• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Than Uyên: Phát huy bản sắc văn hóa gắn với du lịch cộng đồng

(laichau.gov.vn)

Những năm qua, huyện Than Uyên đã và đang có nhiều giải pháp triển khai cách làm, mô hình hay nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn để thực hiện tốt Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Vịnh Pá Khôm, xã Pha Mu đẹp như bức tranh sơn thủy hữu tình. 

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 06/10/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với du lịch cộng đồng giai đoạn 2020-2025 và Nghị quyết số 141/NQ-HĐND ngày 18/12/2020 của HĐND huyện về phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025, thời gian qua huyện Than Uyên đã có nhiều giải pháp bảo tồn văn hóa các dân tộc gắn với du lịch cộng đồng.

Trong đó, Huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phối hợp Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông, Phòng Dân tộc tiếp tục thực hiện, nâng cao chất lượng, quy mô tổ chức các lễ hội như: Lễ hội Xòe chiêng, Lễ hội Lùng Tùng của dân tộc Thái gắn với phát triển du lịch, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, hội xòe giao lưu giữa các xã trong huyện và các bản trong xã trong các dịp Lễ, Tết hằng năm. Đặc biệt là tiến hành khảo sát, nghiên cứu, sưu tầm nghệ thuật ẩm thực của dân tộc Thái tại Khu 9, thị trấn Than Uyên; duy trì chế biến ẩm thực dân tộc phục vụ khách du lịch như: Ẩm thực dân tộc Khơ Mú tại bản Thẩm Phé, xã Mường Kim phục vụ khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên của bản và lòng hồ thủy điện, nhằm tạo thương hiệu riêng thu hút khách du lịch...

Sắc màu văn hóa, trang phục dân tộc được các thế hệ trẻ ưa chuộng.

Các cơ quan, đơn vị, UBND các xã cũng đã chủ động khảo sát, đánh giá thực trạng bảo tồn và phát triển nghệ thuật “dân ca, dân vũ” của các dân tộc: Thái, Khơ Mú, Mông, Dao để làm cơ sở lựa chọn nội dung, địa điểm hỗ trợ truyền dạy. Đồng thời, tổ chức truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian (dân ca, dân vũ, dân nhạc) gắn với phát triển đội văn nghệ quần chúng, các câu lạc bộ văn hóa dân gian như nghệ thuật “Hát then - Đàn tính” dân tộc Thái (xã Mường Cang, xã Hua Nà) và nghệ thuật dân vũ dân tộc Khơ Mú (bản Thẩm Phé, xã Mường Kim) gắn với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc phục vụ phát triển du lịch. Đặc biệt quan tâm đến công tác sưu tầm, phục dựng các mô hình kiến trúc nhà ở tại những điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu về hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như Nhà văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Than Uyên; không gian văn hóa dân tộc Thái tại trung tâm thị trấn Than Uyên, không gian văn hóa dân tộc Mông tại bản Nậm Pắt, xã Tà Mung, phục vụ cho việc sinh hoạt văn hóa và quảng bá hình ảnh văn hóa các dân tộc và con người Than Uyên đến với du khách.

Đến với Than Uyên du khách sẽ được trải nghiệm du lịch lòng hồ, bè nổi cùng tiếng sáo Mông lúc trầm lúc bổng.

