A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”

(laichau.gov.vn)

Giai đoạn 2016 - 2020, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh được triển khai sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Nhân dân góp sức làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Để triển khai có hiệu quả phong trào thi đua giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp hướng dẫn, tuyên truyền, phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” tới cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn. Hàng năm, các Sở, Ban ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai, hướng dẫn tới các tập thể, cá nhân xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” phù hợp với tình hình thực tế, gắn với nhiệm vụ của đơn vị, địa phương trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức về quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với công tác dân vận trong tình hình mới, khơi dậy ý chí chủ động, tích cực lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo của người dân.

Sau 5 năm triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã dần đi vào cuộc sống và lan tỏa rộng khắp trên các lĩnh vực. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung hướng về cơ sở vận động Nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội như sản xuất kinh doanh giỏi và làm giàu chính đáng, giảm nghèo bền vững… Qua thực hiện đã xuất hiện nhiều điển hình “Dân vận khéo” trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế chuyên canh, trang trại, hợp tác xã... Điển hình như mô hình nuôi lợn thương phẩm của Nhân dân bản Hưng Bình xã Bình Lư, bản 46 xã Sơn Bình, bản Đông Phong xã Thèn Sin (huyện Tam Đường); mô hình trồng cam, mắc ca tại xã Bản Giang, Bản Hon, Thèn Sin huyện Tam Đường. Đặc biệt đã xuất hiện nhiều gương điển hình, tiên tiến, dám nghĩ, dám làm, tích cực tuyên truyền giúp đỡ người dân địa phương biết cách làm ăn, ổn định cuộc sống điển hình như ông Giàng A Cháng, bản Háng Là, xã Tả Lèng; ông Ma A Chừ, bản Sáy San 3, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường… 

Các cấp, các ngành trong tỉnh cũng đã vận động Nhân dân đóng góp ngày công lao động, hiến đất, giải phóng mặt bằng để các công trình, dự án triển khai kịp tiến độ nhất là trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Điển hình như mô hình góp đất trồng cây cao su; góp công, góp tiền mở đường giao thông ra khu sản xuất; xây dựng nông thôn mới ở xã Hoang Thèn, Lản Nhì Thàng (huyện Phong Thổ); mô hình tuyên truyền vận động Nhân dân hiến đất xây dựng nông thôn mới ở xã Tung Qua Lìn, Pa Vây Sử, Huổi Luông, Sin Suối Hồ, Nậm Xe, Pa Vây Sử (huyện Phong Thổ)… 

5 năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã vận động Nhân dân hiến trên 914.000m2 đất phục vụ cho việc làm đường giao thông nông thôn; đóng góp trên 64.000 ngày công và 2.881 triệu đồng cho Chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, đến nay, bình quân xã đạt các tiêu chí theo bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới toàn tỉnh 14,42 tiêu chí/xã; số xã đạt 19 tiêu chí là 35 xã; đồng thời, giảm số xã, thôn bản đặc biệt khó khăn từ 66 xã, 696 thôn bản đặc biệt khó khăn (năm 2016), xuống còn 60 xã, 627 thôn, bản đặc biệt khó khăn (năm 2019), đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn địa phương, đời sống của Nhân dân từng bước được cải thiện. Trong giai đoạn 2016 - 2019, toàn tỉnh đã giảm 15.920 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm 20,28%, trung bình mỗi năm giảm 5,07%.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh cũng được các cấp, các ngành trong tỉnh tập trung đẩy mạnh. Công tác tuyên truyền, nắm chắc tình hình Nhân dân, kịp thời đề xuất, xử lý có hiệu quả các vụ, việc phức tạp ở cơ sở, xây dựng lực lượng nòng cốt tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới. Với cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, đã có 203 tập thể, cá nhân 219 và nhiều mô hình tiêu biểu trong lĩnh vực này như mô hình của hội viên Vàng A Lùng dân tộc Mông thuộc chi hội Sểnh Sảng A, Hội Nông dân xã Dào San, huyện Phong Thổ đã tổ chức thành lập tổ an ninh tự quản.

Hay như mô hình “Bảo vệ đường biên mốc giới” của Tổ dân vận Sàng Sang - xã Mù Sang huyện Phong Thổ. Từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tham gia bảo vệ an ninh chính trị, đảm bảo trật tự xã hội, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội của Nhân dân. Góp phần xây dựng khu dân cư, thôn bản bình yên, không mắc tệ nạn xã hội; đảm bảo an toàn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Nâng cao nhận thức cho Nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vận động Nhân dân thực hiện tốt công tác quốc phòng toàn dân, từ đó giúp Nhân dân thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với công tác quốc phòng - an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Đây chỉ là 2 trong nhiều lĩnh vực của phong trào thi đua "Dân vận khéo" sau 5 năm phát động, triển khai thực hiện mà đến nay phong trào thi đua đã lan tỏa rộng khắp trong toàn tỉnh và trở thành động lực tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực đời sống xã hội. Thông qua việc xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các mô hình “Dân vận khéo” đã đem lại những hiệu quả thiết thực, thể hiện được sự năng động, sáng tạo trong công tác vận động Nhân dân của những cán bộ làm công tác dân vận trong hệ thống chính trị trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vững mạnh ngay từ cơ sở.

Để phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thời gian tới, cấp uỷ, chính quyền các cấp tiếp tục gắn phong trào với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, chương trình xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua yêu nước trong hệ thống chính trị. Đặc biệt là tăng cường triển khai phong trào trên mọi lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức thực hiện mô hình “Dân vận khéo”, quan tâm tập trung chỉ đạo có địa chỉ, nội dung, mục tiêu cụ thể. Tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận; thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm và nhân rộng những mô hình, điển hình có hiệu quả...

Với những giải pháp cụ thể, thiết thực đề ra, tin rằng phong trào thi đua "Dân vận khéo" sẽ tiếp tục lan toả trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương. 


Tác giả: Quỳnh Trang
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.889
Hôm qua : 6.984
Tháng 01 : 22.030
Năm 2025 : 22.030
Tổng số : 83.978.963