• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Độc đáo phong tục đón tết Nguyên đán của người Thái trắng Vàng Pheo

(laichau.gov.vn)

Bản Vàng Pheo (xã Mường So, huyện Phong Thổ) là cái nôi của đồng bào dân tộc Thái trắng. Trải qua nhiều năm phát triển, đồng bào nơi đây vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, nổi bật phải kể đến phong tục đón Tết cổ truyền độc đáo, mang nét riêng vùng Tây Bắc. Từ bao đời nay, phong tục đón Tết được đồng bào Thái trắng gìn giữ, trở thành nét văn hóa đặc sắc và góp phần xây đắp thêm tình đoàn kết làng bản.

Vui xuân, đón Tết bà con trong bản chơi các trò chơi dân tộc như: Tó má lẹ, én cáy, ném còn... 
(Ảnh tư liệu).

Khi những cánh đào rừng chúm chím bung nở trong nắng xuân cũng là lúc đồng bào dân tộc Thái trắng Vàng Pheo tạm gác công việc đồng áng để dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa chuẩn bị đón tết Nguyên đán theo phong tục cổ truyền của dân tộc. Những con lợn ngon được nuôi trước đó, những bông lúa nếp… là thành quả lao động của bà con sau những ngày lao động vất vả, được bà con lựa chọn và cất đi để dành làm thực phẩm chuẩn bị cho ngày Tết. Nét độc đáo là bà con vẫn giữ được tục đụng lợn để mỗi nhà có những phần thịt ngon cúng tất niên và làm bữa cơm tất niên chiều cuối năm. Nấu nướng xong, gia chủ mời tất cả họ hàng thân thích nội ngoại bản trên, mường dưới cùng đến chung vui bữa cơm trưa thân mật chiều 30 Tết. Điều này tạo nên không khí vui vẻ, ấm cúng, thắt chặt tình đoàn kết bản mường.

Ông Teo Văn Duyên – Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Vàng Pheo chia sẻ: Thời gian đón Tết của đồng bào Thái chúng tôi từ ngày 30/12 âm lịch đến hết ngày 5/1 âm lịch. Theo phong tục truyền thống, vào buổi chiều ngày cuối năm, tất cả già trẻ, trai gái trong bản sẽ đến bên dòng suối Nậm So, Nậm Lùm tắm gội sạch sẽ để gột rửa, xua đi ốm đau bệnh tật, những điều không may trong năm cũ, sẵn sàng chào đón năm mới…

Ngày 30 Tết, nhà nhà trang trí bàn thờ, chuẩn bị mâm cơm chay bày lên bàn thờ. Mâm cúng ngày 30 Tết của người Thái Vàng Pheo là mâm cơm chay bao gồm hoa quả, nước ngọt, bánh kẹo, 3 loại bánh (bánh bỏng, bánh giầy, bánh chưng gù) được làm từ gạo nếp, xôi nếp nương là những vật phẩm không thể thiếu trong mâm cơm chay cúng ngày 30 Tết. Tùy vào mỗi dòng họ mà việc cúng ngày 30 sẽ diễn ra vào buổi sáng hoặc buổi chiều ngày 30 Tết, như dòng họ Teo, họ Đèo sẽ cúng vào chiều ngày 30 Tết. Bày biện mâm lễ cúng xong, chủ gia đình thành kính thắp hương lên bàn thờ tổ tiên, rồi cắm hương xung quanh nhà, dán giấy bạc ở cửa chính, cửa phụ của ngôi nhà, bể nước, chuồng trâu, chuồng gà…với mong cầu 1 năm mới may mắn, gia đình khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, chăn nuôi thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ, tròn đầy…

Một trong những phong tục không thể thiếu vào đêm giao thừa của người Thái ở Vàng Pheo đó là tục lấy nước đêm giao thừa. Chị Mào Thị Niệm, bản Vàng Pheo, xã Mường So chia sẻ: “Vào thời khắc giao thừa, chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, chủ gia đình sẽ đi lấy nước mới ở giếng hoặc mó nước đầu nguồn gọi là “Nậm Cuôn Luống” để các thành viên trong gia đình rửa mặt. Số nước còn lại dùng để luộc cổ lợn gọi là “Tao thầu” cùng một con gà trống, sau đó mang cổ lợn, gà trống đã luộc và 2 bát rượu trắng, 2 bát nước chè đặt lên bàn thờ thắp hương cúng đêm giao thừa chào đón năm mới mời tổ tiên về cùng ăn Tết với con cháu trong nhà, cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu một năm mới mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, trâu bò đầy đàn, thóc lúa đầy bồ… Sau khi cúng giao thừa xong, chủ gia đình sẽ mừng tuổi cho các cụ già, trẻ nhỏ trong nhà với lời chúc cho cụ già sống lâu, con cháu mạnh khỏe, chăm ngoan…

Cùng với những phong tục ngày Tết thì người Thái ở Vàng Pheo cũng có một số kiêng kỵ đó là vào ngày mùng 1 Tết người phụ nữ không nên đến chúc Tết nhà người khác mà nên đi chúc Tết vào ngày mùng 2. Cũng như các dân tộc khác, từ ngày mùng 2 Tết người Thái ở Vàng Pheo có thể đi chúc Tết họ ngoại, chúc Tết họ hàng, anh em. Các ngày Tết còn lại bà con vui xuân với các trò chơi dân tộc như: Tó má lẹ, én cáy, ném còn… tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ. Ai có nhạc cụ dân tộc như tính tẩu, sáo, nhị thì đều mang đến để vừa ăn uống, chúc tụng nhau, vừa đàn hát cho nhau nghe, hòa mình vào các lời hát, điệu múa trên nền nhạc tính tẩu do chính các đội văn nghệ bản biểu diễn. Đây cũng là dịp để anh em, họ hàng bản trên, mường dưới đến thăm, chúc tụng nhau, quây quần cùng con cháu nâng chén rượu chúc cho cụ già sống lâu muôn tuổi, chúc cho trẻ nhỏ có thêm tuổi mới, mọi người mạnh khỏe, nhà nhà no ấm, bản mường yên vui… 

Nét độc đáo trong phong tục đón Tết của người Thái trắng đó chính là sự xuất hiện thường xuyên của nước chè trên bàn thờ tổ tiên. Gia đình nào cũng vậy, vào sáng sớm, chiều tối các ngày Tết đều phải đun nước nóng, pha chè và rót 2 bát nước chè đặt lên bàn thờ mời tổ tiên. Công việc này được duy trì đều đặn cho đến hết ngày 15/1 âm lịch.

Mỗi dân tộc có phong tục đón Tết Nguyên đán đặc trưng. Với đồng bào dân tộc Thái trắng bản Vàng Pheo cũng vậy. Phong tục đón Tết tạo nên những nét riêng, đặc trưng của mỗi một dân tộc, nó cần được giữ gìn và phát huy hơn nữa, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...


Tác giả: Thanh Hoa
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.922
Hôm qua : 8.151
Tháng 05 : 46.091
Năm 2025 : 794.880
Tổng số : 84.751.813