A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Khơi dậy khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ Lai Châu trong thời kỳ mới

(laichau.gov.vn)

Thực hiện lời căn dặn của Bác:“Nghệ thuật không phải là sự hưởng thụ của cá nhân, mà trước hết là vì Tổ quốc, vì nhân dân”(1), các thế hệ văn nghệ sĩ Lai Châu không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị cao cả về nghệ thuật và tư tưởng. Trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước có nhiều sự biến đổi to lớn về diện mạo, các hoạt động giao lưu văn hóa sâu rộng mang đến những giá trị tích cực và cả những mảng tối, chính lúc này những giá trị to lớn trong tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại như “ngọn đuốc soi đường”, đẩy lùi bóng tối, khơi dậy khát vọng cống hiến, thúc đẩy năng lực sáng tạo cho đội ngũ văn nghệ sĩ Lai Châu, góp phần xây dựng phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Lai Châu và đất nước...

Văn hóa, nghệ thuật trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa và nghệ thuật đối với sự phát triển của xã hội, Người luôn coi văn hóa, nghệ thuật là nền tảng tinh thần của xã hội, có thể góp phần làm thay đổi nhận thức và hành vi của con người. Chính bởi vậy, Bác luôn dành sự quan tâm, định hướng mọi khía cạnh của văn hóa, văn nghệ, từ nội dung, hình thức đến cách thể hiện và đối tượng phục vụ, là người đi đầu gieo những hạt mầm văn nghệ để góp phần xây dựng nền văn học, nghệ thuật đa dạng, phong phú nhưng sâu sắc tính nhân văn. Năm 1951, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang bước vào giai đoạn quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bức thư quan trọng gửi các hoạ sĩ nhân dịp triển lãm hội hoạ, Người viết: “Văn hoá, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”(2), gần cuối bức thư, Người khẳng định thêm: “Văn hoá, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”(3), đây chính là nền tảng lý luận quan trọng cho thế hệ các văn nghệ sĩ, để họ nhận thức đúng đắn về vị, trí, vai trò và trách nhiệm của mình trong mỗi giai đoạn cách mạng. Là người “chiến sĩ” trong thời chiến, nhiệm vụ của họ là sử dụng tài năng nghệ thuật thiên bẩm của mình phản ánh những tấm gương anh hùng, lòng quả cảm và ý chí kiên trung, bất khuất để lan toả cảm xúc tự hào và khơi dậy tinh thần yêu nước trong mỗi người dân.

Hội viên Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh Lai Châu học Bác trong việc sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật từ cuộc sống hằng ngày của Nhân dân.

Trong công cuộc phát triển đất nước, xây dựng cách mạng mới, Bác chỉ rõ văn chương phải phản ánh chân thực và hùng hồn cuộc sống và hiện thực cách mạng”, chú ý noi gương người tốt việc tốt và uốn nắn phê bình cái xấu. Nhà văn cũng phải chú ý đến hình thức biểu hiện, tránh lối viết cầu kỳ, xa lạ, nặng nề, hình thức của tác phẩm phải hấp dẫn, ngôn từ chọn lọc, bảo đảm sự trong sáng của tiếng Việt” và phải “gắn liền với lao động, sản xuất, văn hóa xa đời sống, xa lao động là văn hóa suông”, “để phục vụ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa thì văn hóa phải xã hội chủ nghĩa về nội dung và dân tộc về hình thức”(4). Bác chỉ rõ Nhân dân và cuộc sống hằng ngày của họ là đề tài vô tận để các nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật, đó “là kho nguyên liệu vô tận cho những tác phẩm xuất bản” và “Chỉ có Nhân dân mới nuôi dưỡng cho sáng tác của nhà văn bằng những nguồn nhựa sống”(5). Văn hóa, nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, nhân cách con người, nâng cao bản lĩnh và ý thức dân tộc, giữ gìn bản sắc dân tộc. Bác nhắc nhở “Để làm trọn nhiệm vụ, chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng”(6). Đồng thời, Người nhấn mạnh: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”- đó chính là Người đề cao vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong việc định hướng phát triển đất nước và đội ngũ văn nghệ sĩ là những người có trách nhiệm không chỉ làm đẹp cuộc đời mà còn phải góp phần xây dựng con người mới, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Những tư tưởng ấy của Người không chỉ tiêu biểu cho tư duy của thời đại mới, hiện thân của nền văn hóa mới, sự mẫu mực của con người mới xã hội chủ nghĩa, mà còn như ánh sáng soi đường, nâng bước cho mỗi người nghệ sĩ bước đi.

