A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đậm đà vị chè Lai Châu

(laichau.gov.vn)
Lai Châu – Mảnh đất địa đầu Tổ quốc được thiên nhiên ưu đãi sản vật quý “vàng xanh” đó là cây chè. Thứ thức uống đặc trưng đang dần khẳng định thương hiệu ở thị trường trong và ngoài nước. Trong không khí rộn ràng của những ngày đầu xuân, gia đình đoàn tụ sum vầy, cùng nâng chén chè xanh đậm để thưởng thức thức uống tao nhã, mỗi người như cảm thấy thảnh thơi, trút mọi lo toan bộn bề, an nhiên chào năm mới.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với người dân trồng chè Lai Châu (Ảnh: tamduongtea.com.vn)

Không phải tự nhiên mà cả chục năm nay, cây chè được chọn là cây mũi nhọn của tỉnh Lai Châu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Về vị trí địa lý, Lai Châu nằm bên dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ với độ cao từ 700-1.200m so với mực nước biển, quanh năm được ban tặng nguồn nước tưới quý giá. Ngoài ra, chất đất màu mỡ, giàu dinh dưỡng và biên độ khí hậu chênh lệch giữa ngày và đêm lớn đã tạo thành thiên thời, địa lợi để cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, mang đậm hương vị núi rừng Tây Bắc. Người dân trồng chè chăm chỉ, chịu khó, ham học hỏi, có một vốn kinh nghiệm phong phú trong việc trồng và chăm sóc cây chè, họ lại được một đơn vị tiên phong trong ứng dụng sản xuất sản phẩm chè sạch, từng bước khẳng định thương hiệu chè của Lai Châu- Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường hướng dẫn, giúp đỡ và bao tiêu sản phẩm. Vì thế, hương chè Lai Châu đã và đang tiếp tục vươn xa hơn trên con đường chinh phục và mở rộng đối tượng khách hàng.

Hiện nay chè Lai Châu đang có 6 sản phẩm đưa ra thị trường và được đón nhận đó là: Bột trà xanh mát cha; Ô long xanh; Ô long đen; Kim tuyên; Đông phương mỹ nhân và Sen cha. Mỗi sản phẩm có một hương vị khác nhau dễ dàng quyến rũ người thưởng trà. Nếu Đông phương mỹ nhân với hương thơm dịu đặc trưng, vị ngọt đượm, ít chát, màu nước đỏ cam và có một cái tên không kém mỹ miều khác là Bạch hạc Ô long thì Mát cha lại được coi là “siêu thực phẩm” với nhiều tác dụng: Được dùng để làm đẹp, chăm sóc da mụn; giúp thải độc, giảm béo, giảm thiểu các triệu chứng tiền mãn kinh ở phụ nữ; giàu năng lượng và dinh dưỡng... vì thế Mát cha nhanh chóng được khách hàng đón nhận. Còn Ô long Tam Đường thì có màu nâu bóng, viên tròn chặt, hương thơm tự nhiên đặc biệt hấp dẫn, thoang thoảng mùi quả chín, mật ong hoặc mùi hoa ngọc lan... Mỗi loại trà là một mùi vị, một cách lên men theo tiêu chuẩn riêng để chinh phục người thưởng trà.

Văn hóa thưởng trà nổi tiếng nhất là trà đạo Nhật Bản và phải theo nguyên tắc Hòa - Kính - Thanh - Tịch. Để mời khách thưởng trà, chủ nhà phải chuẩn bị từ trước với nhiều công đoạn, phải cầu kỳ mà độc đáo, tinh tế - đó chính là nét văn hóa đặc trưng của người Nhật. Và nếu như nghi thức pha trà của Nhật Bản lễ nghi và phức tạp bao nhiêu thì văn hóa trà Việt Nam đơn giản bấy nhiêu. Không quá cầu kỳ, người Việt Nam có thể uống trà bất kì khi nào mà họ cảm thấy thích, dù vui vẻ hay buồn sầu. Người thưởng trà thường uống từ tốn như để thưởng cái hương vị hậu ngọt còn đọng lại miên man sau một ngụm trà đăng đắng chát. Thưởng trà, cũng là cách giúp con người ta giảm bớt áp lực cũng như căng thẳng trong công việc, cuộc sống thường ngày.

