A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân

(laichau.gov.vn)
Điều 27, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.

Công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp, pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện thực hiện việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực Nhà nước. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân.

Nhà nước ta là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Nhân dân tổ chức ra Nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực Nhà nước. Thông qua bầu cử, Nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, để thay mặt mình thực hiện quyền lực Nhà nước; góp phần thiết lập ra bộ máy Nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội.

Quyền bầu cử bao gồm việc đề cử, giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu được quy định rõ trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cụ thể là:

Tuổi bầu cử và tuổi ứng cử

Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này.

Tiêu chuẩn của người ứng cử

Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Luật tổ chức Quốc hội.

Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Luật tổ chức­ chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, để được bầu làm đại biểu Quốc hội, người ứng cử phải bảo đảm những tiêu chuẩn sau: Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Luật tổ chức Quốc hội; người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp

1. Dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu

Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở sau đây: Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất ba đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương; Số lượng đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương, bảo đảm tổng số đại biểu Quốc hội dự kiến được bầu là năm trăm người.

2. Dự kiến cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội

Căn cứ vào dự kiến số lượng đại biểu Quốc hội được bầu, sau khi thống nhất ý kiến với Ban Thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội; số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang Nhân dân, cơ quan Nhà nước ở trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội để bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp Nhân dân trong Quốc hội.

Số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, bảo đảm có ít nhất mười tám phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số.

Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn chủ tịch Ban chấp hành trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.

Dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh.

3. Dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân

Căn cứ vào số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu ở mỗi đơn vị hành chính theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương, sau khi thống nhất ý kiến với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban nhân dân cùng cấp, chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử:

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), Thường trực Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện) dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước ở cấp mình và các đơn vị hành chính cấp dưới, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn được giới thiệu để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ; số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương;

Thường trực Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước ở cấp mình và thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc (sau đây gọi chung là thôn), tổ dân phố, khu phố, khóm (sau đây gọi chung là tổ dân phố), đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn được giới thiệu để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, trong đó bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ; số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương;

Dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của Thường trực Hội đồng nhân dân ở mỗi cấp được gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban bầu cử cùng cấp.

Theo Hướng dẫn tại Nghị quyết số 1132/NQ-UBTVQH13 ngày 16/01/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở mỗi đơn vị hành chính phải bảo đảm các tiêu chí sau đây:

Bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ; Bảo đảm số lượng hợp lý người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là người dân tộc thiểu số, phù hợp với đặc điểm, cơ cấu dân số của từng địa phương; phấn đấu số đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu là người dân tộc thiểu số không thấp hơn số đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2011-2016 là người dân tộc thiểu số ở đơn vị hành chính đó; Phấn đấu đạt tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là người ngoài Đảng không dưới 10%; người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là người dưới 35 tuổi không dưới 15% tổng số người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở từng cấp; Phấn đấu có ít nhất 30% đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ trước tái cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021; Việc phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử ở các đơn vị hành chính cấp dưới, các thôn, tổ dân phố cần bảo đảm tương quan hợp lý về dân số giữa các đơn vị này.

Việc phân bổ người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân để bố trí làm đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách được thực hiện căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương và phải bảo đảm số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể như sau:

Ở cấp tỉnh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; hai Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; mỗi Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có ít nhất hai đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách;

Ở cấp huyện, Chủ tịch Hội đồng nhân dân có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; hai Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; mỗi Ban của Hội đồng nhân dân cấp huyện có ít nhất một đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách;

Ở cấp xã, một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.

 

ĐL


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.727
Hôm qua : 5.467
Tháng 12 : 85.607
Năm 2024 : 2.395.857
Tổng số : 83.861.950