A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản
Vững bước dưới cờ Đảng

Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới

(laichau.gov.vn)

Bàn về phương thức lãnh đạo của Đảng trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với việc nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của Đảng trong kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; trực tiếp liên quan đến đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, hướng đến Đại hội XIV của Đảng.

Nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của cách mạng Việt Nam

Phương thức lãnh đạo của Đảng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng; trực tiếp quyết định sứ mệnh lịch sử của Đảng trước nhân dân và dân tộc.

Sinh thời, Bác Hồ luôn dành sự quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng; coi đây là công việc “gốc” của Đảng. Trong các bài viết, bài nói của mình, Người thường dùng thuật ngữ: Cách lãnh đạo, lề lối làm việc... để chỉ phương thức lãnh đạo của Đảng sao cho hiệu lực, hiệu quả và xác định đây là "con đường chính trị đúng" làm cho Đảng ta thật sự là đạo đức, là văn minh, trở thành đại biểu trung thành cho lợi ích của dân tộc.

Vận dụng lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, Đảng ta trước thời kỳ đổi mới, thường dùng các khái niệm: Phương pháp lãnh đạo, phương pháp công tác, phong cách lãnh đạo, phong cách công tác hay lề lối làm việc của Đảng... để biểu đạt phương thức cầm quyền, lãnh đạo của mình; chủ yếu áp dụng đối với cá nhân cán bộ lãnh đạo, chưa đề cập đối với các tổ chức đảng.

Tại Hội nghị Trung ương 6, khóa VI (tháng 3-1989), Đảng ta chính thức dùng khái niệm “phương thức lãnh đạo của Đảng” với tư cách là tổng thể các cách thức, hình thức, phương pháp, quy chế, quy định, quy trình, lề lối làm việc... để tác động vào đối tượng lãnh đạo là Nhà nước và xã hội nhằm thực hiện thắng lợi Cương lĩnh, đường lối, các nghị quyết và các nội dung quyết sách lãnh đạo của Đảng.

Nội dung cốt lõi về phương thức lãnh đạo của Đảng lần đầu tiên được xác định ở Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991); được bổ sung, hoàn chỉnh qua các kỳ đại hội của Đảng thành các phương thức lãnh đạo chủ yếu, trở thành nội dung hoạt động lãnh đạo của Đảng: Một là, Đảng lãnh đạo bằng Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; hai là, Đảng lãnh đạo bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động; ba là, Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị và bằng công tác tổ chức, cán bộ; bốn là, Đảng lãnh đạo bằng công tác kiểm tra, giám sát; năm là, Đảng lãnh đạo bằng hành động nêu gương của đảng viên.

Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới
Ảnh minh họa: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Để triển khai các hoạt động lãnh đạo và đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống, Đảng đồng thời sử dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp, quy chế, quy định, quy trình, lề lối làm việc cụ thể, như: Tổ chức các hội nghị phổ biến nghị quyết; các cuộc giao ban giữa các cơ quan thuộc thẩm quyền; các cuộc làm việc và đối thoại giữa đại diện cấp ủy, tổ chức đảng; xây dựng và hoàn thiện quy chế làm việc của cấp ủy; xây dựng các quy chế phối hợp công tác giữa các tổ chức, cơ quan có liên quan; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết của Đảng và các hình thức thông tin khác...

Sau gần 40 năm Đảng khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội đã có nhiều đổi mới và ngày càng hoàn chỉnh. Trong đó, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng cao. Đây là điều kiện bảo đảm quan trọng nhất để duy trì và thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ hoạt động hanh thông và đạt hiệu quả.

Một trong những điểm sáng nổi bật trong phương thức lãnh đạo của Đảng là luôn đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, phát triển lý luận, cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc; xây dựng và từng bước hoàn chỉnh lý luận về đường lối đổi mới với sự quan tâm đúng mức, có nhiều điểm đột phá, làm cho Đảng gần dân, sống trong lòng dân tộc.

Trong nội dung, hình thức đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng thì đổi mới tổ chức bộ máy của Đảng được đặc biệt chú trọng, nhất là việc tinh gọn, bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy lãnh đạo của Đảng, tập trung vào sự sắp xếp, phân cấp, phân quyền ngày càng sát với chức năng, nhiệm vụ; phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, từng bước khắc phục tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo, quản lý. Chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng được nâng lên, việc phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ của Đảng vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị ngày càng chặt chẽ. Công tác kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. 

Vì vậy, đổi mới phương thức lãnh đạo đã trở thành vấn đề có tính quy luật, là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, gắn chặt với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao năng lực cầm quyền, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, hiệu quả của Đảng đối với tất cả hoạt động của hệ thống chính trị và các lĩnh vực của đời sống xã hội; tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng; nâng tầm cao uy tín, vị thế của Đảng trong quan hệ quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được là cơ bản, rất đáng trân trọng và khích lệ, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị vẫn còn những hạn chế nhất định cần phải khắc phục triệt để. Đó là, một số quan điểm, chủ trương, định hướng lớn và một số quyết sách của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ. Tình trạng ban hành nhiều văn bản chồng lấn nội dung, “nhờn” văn bản chưa được khắc phục; một số văn bản còn chung chung, dàn trải, chậm bổ sung, sửa đổi, thay thế chậm, hiệu quả không cao, gây vướng mắc, cản trở công tác thực hiện. 