Đến bản Thẩm Phé những ngày này có thể thấy rõ sự đổi thay, những con đường nội bản sạch sẽ, hai bên được trồng thêm những loại hoa, cây cảnh tạo cảnh quan và điểm nhấn. Để có được kết quả đó, lãnh đạo UBND xã Mường Kim cho biết: Xác định việc xây dựng bản xanh - sạch - đẹp, hướng tới phát triển du lịch nông thôn là một trong những việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị và cả mỗi người dân trong bản. Xã đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn, Ban Dân vận Huyện ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các đoàn thể chính trị xã hội vận động Nhân dân trong bản Thẩm Phé chỉnh trang đường nội bản, nhà cửa, sân ngõ, ao vườn xanh, sạch, đẹp; thu gom và xử lý rác thải theo quy định; san gạt mặt bằng tạo cảnh quan 1 điểm dừng chân ngắm cảnh; xây dựng các mô hình điểm về khu dân cư thực hiện quy ước, hương ước dân chủ trong xây dựng nông thôn mới “5 không, 3 sạch”. Đồng thời hỗ trợ xây dựng đội văn nghệ phục vụ khách du lịch với các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc của đồng bào dân tộc Khơ Mú tại bản Thẩm Phé; hướng dẫn các hộ gia đình trồng hoa, cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung để phục vụ du lịch…

Cùng với xã Mường Kim, xã Pha Mu cũng đã xác định được lợi thế vùng lòng hồ thủy điện Bản Chát phù hợp cho du lịch lòng hồ kết hợp du lịch cộng đồng. Đồng chí Hoàng Phi Hùng - Chủ tịch UBND xã Pha Mu cho biết: Với định hướng của huyện trong phát triển du lịch, xã thực hiện khảo sát các điểm du lịch có đặc trưng về văn hóa dân tộc gắn với du lịch trên địa bàn xã. Trong đó phát triển điểm du lịch có các sản phẩm đặc trưng về văn hoá dân tộc gắn với du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện, trải nghiệm đời sống sinh hoạt hàng ngày ngay tại bản. Thời gian gần đây, Pha Mu đã trở thành điểm du lịch độc đáo với sự kết hợp hài hòa giữa núi rừng, sông nước tạo cho du khách có thể thoải mái tận hưởng, hít hà bầu không khí trong lành khi đến với Pha Mu...

Trải nghiệm du lịch lòng hồ đang dần tạo được thương hiệu riêng thu hút khách du lịch ở Than Uyên.

Đến nay, hạ tầng cơ sở du lịch tại các điểm du lịch có gắn với việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc cơ bản đáp ứng được nhu cầu khách du lịch. Đã bước đầu hình thành một số điểm du lịch cộng đồng tại bản Huổi Bắc, xã Pha Mu; bản Thẩm Phé, xã Mường Kim; khu 9 thị trấn Than Uyên; đồng thời, duy trì tốt các hoạt động tại khu di tích lịch sử văn hóa bản Lướt, xã Mường Kim để phục vụ khách tham quan, tìm hiểu; các sản phẩm du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử…cũng đã bước đầu phát triển đem lại những triển vọng cho du lịch Than Uyên ngày càng khởi sắc.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân lồng ghép nguồn lực để phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với du lịch cộng đồng từ thôn bản, khu phố đến các hộ gia đình. Duy trì hoạt động 3 Câu lạc bộ Hát then - Đàn tính của xã Mường Cang (2 Câu lạc bộ) và xã Hua Nà (1 Câu lạc bộ); công nhận 2 Ban vận động Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân gian của 2 dân tộc Mông và Thái; thành lập Câu lạc bộ dân ca Thái trên địa bàn xã Pha Mu và xã Mường Mít; thành lập 23 câu lạc bộ bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc tại 23 trường; thường xuyên duy trì tổ chức các hoạt động ngoại khóa với nhiều hình thức phong phú nhằm giáo dục việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số cho cán bộ, giáo viên, nhất là thế hệ trẻ…

Có thể nói với những kết quả bước đầu trong thực hiện các Nghị quyết của huyện phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Than Uyên sẽ là tiền đề quan trọng để huyện tiếp tục có những bước đi vững chắc, phát huy tiềm năng sẵn có, tạo sản phẩn du lịch đặc trưng của địa phương, thu hút khách du lịch trong thời gian tới…


Tác giả: Nguyễn Nga
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.468
Hôm qua : 9.410
Tháng 04 : 198.708
Năm 2024 : 870.298
Tổng số : 82.336.391