Câu hỏi:
Đề nghị xem xét những kiến nghị, đề xuất tại Báo cáo số 01/BC-HHLC ngày 29/12/2019 của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lai Châu về kết quả hoạt động năm 2019, phương hướng hoạt động năm 2020.
Trả lời:
  • Sau khi giao cơ quan chuyên môn xem xét những kiến nghị, đề xuất tại Báo cáo số 01/BC-HHLC ngày 29/12/2019 của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lai Châu về kết quả hoạt động năm 2019, phương hướng hoạt động năm 2020; Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến đối với những kiến nghị, đề xuất của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lai Châu như sau:

    1. Về công tác cải cách thủ tục hành chính

    - Đề nghị tỉnh tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, vì việc giải quyết các thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn kéo đài; trong trả lời, giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp đề nghị gắn giữa việc giải thích với giải quyết cụ thể, tránh trích dẫn các văn bản mà không giải quyết được vấn đề cụ thể mà doanh nghiệp cần.

    Trả lời: Trong năm 2019, với sự lãnh chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành, sự tham gia, vào cuộc của người dân, doanh nghiệp, công tác cải cách hành chính của tỉnh đã đạt được những chuyển biến tích cực theo hướng kiến tạo, phục vụ. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát trong giải quyết các thủ tục hành chính để đảm bảo kịp thời, đúng thẩm quyền quy định, là tiền đề triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.

    Để thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát lại toàn bộ các thủ tục hành chính và thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết nhằm giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp; thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận, phân loại, xử lý, trả lời kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/02/2008 của Chính phủ về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính. Trong trả lời, giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp không được trích dẫn văn bản chung chung mà phải giải thích, giải quyết cụ thể nội dung kiến nghị; bố trí công chức, viên chức, người lao động đảm bảo năng lực, phẩm chất đạo đức làm nhiệm vụ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công để nâng cao chất lượng quá trình giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của công tác cải cách thủ tục hành chính, huy động sự đóng góp, chung tay của toàn xã hội.

    2. Đối với lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản

    2.1. Về lĩnh vực đất đai

    Đề nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng, quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng để các doanh nghiệp, nhà đầu tư có mặt bằng triển khai thực hiện các chương trình dự án, khắc phục tình trạng có những dự án đã ký hợp đồng và hoàn tất các thủ tục bảo lãnh nhưng không có mặt bằng triển khai, làm chậm tiến độ dẫn đến bị cắt vốn đầu tư và doanh nghiệp phải chịu các khoản chi phí bảo lãnh làm ảnh hưởng đển kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

    Trả lời: Thực hiện Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, tỉnh Lai Châu đã thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất trên địa bàn các huyện, thành phố và 01 đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên), đây là các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng; vì vậy, đề nghị đơn vị phối hợp chặt chẽ với các đơn vị này và chính quyền địa phương trong quá trình giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư. Một số huyện đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp như: Tân Uyên, Mường Tè, Tam Đường; UBND tỉnh yêu cầu các huyện còn lại và thành phố sớm thành lập Tổ công tác để hỗ trợ doanh nghiệp.

    Trong cơ chế giải phóng mặt bằng, nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong việc định giá đền bù, đảm bảo hài hoà giữa lợi ích của người dân và doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp phải đền bù giá đất quá cao làm tăng chi phí đầu tư của các dự án, mặt khác gây tiền lệ không tốt làm đội giá đất trong triển khai các dự án khác.

    Trả lời: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 09 đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng thực hiện việc giải phóng mặt bằng (Trung tâm Phát triển quỹ đất của 08/08 huyện, thành phố và 01 đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường), đây là các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các cơ quan Nhà nước nên việc định giá đền bù sẽ được các cơ quan này xác định theo đơn giá, định mức của Trung ương, của tỉnh. Vì vậy, khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh các Nhà đầu tư có thể phối hợp với các đơn vị này.

