợp đồng cán bộ mới. Đến tháng 12-2004, tổ chức bộ máy các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Lai Châu (mới) đã cơ bản ổn định, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được kiện toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.