A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu thực hiện hiệu quả công tác tín dụng chính sách xã hội

(laichau.gov.vn)

Thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội luôn được cấp ủy, chính quyền tỉnh Lai Châu quan tâm chỉ đạo. Với mục tiêu thực hiện tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hoạt động tín dụng đã thực sự góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định an sinh xã hội tại địa phương.

Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có 4/8 huyện, thành phố là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; 696 thôn, bản đặc biệt khó khăn, 23 xã biên giới thuộc các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn. Dân số toàn tỉnh có khoảng 456.000 người với 20 dân tộc cùng sinh sống.

Người dân xã Mường Mô (huyện Nậm Nhùn) tham gia các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH Chi nhánh huyện giao dịch tại UBND xã. (Ảnh: Ngọc Duy)

 

Nhằm nâng cao đời sống người dân, ngoài sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước về xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống; cấp ủy, chính quyền tỉnh Lai Châu luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tốt hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, trong đó vốn tập trung cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. 

Theo báo cáo của tỉnh, trong giai đoạn 2015-2019, doanh số cho vay Chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo đạt 81.967 triệu đồng, với 1.805 lượt hộ vay vốn; doanh số thu nợ đạt 15.282 triệu đồng, với 298 hộ vay trả nợ. Tính đến ngày 31/12/2019, dư nợ cho vay theo Chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo đạt 66.686 triệu đồng, với 1.507 hộ vay còn dư nợ. Dư nợ cho vay hộ mới thoát nghèo bình quân một xã đạt trên 617 triệu đồng/xã.

Từ nguồn vốn được vay, các hộ đã đầu tư vào chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, ngựa..) với trên 1.639 con, chăn nuôi lợn trên 5.000 con, đào ao nuôi trồng 30 ha thủy sản; trồng rừng, trồng cây ăn quả 12 ha; sản xuất rau, trồng hoa ứng dụng công nghệ có giá trị kinh tế cao 5 ha... Qua đó, đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho trên 1.805 lượt hộ mới thoát nghèo, giúp người dân tự tin, mạnh dạn vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, đồng thời từng bước tiếp cận với kinh tế thị trường.

 

Việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số giúp cải thiện đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

 

Để vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả, tỉnh đã chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp và các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác cùng kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách theo định kỳ và đột xuất; đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước đến tận tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng, thông suốt, công khai, dân chủ theo phương châm “dân biết, dân làm, dân kiểm tra”, tạo ra hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội to lớn; chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp và các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nội dung tuyên truyền chủ yếu về các chương trình tín dụng chính sách xã hội nói chung, chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo nói riêng...

Có thể thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã thực sự đem lại kết quả thiết thực đến với các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác; diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều thay đổi. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 là 36,3 triệu đồng/người/năm, tăng 28,8 triệu đồng/người so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm trung bình hàng năm từ 3-4%, có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 35 xã… Những kết quả này đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; củng cố, tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị với các cấp có thẩm quyền ban hành Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về cho vay và tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo khi hết thời hạn quy định (31/12/2020) để người dân có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng chính sách, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững; cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa là 05 năm. Đồng thời, mở rộng cho vay đối với người lao động là thành viên của hộ mới thoát nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và bổ sung thêm nguồn vốn cho vay đối với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu để nâng mức đầu tư cho vay theo nhu cầu và dự án của hộ mới thoát nghèo…


Tác giả: Phạm Dung
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 7.634
Hôm qua : 8.173
Tháng 04 : 112.361
Năm 2024 : 783.951
Tổng số : 82.250.044