    Đề nghị ban quản lý dự án và các ngành chức năng liên quan cần hoàn thiện các thủ tục (phải ban hành quyết định) trước khi thu hồi đất của doanh nghiệp có liên quan đến thực hiện dự án của tỉnh. Tránh tình trạng chưa có quyết định nhưng chủ đầu tư đã thu hồi đất để triển khai dự án, dẫn tới doanh nghiệp phải chịu nộp tiền thuê đất phần diện tích đã bị thu hồi (như trong dự án kè đường của suối Nậm Na)

    Trả lời: Theo Điều 66 Luật Đất đai năm 2013 thì chỉ có UBND cấp tỉnh, cấp huyện mới có thẩm quyền thu hồi đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; đồng thời, theo quy định tại khoản 7, Điều 170 Luật Đất đai năm 2013 thì người sử dụng đất (tổ chức sử dụng đất) giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất. Vì vậy, đề nghị đơn vị căn cứ vào quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất để quản lý tốt quỹ đất đã được Nhà nước cho thuê. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các Ban quản lý dự án và các ngành chức năng nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, rút kinh nghiệm việc dự án kè suối Nậm Na.

    Đề nghị xem xét giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

    Trả lời: Năm 2019, tại buổi đối thoại, gặp gỡ với các doanh nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với đơn vị tư vấn độc lập, có năng lực, kinh nghiệm để tham mưu xây dựng Bảng giá các loại đất giai đoạn 2020 – 2024 trên địa bàn tỉnh cho phù hợp.

    Ngày 20/12/2019, UBND tỉnh đã ban hành Bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024 trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 45/2019/QĐ-UBND, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020; bảng giá đất mới đảm bảo đúng quy định và phù hợp với khung giá đất của Chính phủ tại Nghị định số 96/2019/NĐ-CP ngày 19/12/2019, đã khắc phục được những tồn tại, hạn chế của Bảng giá đất cũ; theo đó, giá đất giai đoạn 2020-2024 tại một số tuyến đường, đoạn đường, khu dân cư trên địa bàn các huyện, thành phố đã được điều chỉnh cơ bản phù hợp với thị trường và tình hình thực tế, giảm so với giá đất được ban hành kèm theo Quyết định số 31/2018/QĐ-UBND ngày 24/9/2018 của UBND tỉnh và thấp nhất so với các tỉnh trong khu vực Tây Bắc, đặc biệt là giá đất thương mại, dịch vụ đã giảm còn 70% giá đất ở có cùng vị trí (giảm 10%) và đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ giảm còn 50% giá đất ở có cùng vị trí (giảm 30%); trường hợp 1 thửa đất lớn của dự án có nhiều mục đích sử dụng thì giá đất được xác định theo từng mục đích sử dụng đất của từng vị trí, khu vực của thửa đất đó. Vì vậy, Bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 trên địa bàn tỉnh Lai Châu sẽ là cơ hội để các Nhà đầu tư quan tâm đầu tư trong giai đoạn tới.

    2.2. Về tài nguyên - khoáng sản

    - Kiến nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường có cơ chế phù hợp hơn với khoáng sản thông thường như: Đá, cát xây dựng; nhiều công trình có thể tận thu trong công trình hoặc tận thu tại vùng dự án, tránh phải chuyển nơi xa về nhằm giảm giá thành dự án, giảm chi phí lưu thông, giảm nguy cơ mất an toàn giao thông và phù hợp với nhu cầu của Nhân dân.

    Trả lời:

    - Hiện trên địa bàn tỉnh có 27 điểm mỏ được cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong đó: Cát, sỏi 04 điểm; đá VLXD 23 điểm mỏ; có 13 điểm mỏ vật liệu xây dựng đã được phép thăm dò đánh giá trữ lượng làm cơ sở để cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định (cát, sỏi 05 điểm, đá VLXD 05 điểm, sét 03 điểm). Hằng năm, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện rà soát, khoanh định các khu vực khoáng sản đủ điều kiện đưa vào đấu giá quyền khai thác khoáng sản báo cáo UBND tỉnh phê duyệt, trong đó tập trung khoáng sản làm vật liệu đáp ứng nhu cầu cho các dự án đầu tư trên địa bàn và phát triển kinh tế - xã hội.

