A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu: Nỗ lực giảm nghèo

(laichau.gov.vn)

Giai đoạn 2016 - 2020, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể bình quân 4,78%/năm. Đó là kết quả của sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và ý thức tự thoát nghèo của người dân.

Một màu vàng óng của lúa tại cánh đồng Mường Than, xã Mường Than, huyện Than Uyên. (Ảnh: Anh Sơn)

Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 02/NQ-TU về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 30/2016/NQ-HĐND về chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020 nhằm kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường trách nhiệm, tích cực phối hợp trong thực hiện các nhiệm vụ giảm nghèo, triển khai các chính sách đến với đối tượng thụ hưởng đảm bảo hiệu quả, đúng quy định. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong thực hiện công tác giảm nghèo. Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra phù hợp với thực tiễn của tỉnh, trong đó tập trung vào các vùng, các dân tộc đặc biệt khó khăn, các lĩnh vực có lợi thế của tỉnh, phù hợp với trình độ nhận thức của người dân.

Cùng với đó, tỉnh cũng đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất và thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội đối với các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, do đó đã phát huy được hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn. Từ nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo đã thực hiện đầu tư 515 công trình và duy tu bảo dưỡng 593 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh như đường giao thông nông thôn, trường học, thủy lợi, nước sinh hoạt. Hỗ trợ chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi cho 200 nghìn lượt hộ; hỗ trợ giao khoán chăm sóc, bảo vệ 396 nghìn ha rừng; hỗ trợ mua bảo hiểm y tế miễn phí cho trên 1 triệu lượt hộ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, nhất là các hộ nghèo, người nghèo tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước tự lực vươn lên thoát nghèo, triển khai thực hiện công tác giảm nghèo; giới thiệu các mô hình giảm nghèo có hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo; giúp các hộ chủ động phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại… Qua đó, nhận thức của Nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là công tác giảm nghèo bền vững được nâng lên. Người dân đã chủ động ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất thông qua việc sử dụng các giống mới có năng suất, chất lượng, sử dụng các loại máy nông nghiệp để giảm sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất...

Với sự hỗ trợ kịp thời từ các chính sách của Nhà nước đã góp phần ổn định, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, giảm nghèo, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Người nghèo được cải thiện điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập; nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin…); có cơ hội tự vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ ỷ lại vào sự trợ giúp của cộng đồng và Nhà nước.

Qua sự nỗ lực vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự đồng thuận vươn lên của Nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân 4,78%/năm, năm 2020 còn 16,33%, giảm 24,07% so với cuối năm 2015 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh tăng từ 18,2 triệu đồng/người/năm (năm 2015) lên 41,7 triệu đồng/người/năm (năm 2020). Giai đoạn 2018 - 2020, 2 huyện Tân Uyên, Than Uyên ra khỏi huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và có 19/66 xã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.

Than Uyên là một trong 2 huyện điển hình của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ đưa ra khỏi danh sách các huyện nghèo trong cả nước. Ngay sau khi có các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về việc triển khai, thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, UBND huyện thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững của huyện do Chủ tịch UBND huyện là Trưởng Ban Chỉ đạo; phân công nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo kịp thời tham mưu thực hiện nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực; đồng thời giao phụ trách các xã, thị trấn để theo dõi, giám sát và tổ chức triển khai thực hiện chương trình.

Điểm nổi bật trong thực hiện giảm nghèo của huyện Than Uyên đó là huyện đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước, trọng tâm là tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác của người dân, vai trò của cộng đồng và chính quyền cơ sở, phát huy sức mạnh của các lực lượng. Đồng thời, xác định rõ quyết tâm vươn lên thoát nghèo của người dân là yếu tố quyết định, cùng sự hỗ trợ, giúp sức của cộng đồng để đảm bảo hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. Hàng năm, Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp trong huyện đã phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền và chủ động kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình giảm nghèo. Trong quá trình thực hiện huyện đã thực hiện lồng ghép các dự án, chương trình giảm nghèo, huy động tối đa các nguồn vốn để đầu tư một cách hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ đó, giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 37,21% (năm 2016) xuống còn 10,98% (năm 2020), hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, trung bình giảm 5,24%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng (năm 2016) lên đạt 38,5 triệu đồng (năm 2020).

Tuy nhiên, hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh vẫn còn cao, để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả và mang tính bền vững, tỉnh Lai Châu tiếp tục thực hiện cơ chế phân cấp trong quản lý, điều hành xây dựng các công trình, dự án giảm nghèo. Đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo. Tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng hỗ trợ người dân thoát nghèo. Đặc biệt, tập trung hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là giảm dần các chính sách cho không, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo mà tăng các chính sách hỗ trợ gián tiếp, hỗ trợ tín dụng cho người nghèo; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các chương trình, tạo điều kiện làm đầu tàu thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển.

Đồng thời, huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng - xã hội vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao. Có chính sách thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, ưu tiên đối với lĩnh vực nông nghiệp và lĩnh vực phi nông nghiệp có sử dụng nhiều lao động nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, lao động là người dân tộc thiểu số… nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Với những giải pháp thiết thực, cụ thể và cách làm phù hợp, tin rằng công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tích cực hơn, bền vững hơn, mức sống của người dân ngày càng được cải thiện, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


Tác giả: Minh Huệ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 81
Hôm qua : 7.759
Tháng 04 : 134.194
Năm 2024 : 805.784
Tổng số : 82.271.877