Một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa thật chú trọng công tác phân cấp, phân quyền, kiểm tra, giám sát; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát của các cơ quan tham mưu, giúp việc, cấp dưới. Cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc trong Đảng chưa đáp ứng tốt các yêu cầu, đòi hỏi cấp bách của tình hình mới...

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong kỷ nguyên phát triển mới

Thực tiễn khẳng định đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, gắn chặt với thực hiện Cương lĩnh, Điều lệ và các chủ trương, đường lối, quyết sách của Đảng.
Đây là nội dung, nhiệm vụ cơ bản, hàng đầu, quyết định chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm cho Đảng gần dân, hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trước nhân dân và dân tộc.

Đó cũng là yêu cầu, nhiệm vụ xuyên suốt đường lối của cách mạng Việt Nam trong 95 năm qua, đặc biệt có ý nghĩa trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phấn đấu để nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta chào mừng kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Để hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ đã xác định; trên cơ sở bám sát thực tiễn, xu hướng phát triển của đất nước và thời đại, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải đồng thời làm nhiều việc. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, đóng vai trò quyết định là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong kỷ nguyên phát triển mới, tập trung vào xây dựng cấp ủy đảng các cấp; đặc biệt là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV đủ sức lãnh đạo, đưa nước ta vững tin bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đất nước ta đang đứng trước thời điểm lịch sử mới với thời cơ và vận hội mới có lợi cho sự phát triển của cách mạng. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vững tin bước vào kỷ nguyên mới sau 40 năm đổi mới thành công, đã giành những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng để đưa dân tộc ta tiếp tục tiến lên đang đặt ra cấp bách. Đây là một tất yếu khách quan, mệnh lệnh tối cao của cuộc sống, là nhu cầu tự thân phát triển của dân tộc, khát vọng vươn tới của hơn 100 triệu dân Việt Nam, tránh nguy cơ tụt hậu, mắc vào 4 nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra. Đây là phương thức duy nhất để đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, sánh vai với các cường quốc trên thế giới.

Để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, làm cho Đảng ta thật sự là người cầm lái vĩ đại, người kiến tạo và dẫn dắt dân tộc ta tiến lên mạnh mẽ, mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ cần thống nhất lập trường, quan điểm, nhận thức và thực hiện nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong kỷ nguyên phát triển mới; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng. Qua đó, thực hiện sự lãnh đạo toàn diện đất nước và chịu trách nhiệm trước nhân dân về mọi quyết sách, quyết định của Đảng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với đó, tập trung thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về thể chế, tinh gọn bộ máy của Đảng; làm cho Đảng thực sự là hạt nhân trí tuệ, là đội tiên phong lãnh đạo cơ quan Nhà nước. Xây dựng các tổ chức, cơ quan tham mưu của cấp ủy tinh gọn. Cán bộ tham mưu có đầy đủ đức và tài, có tín nhiệm cao, tinh thông nghề nghiệp và thông thạo công việc, tham mưu, đề xuất các quyết sách đúng và trúng, phù hợp, hiệu quả.

Nhờ đó, khắc phục được sự trùng lặp trong thực hiện nhiệm vụ, công tác quản lý, tránh tình trạng bao biện làm thay, hoặc tồn tại song trùng, hình thức. Đổi mới mạnh mẽ tác phong, lề lối làm việc theo hướng khoa học, chuyên nghiệp, với phương châm “đúng vai, thuộc bài”, làm cho “dân no, dân an, dân tin”.

Một trong những mắt xích quan trọng của việc đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là quyết liệt đổi mới việc ban hành, học tập, quán triệt, triển khai và thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng với tinh thần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu, dễ làm; đúng và trúng yêu cầu, nhiệm vụ, sát thực tiễn, thiết thực và tính khả thi cao; đem lại niềm tin, sự phấn khởi và động lực thôi thúc nhân dân hành động, quyết tâm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Vì vậy, cần tập trung trí tuệ, bản lĩnh để xây dựng và kiện toàn tốt nhất các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng, đảng viên thật sự là các “tế bào” và là “mạch máu” của Đảng. 

Song hành với các công việc trên là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động lãnh đạo của Đảng; làm cho công tác này thật sự góp phần vào việc uốn nắn, điều chỉnh những biểu hiện lệch lạc, chệch hướng hoặc ngăn chặn những hành vi sai trái, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tập trung chuyển đổi số trong công tác đảng, tạo sự kết nối thông suốt từ Trung ương tới cơ sở, thiết thực phục vụ hiệu quả công tác bảo vệ chính trị nội bộ, kết nối ý Đảng-lòng dân và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, mẫu mực.

Thiếu tướng, PGS, TS, NGND NGUYỄN BÁ DƯƠNG

Cập nhật ngày 25/1/2025


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.663
Hôm qua : 2.199
Tháng 01 : 133.994
Năm 2025 : 133.994
Tổng số : 84.090.927