    - Việc tận thu khoáng sản làm vật liệu xây dựng:

    + Trường hợp trong phạm vi công trình: Các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác chỉ sử dụng cho xây dựng công trình đó thì được phép đăng ký khai thác với UBND tỉnh. Trước khi tiến hành khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân phải đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

    + Trường hợp ngoài phạm vi công trình: Theo quy định Luật Khoáng sản hiện hành không cho phép tận thu khoáng sản ngoài phạm vi công trình (tận thu tại vùng dự án ngoài diện tích của công trình). Đề nghị các doanh nghiệp triển khai sớm theo quy định việc thực hiện tận thu khoáng sản gần phạm vi dự án.

    3. Trong việc thanh tra, kiểm tra

    - Đề nghị tỉnh có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Thực tế, hằng năm các doanh nghiệp vẫn phải tiếp và làm việc với nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra hoặc tình trạng quyết định thanh tra Ban quản lý dự án nhưng doanh nghiệp cũng bị thanh tra theo...

    Trả lời: Về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Quyết định số 39/2015/QĐ-UBND ngày 11/12/2015 về việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.

    Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 1664/UBND-NC ngày 22/10/2018 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; hàng năm chỉ đạo Thanh tra tỉnh rà soát, tổng hợp kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các đơn vị để tham mưu, nếu các đơn vị cùng xây dựng kế hoạch thanh tra tại một doanh nghiệp thì tổ chức thành lập đoàn thanh tra liên ngành để tránh việc chồng chéo. Do đó, Kế hoạch thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt không thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp; tình trạng chồng chéo chỉ xảy ra đối với các trường hợp đoàn thanh tra, kiểm toán của các Bộ, ngành Trung ương, do tính chất đặc thù của các đoàn thanh tra, kiểm tra thuộc lực lượng Công an và các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh.

    Khi thanh, kiểm tra; đối tượng thanh tra là các Ban quản lý dự án thì các Đoàn thanh tra, kiểm tra chỉ thanh tra tại Ban quản lý dự án, không thực hiện thanh tra tại doanh nghiệp. Nếu có trường hợp quyết định thanh tra tại Ban quản lý dự án nhưng các doanh nghiệp cũng bị thanh tra, đề nghị các doanh nghiệp kịp thời phản ánh về UBND tỉnh bằng văn bản hoặc qua số điện thoại đường dây nóng 0213.3883.388 hoặc địa chỉ thư điện tử: duongdaynong@laichau.gov.vn

    4. Về tổ chức gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp

    - Đề nghị UBND tỉnh, các sở ngành liên quan và các huyện định kỳ tổ chức hội nghị gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp, nhất là đối với các sở ngành trực tiếp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, để giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; kết quả các hội nghị gặp mặt, đối thoại phải được thông báo trả lời bằng văn bản, nêu rõ hướng xử lý, giải quyết cụ thể để doanh nghiệp thực hiện, tránh tình trạng chỉ kết luận tại hội nghị mà không ban hành văn bản thông báo hoặc thông báo kết luận mang tính giải thích chung chung.

    Trả lời: Định kỳ hằng năm, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh chủ trì tổ chức gặp mặt đối thoại với UBND, các cơ quan nhà nước của tỉnh để phản ánh những khó khăn, vướng mắc và đề xuất tôn vinh doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10). Ngoài ra UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo việc thực hiện đối thoại theo nhóm, lĩnh vực để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp và sau hội nghị đối thoại đều có các văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương giải quyết những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp.

    5. Về tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh

    - Đề nghị UBND tỉnh, các ngành chức năng quan tâm tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, công khai, minh bạch trong việc tiếp cận các nguồn lực, dự án; phải tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; giữa doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động đầu tư kinh doanh.

