• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nậm Xe triển khai Dự án mô hình trồng cây sa nhân tím

(laichau.gov.vn)
Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ⁄TU, ngày 09⁄9⁄2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh các xã biên giới năm 2018, xã Nậm Xe đã triển khai Dự án mô hình trồng cây sa nhân tím nhằm nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân vùng biên giới.

Người dân bản Van Hồ 1 chăm sóc cây sa nhân.

Sa nhân tím là cây dược liệu quý ưa sống dưới tán rừng, là cây chịu bóng, sống dưới ánh sáng tán xạ, dưới tán rừng có độ tán che 0,5 - 0,6 %, cường độ ánh sáng tốt nhất là 50%, dưới ánh sáng trực xạ cây sinh trưởng kém, lá bị vàng úa. Sa nhân tím có biên độ sinh thái rộng, nên có thể trồng được ở nhiều nơi, từ vùng núi có độ cao 800 mét xuống đến vùng trung du và thậm chí cả ở đồng bằng. Tuy nhiên, nơi trồng thích hợp nhất vẫn là ở miền núi. Nhiệt độ bình quân năm 22 - 280c, lượng mưa hàng năm trên 1.800 mm và độ ẩm không khí trên 80% các khoảng đất ven rừng ẩm. Sau 2- 3 năm thì bắt đầu cho thu hoạch, nếu chăm sóc tốt, ánh sáng tán xạ phù hợp có thể cho thu hoạch sớm hơn.

Mặt khác, đây là loại cây có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người trồng, sa nhân tím có giá trung bình từ 110 – 220 nghìn đồng/kg. So với cây thảo quả, trồng sa nhân tím có lợi thế hơn bởi có thể trồng đất rừng gần nhà, dễ chăm sóc, quản lý cũng như vận chuyển sản phẩm, đồng thời giá cả cũng tương đối ổn định. Cây sa nhân tím có thể trồng từ 7 – 8 năm mới phải phá đi trồng lại. Không chỉ vậy, việc trồng sa nhân tím dưới tán lá rừng tạo cho thảm thực vật đa dạng và phong phú, góp phần bảo vệ và phát triển rừng, ngăn chặn hạn chế xói mòn rửa trôi đất, nhằm phục vụ cho sản xuất đất nông nghiệp và đời sống không tranh chấp với loài cây trồng khác mà chỉ tận dụng đất dưới tán rừng để tăng nguồn thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Nhận thấy cây sa nhân là loại cây đa lợi ích lại phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, nhất là những năm qua, nhờ làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ và mở rộng diện tích rừng hiện có, kết hợp chi trả dịch vụ môi trường rừng, nên với diện tích đất rừng hiện có là 6.269,78 ha chính là lợi thế để phát triển các loại lâm sản dưới tán rừng. Tháng 8/2018 xã Nậm Xe đã triển khai mô hình trồng cây sa nhân tím với sự tham gia của 129 hộ dân ở các bản: Nậm Xe, bản Mỏ, Co Muông, Van Hồ 1, Van Hồ 2 trên diện tích 30ha. Khi tham gia dự án, người dân được hỗ trợ trực tiếp bằng hiện vật kinh phí 100 % mua cây giống và phân bón. Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, người dân sẽ được cán bộ kỹ thuật trực tiếp hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật làm đất, kỹ thuật trồng, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh hại trên cây sa nhân tím. Các hộ tham gia dự án phải cam kết tuân thủ theo hướng dẫn và quy trình kỹ thuật đề ra; chủ động nguồn đối ứng tham gia thực hiện dự án như: đất đai, công lao động, phân chuồng… để thực hiện trồng, chăm sóc cây sa nhân mới trồng.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây sa nhân tím của một số hộ dân, anh Sùng A Cáng – Trưởng bản Van Hồ 1 chia sẻ: Trước đây tận dụng diện tích đất rừng xung quanh nhà, bà con thường trồng ngô, đậu tương, dưa leo và rau xanh lấy thực phẩm ăn hàng ngày. Nay bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây sa tím vào thay thế những cây trồng quen thuộc đã mang lại hiệu quả gấp nhiều lần. Đến nay bản Van Hồ 1 trồng khoảng hơn 20ha sa nhân.

Bén duyên với cây sa nhân tím trong một lần tình cờ về thăm người thân ở huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai, anh Chẻo Diếu Thim, bản Van Hồ 1 trở thành người đầu tiên đưa cây sa nhân tím đến với vùng đất Nậm Xe. Anh Thim chia sẻ: Năm 2014, nghe người họ hàng giới thiệu, tôi đã mạnh dạn mua 100 cây giống với giá 3 nghìn đồng/cây về trồng. Buổi đầu xuống giống gặp thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao khiến cây sa nhân tím bị chết gần hết. Tôi tiếp tục đi mua 500 cây về trồng. Qúa trình vận chuyển, chăm sóc làm theo lời tư vấn, hướng dẫn của người bán, nhờ đó tỷ lệ cây sống đạt 100%. Hàng năm vợ chồng tôi đều tỉa trồng dặm vì vậy diện tích sa nhân tím không ngừng tăng lên. Năm 2015 cây sa nhân tím bắt đầu bói quả. Đến năm 2017 vợ chồng tôi thu hoạch được 4,7 tạ bán lãi 105 triệu đồng, năm 2018 bán 8,7 tạ thu về 113 triệu đồng. 

Hiện 30 ha cây sa nhân được trồng từ tháng 8/2018 trên địa bàn xã Nậm Xe đang ở thời kỳ kiến thiết cơ bản của cây, cây sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống cao, tán vươn đều ra các hướng xung quanh mặt đất, số thân mang rễ nổi trên mặt đất nhiều để tạo tiền đề cho ra nhiều hoa, hình thành năng suất cao sau này.

Thời kỳ kinh doanh khi cây sinh trưởng phát triển tỷ lệ hoa đậu qủa cao, số quả nhiều sau 2-3 năm trồng, chăm sóc. Dự kiến thu nhập tăng thêm của hộ gia đình tham gia dự án sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư bao gồm giống, công chăm sóc, vật tư phân bón tính từ thời kỳ kiến thiết cơ bản đến thời kỳ kinh doanh cho quả ổn định trong 5 năm (từ năm 2018 đến năm 2022) ước đạt trên 521 nghìn đồng/hộ/tháng.

Như vậy thông qua dự án, chuyển giao các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, phù hợp với điều kiện địa phương và mở ra triển vọng mới, hứa hẹn người dân xã Nậm Xe sẽ được hưởng lợi ích kép từ rừng, từng bước góp phần xây dựng vùng sản xuất cây sa nhân tím tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, xóa đói, giảm nghèo cho người dân trên địa bàn vùng biên. Hy vọng đây sẽ là cây giúp người dân cải thiện đời sống và sẽ được nhân rộng ra những địa bàn khác có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp. 

Thu Huyền


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.879
Hôm qua : 9.410
Tháng 04 : 198.119
Năm 2024 : 869.709
Tổng số : 82.335.802