Mường Tè nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả
Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và ý nghĩa, cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Mường Tè nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.
Một trong những mô hình tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác ở huyện Mường Tè phải kể đến mô hình “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Hà Nhì” của Đảng ủy xã Ka Lăng. Trước nguy cơ mai một từ nhiều luồng văn hóa ngoại lai, năm 2022 xã Ka Lăng thành lập Câu lạc bộ dân ca, dân vũ dân tộc Hà Nhì nhằm mang đến các điệu múa, bài hát truyền thống của người Hà Nhì tới người dân trong và ngoài tỉnh vào dịp lễ, tết hay các sự kiện quan trọng của đất nước.
Ngược dòng sông Đà, chúng tôi có dịp thăm bản Mé Gióng khi đội văn nghệ của bản đang hăng say tập luyện bài múa xòe vòng. Điều thú vị của bài này là không quy định số lượng người tham gia, mỗi khi tiếng trống vang lên, mọi người tham gia co 2 tay chụm lên trước, 2 chân hơi nhún. Khi người cầm chiêng múa tả cảnh úp bắt cá thì những người khác lại đứng thành một vòng, vung tay, bước chân theo nhịp trống và di chuyển vòng từ trái qua phải và ngược lại.
Sau một hồi khá lâu, bài múa xoè vòng kết thúc, lúc này chúng tôi may mắn được gặp gỡ, trò chuyện với anh Mạ Lý Phạ - Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca, dân vũ xã Ka Lăng. Anh Phạ là một trong những người có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Hà Nhì được các cấp ghi nhận và biểu dương.
Anh Phạ tâm sự: “Kho tàng văn hoá của dân tộc Hà Nhì rất phong phú. Những người con của Hà Nhì luôn mang những làn điệu dân ca, dân vũ của các thế hệ cha ông để lại biểu diễn ở nhiều nơi, thu hút đông đảo người xem. Tôi tự hào lắm mỗi khi có cơ hội chúng tôi được giao lưu, quảng bá bài múa, bài hát của dân tộc mình đến mọi miền Tổ quốc. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc lưu giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Hà Nhì ở Mường Tè. Tạo nền tảng quan trọng để Mường Tè tiếp tục nhân rộng ra các địa phương, dân tộc khác trên địa bàn”.
Nói về việc học Bác của nhân dân xã Ka Lăng, đồng chí Phùng Xì Che - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Dân tộc Hà Nhì ở xã chiếm hơn 90%, mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng bà con nêu cao ý thức gìn giữ các làn điệu dân ca, dân vũ, trang phục truyền thống, tiếng nói của dân tộc. Để có được kết quả trên, người dân xã Ka Lăng học tập Bác luôn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc”.
Đối với nhân dân xã Thu Lũm, học Bác gắn với các phong trào thi đua yêu nước, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong phát triển kinh tế, người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển cây dược liệu. Đến nay, toàn xã trồng được trên 1.000ha cây dược liệu, các loại cây như: sâm Lai Châu, tam thất, thất diệp, thảo quả, đem lại hiệu quả cao. Cùng với đó, nhân dân đồng lòng chung sức xây dựng các công trình phúc lợi; thường xuyên vệ sinh môi trường, góp phần xây dựng diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đường ngõ bản sáng - xanh - sạch - đẹp. Năm 2021, Thu Lũm là xã biên giới đầu tiên của huyện về đích nông thôn mới.
Mường Tè - huyện biên giới còn nhiều khó khăn, giao thông đi lại hiểm trở, nhưng với sự quyết tâm vượt qua mọi gian khó học tập theo Bác, các thầy cô giáo nơi đây không quản ngại đường sá xa xôi, dù nắng hay mưa đều nỗ lực “gieo chữ”. Sự tận tâm, trách nhiệm của thầy, cô giúp con em các dân tộc được đến trường đầy đủ, đúng độ tuổi, chất lượng giáo dục được nâng lên. Đội ngũ cán bộ, y bác sỹ hết lòng vì dân, thường xuyên đi từng ngõ, gõ tận nhà tuyên truyền, vận động nhân dân xoá bỏ các hủ tục, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh, số người đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh ngày càng đông. Đặc biệt, các cấp uỷ đảng, chính quyền các xã, thị trấn thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; kịp thời thăm hỏi, động viên, giúp đỡ người có công với cách mạng, những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh trong cộng đồng. Từ đó, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
Học tập và làm theo Bác, các cấp ủy, tổ chức đảng ở huyện Mường Tè chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tổ chức học tập bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: lồng ghép vào nội dung sinh hoạt chính trị, chi bộ, chi hội, tổ hội của đoàn thể. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân thông qua hệ thống truyền thông, loa phát thanh, trang mạng xã hội... Hiện, huyện có gần 60 mô hình thuộc các lĩnh kinh tế, văn hoá - xã hội. Từ năm 2021 đến nay huyện có 52 tập thể, hơn 120 cá nhân và 36 hộ gia đình được các cấp tuyên dương về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đồng chí Lưu Hồng Phương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Tè cho biết: “Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn huyện cần tiếp tục xây dựng nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Đẩy mạnh việc phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương, nhân rộng các tấm gương, điển hình trong học và làm theo Bác, tạo sự lan tỏa trong huyện. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức học tập, tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc”.
Cập nhật ngày 16/9/2024