Học và làm theo Bác, đội ngũ văn nghệ sĩ Lai Châu nỗ lực sáng tạo và cống hiến để xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Lai Châu

Thấm nhuần những tư tưởng của Bác; quán triệt sâu sắc những đường lối của Đảng, Nhà nước và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh về văn hoá, văn nghệ cùng những hoạt động nghệ thuật phong phú, đội ngũ văn nghệ sĩ Lai Châu đã có nhiều đóng góp quan trọng trong hành trình 20 năm xây dựng và phát triển của tỉnh. Công tác Hội luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, thường xuyên quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ và chú trọng công tác phát triển hội viên nhất là hội viên người dân tộc thiểu số, hội viên trẻ. Đến nay, toàn tỉnh có 174 hội viên, trong đó có 1 Nghệ sĩ ưu tú, tham gia sinh hoạt tại 8 chi hội cấp huyện và 6 chi hội chuyên ngành bao gồm: Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Âm nhạc, Múa,Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Văn nghệ dân gian; các hội viên là những người tâm huyết, sáng tạo, là lực lượng nòng cốt, trực tiếp phát triển nền văn học, nghệ thuật tỉnh nhà và luôn không ngừng học hỏi, sáng tạo nhiều tác phẩm đa dạng về thể loại và có giá trị tư tưởng, nghệ thuật đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc ở mảnh đất biên cương phên dậu của Tổ quốc.

Trong 20 năm qua, các cuộc thi do các cấp, các ngành tổ chức về lĩnh vực văn học nghệ thuật đều thu hút đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ Lai Châu tham gia với nhiều tác phẩm chất lượng ngày càng khẳng định vị trí, sức sáng tạo của các văn nghệ sĩ tỉnh nhà trong nền văn học, nghệ thuật Việt Nam. Đã có nhiều tên tuổi, nhiều cây bút, nhiều tác phẩm được ghi danh trên diễn đàn văn học nghệ thuật Việt Nam. Nổi bật như: tác giả Đỗ Thị Tấc với các tác phẩm “Kin Pang Then của người Thái trắng ở Lai Châu” đạt Giải C của Hội Văn học – Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (năm 2010); “Lời tiễn hồn người chết lên trời” đạt Giải A Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam (năm 2011); tác phẩm mỹ thuật “Góc khuất” của họa sĩ Nguyễn Hùng Cường đạt giải Ba tại Triển lãm mỹ thuật khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc (năm 2016); tác phẩm nhiếp ảnh “May áo mới” của tác giả Nguyễn Văn Quang đạt Huy Chương Vàng Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc (năm 2022); tác phẩm thơ “Người thêu thổ cẩm” của tác giả Phùng Thị Hải Yến đạt giải Nhất tại Cuộc thi “Tìm hiểu giá trị tích cực của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống gia đình và thúc đẩy bình đẳng giới” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức (năm 2023) và truyện ngắn “Thẳm sâu biên giới” đạt giải A Cuộc vận động sáng tác truyện ngắn và ký do Bộ Công an tổ chức  (năm 2024); tác giả Đặng Thùy Tiên được nhận Giải tác giả trẻ với tập truyện ngắn “Những ngọn gió thổi ngược” do Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam trao tặng; tác phẩm “Lớp học thêu” của tác giả Đào Tiến Dũng đạt Giải Khuyến khích cuộc thi ảnh “Vẻ đẹp Việt Nam”  của Báo Nhân Dân (năm 2023)... Đối với Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, ngoài các giải thưởng cấp tỉnh, Lai Châu đã có 2 tác phẩm đó là tiểu thuyết “Đại bàng núi” của nhà văn Huỳnh Nguyên đạt giả B (năm 2018) và ca khúc “Người Mông nhớ Bác” của NSƯT Minh Cừ đạt Giải A (năm 2023).