Là một người có thú uống trà, anh B - Một du khách từ Nam Định lên với Lai Châu chia sẻ: Tôi thích uống trà vào buổi sáng bởi vì đây là thời gian yên bình nhất trong một ngày của tôi, khi đó tôi thấy tinh thần sảng khoái và nó mang tới cho tôi nhiều ý tưởng mới, thú vị. Thậm chí có những lúc, tôi sẽ nghĩ về những điều mà tôi không bao giờ chia sẻ. Tôi mới chỉ ở mức độ thích trà nhưng tôi có một người bạn nghiện trà. Người bạn đó của tôi không thể dừng được cái thói quen pha một ấm trà và nhấm nháp vài ly mỗi sáng. Tôi nghĩ đó là thú vui của mỗi người, như bạn thích cà phê và tôi thích trà vậy. Trà Lai Châu hương thơm lâu, vị chát đặc trưng và ngọt hậu, dễ khiến con người ta mê và nhớ như nhớ một người con gái đẹp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo tỉnh Lai Châu thưởng trà, thưởng thức bánh quy làm từ trà xanh

của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường (Ảnh: tamduongtea.com.vn)

Đến Lai Châu, vào bất kỳ một nhà nào bạn cũng sẽ được chủ nhà mời thưởng thức một chén chè Lai Châu bởi chè cũng là món quà, là cách người Việt Nam thể hiện lòng hiếu đãi của mình khi có khách đến thăm. Bác Thưởng, một người dân có thâm niên trồng chè cả mấy chục năm ở thành phố Lai Châu bảo: Trồng chè rồi uống chè, như một thói quen không thể bỏ. Trước khi đi chăm chè hay hái chè cũng phải pha một ấm đặc rồi làm mấy chén. Đi đâu thì chè cũng là món quà được tôi mang đến để tặng, biếu để giới thiệu với mọi người.

Như một nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu, dù là nông thôn hay thành thị thì mỗi gia đình đều có trong nhà một bộ ấm trà. Tuy nhiên, ở Lai Châu cũng như nhiều vùng nông thôn trong cả nước, nhiều gia đình sử dụng bát để uống trà. Đây cũng chính là một điều thú vị khác trong văn hóa trà Việt. Thông thường, bát được dùng khi uống trà nấu bằng lá chè xanh, gần như chỉ người dân thôn quê mới uống loại trà này. Họ uống khi khát, mang theo khi lao động, thậm chí uống để giải cảm, chữa chứng đau bụng, đầy bụng. Kinh nghiệm của các bà, các mẹ là một nồi chè xanh buổi sớm với mấy lát gừng sẽ làm ấm người trong buổi sáng se lạnh...

Không cầu kỳ, phức tạp, văn hóa trà của người Việt nói chung, người Lai Châu nói riêng giản dị mà thấm nhuần hương vị của đất, cũng chính là thứ trà xanh tinh khiết, đẹp đẽ nhất. Vị trà đắng dần trở thành vị ngọt trong mỗi ngụm trà khi người uống thưởng thức. Và những ngày xuân, nhấp trên môi chén trà Lai Châu ngọt hậu, thơm nồng, ta như thêm gắn bó với mảnh đất còn khó nhưng đầy tình người. Hương chè lan tỏa trong một sáng mùa xuân, ngọt mãi, thơm mãi khiến chúng ta không thể rời xa./.

Nguyễn Chanh


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 355
Hôm qua : 7.177
Tháng 12 : 111.540
Năm 2024 : 2.421.790
Tổng số : 83.887.883