    Trả lời: Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Chỉ thị số 26-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 06/6/2017 về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP. Trong đó tập trung vào một số giải pháp để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh: Công khai minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách; thúc đẩy phát triển kinh doanh theo nguyên tắc bình đẳng, công bằng, minh bạch; tiếp tục rà soát, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để Nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành dự án đầu tư; đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo chuyển biến mạnh mẽ tích cực trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường công tác tuyền truyền để cộng đồng doanh nghiệp tỉnh hiểu, ủng hộ hợp tác trong các chương trình cải cách, hiện đại hóa trong giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó cần tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại và đầu tư, tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm trong và nước ngoài; thực hiện có hiệu quả chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhất là về thuế, đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, sản xuất chế biến, tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, tiếp tục tổ chức các hoạt động gặp gỡ tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng cuộc đối thoại, giải quyết dứt điểm và thỏa đáng các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; vận hành hiệu quả hệ thống thông tin điện tử tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.

    6. Về sự phối hợp hoạt động

    - Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đề nghị nhận được sự quan tâm phối hợp của các sở, ngành đối với hoạt động của Hiệp hội để thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và phát huy vai trò của tổ chức hội, nhất là phối hợp trong tổ chức triển khai các chương trình, quyết định, đề án mà UBND tỉnh đã ban hành có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh để các doanh nghiệp có cơ hội được thụ hưởng những cơ chế chính sách của tỉnh.

    Trả lời: Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh luôn sát cánh, đồng hành cùng với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lai Châu để Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lai Châu sẽ trở thành một tổ chức vững mạnh, thực sự đại diện cho nguyện vọng và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên; các cấp, ban, ngành của tỉnh luôn tích cực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất và phát triển.

    Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nghiên cứu tổ chức Chương trình “cà phê doanh nhân” hàng tháng để Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan thông tin, trao đổi, nắm bắt tình hình hoạt động và khó khăn, đề xuất của doanh nghiệp để có giải pháp tháo gỡ. Tạo điều kiện để Hiệp hội Doanh nghiệp, các doanh nghiệp có nội dung có thể tham gia phản ánh, tư vấn, đề xuất đối với công tác quy hoạch, cơ chế, chính sách ... của tỉnh.

    Trong quá trình hoạt động, nếu có vướng mắc đề nghị Doanh nghiệp phản ánh trực tiếp về Văn phòng UBND tỉnh qua đồng chí Vũ Huy Hòa, Phó Chánh Văn phòng phụ trách, điện thoại 0213.3798.136 hoặc 0986.983.889 để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh; hoặc gửi Chủ tịch UBND tỉnh, qua email: dungtt.ubndtlc@laichau.gov.vn

    7. Về phối hợp trong nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

    - Đề nghị UBND tỉnh và các ngành nghiên cứu cho phép Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh độc lập chấm điểm các sở, ngành liên quan để cung cấp kênh thông tin cho tỉnh tham khảo trong việc đánh giá phân loại các sở, ngành hằng năm (cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp trong việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI như các tỉnh đã triển khai...)

    Trả lời: Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Trong đó tạo điều kiện cho Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh được tham gia chấm điểm các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, đây là kênh thông tin để UBND tỉnh tham khảo trong việc đánh giá phân loại các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố hàng năm.

    8. Hỗ trợ khởi nghiệp

    - Đề nghị UBND tỉnh và các ngành nghiên cứu thành lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp và thành lập Hội đồng xét chọn ý tưởng khởi nghiệp của tỉnh (các tỉnh đã làm).

    Trả lời: Tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch số 1301/KH-UBND ngày 14/7/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lai Châu đến năm 2025. Trong đó, khuyến khích phát huy các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp về đầu tư kinh doanh, đặc biệt là trong đoàn viên thanh niên. Các đơn vị cùng Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh nghiên cứu, đề xuất thành lập quỹ khởi nghiệp sáng tạo từ nguồn xã hội hóa.

    Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, ...

    13/02/2020  |  Ban biên tập đã phản hồi
Gửi ý kiến bình luận

Danh sách câu hỏi
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.541
Hôm qua : 5.130
Tháng 11 : 109.539
Năm 2024 : 2.262.443
Tổng số : 83.728.536