Từ khi chia tách, thành lập tỉnh đến nay, Lai Châu đã duy trì và tổ chức thành công 3 kỳ “Giải thưởng Văn học, Nghệ thuật tỉnh Lai Châu” với 104 tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc thuộc các lĩnh vực mỹ thuật, âm nhạc, văn học, nhiếp ảnh… tham gia và nhiều tác phẩm đạt giải. Các tác phẩm thể hiện tài năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ góp phần vun đắp, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và Nhân dân các dân tộc Lai Châu, khai thác có chiều sâu và góp phần nâng cao ý thức về bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh mà còn là công cụ sắc bén trong mặt trận tư tưởng, đấu tranh với cái xấu, cái ác trong đời sống xã hội. Với thể loại và đề tài phong phú, các tác phẩm đã có những đóng góp tích cực trong nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người, tạo lập bầu không khí lành mạnh trong xã hội; thực hiện rất hiệu quả công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh miền con người Lai Châu với bạn bè trong và ngoài nước.

Tiếp tục khơi dậy khát vọng cống hiến, khẳng định năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ Lai Châu trong giai đoạn mới

Xác định văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Trong thời gian tới, cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành cần đổi mới mạnh mẽ tư duy và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác văn học, nghệ thuật. Các cơ quan tư tưởng văn hoá cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp, chỉ đạo, định hướng đối với công tác văn học nghệ thuật, chú trọng tính đặc thù, nhạy cảm, tinh tế của văn học, nghệ thuật, vừa bảo đảm phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ. Các cơ quan văn hoá, Hội văn học nghệ thuật các cấp, các chi hội chuyên ngành phải làm tốt vai trò tập hợp, quản lý, đoàn kết, phát huy tính chủ động, tích cực xã hội và tài năng sáng tạo, định hướng tư tưởng, bồi đắp phẩm chất chính trị, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới; tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhất là việc thẩm định các tác phẩm trước khi xuất bản, triển lãm trong và ngoài nước, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao, nhất là văn học, nghệ thuật dành cho thiếu nhi, văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số ... nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và uy tín của văn nghệ sĩ trong hoạt động nghệ thuật. Tiếp tục rà soát, đổi mới chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ văn nghệ sĩ và người làm công tác văn hóa; kịp thời tôn vinh tài năng và cống hiến của họ cho sự phát triển văn hóa của tỉnh.

Đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh cần tiếp tục hòa mình vào thực tiễn sinh động, chủ động đổi mới tư duy, giữ gìn và phát huy các yếu tố tích cực, lành mạnh. Tiếp tục sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị về tư tưởng, có nội dung về xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống của con người Việt Nam theo hướng mà mà Đảng ta đã định hướng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Không ngừng bồi đắp, sáng tạo để hình thành nên những giá trị văn hóa mới, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới vừa đậm đà bản sắc dân tộc, có sức lan tỏa tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật…

Với sự chung tay của các cấp, các ngành cùng sự nỗ lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ trên con đường định hướng của Đảng, Nhà nước và hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại soi đường, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ của công tác văn học – nghệ thuật Lai Châu nói chung và sức sáng tạo không giới hạn, tinh thần cống hiến của đội ngũ văn nghệ sĩ Lai Châu nói riêng để cống hiến, xây dựng Lai Châu ngày càng phát triển.

-----
(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.246
(2). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.246
(3). Hồ Chí Minh - Toàn tập, , Nxb CTQG, H.1995, t.6, tr.368 -369
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011. t.12.
(5) Bác Hồ với văn nghệ sĩ, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1985, tr.348
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.246

Cập nhật ngày 30/10/2024


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.760
Hôm qua : 4.217
Tháng 12 : 125.370
Năm 2024 : 2.435.620
Tổng số : 83.901.713