• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính phủ cho ý kiến đối với 2 dự án Luật, 2 đề nghị xây dựng luật

(laichau.gov.vn)

Nghị quyết 118/NQ-CP nêu rõ: Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2024, Chính phủ đã cho ý kiến đối với: Đề nghị xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp; Đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); Dự án Luật Việc làm (sửa đổi); Dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Chính phủ cho ý kiến đối với 2 dự án Luật, 2 đề nghị xây dựng luật- Ảnh 1.
Chính phủ cho ý kiến đối với 2 dự án Luật, 2 đề nghị xây dựng luật

Cần thiết xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

Về Đề nghị xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp, Chính phủ đánh giá cao Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan lập Đề nghị xây dựng Luật, trình Chính phủ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thống nhất sự cần thiết xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng; quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, nâng cao hiệu quả công tác phòng thủ dân sự, phòng ngừa ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; khắc phục những bất cập từ thực tiễn phòng, chống dịch COVID-19 thời gian vừa qua, đồng thời luật hóa các quy định hiện hành về tình trạng khẩn cấp.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến các bộ, ngành, ý kiến của các thành viên Chính phủ; rà soát các luật có liên quan, bảo đảm khả thi, không chồng chéo, trùng lắp; hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật theo hướng:

- Chính sách 1: Tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng về khái niệm tình trạng khẩn cấp và tình trạng khẩn cấp trên không gian mạng, xác định rõ phạm vi điều chỉnh, mức độ, biện pháp, thời gian áp dụng trong tình trạng khẩn cấp; huy động nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ; sự tham gia của người dân và doanh nghiệp trong tình trạng khẩn cấp; xây dựng cơ chế chính sách, thủ tục thực hiện phải nhanh chóng, linh hoạt, sáng tạo; phân quyền, phân cấp tối đa gắn với phân bổ nguồn lực và có cơ chế giám sát thực hiện; bảo đảm phân định rõ thẩm quyền quyết định, áp dụng biện pháp đặc biệt của các chủ thể trong tình trạng khẩn cấp theo tính chất, mức độ khác nhau, bảo đảm tính kịp thời, khả thi, phù hợp thực tiễn.

- Chính sách 2: Về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, rà soát kỹ các quy định của pháp luật hiện hành, lựa chọn nội dung hợp lý để quy định, bảo đảm phù hợp, khả thi, thống nhất với hệ thống pháp luật; đề xuất rõ các giải pháp để có tiêu chí, mức độ hỗ trợ, cứu trợ gắn với thẩm quyền quyết định của từng cấp độ.

- Chính sách 3: Về bổ sung các biện pháp áp dụng trong tình huống đã ban bố phòng thủ dân sự cấp độ 3 nhưng thảm họa, sự cố có diễn biến phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mà chưa cần thiết ban bố tình trạng khẩn cấp: Không đề xuất chính sách này mà thống nhất thực hiện theo Luật Phòng thủ dân sự, Luật An ninh quốc gia và pháp luật có liên quan.

Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gửi Bộ Tư pháp; giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội (trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10).

Dự án luật việc làm: Mở rộng đối tượng hỗ trợ vay vốn, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Để hoàn thiện dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tổng kết, rà soát, đánh giá để bảo đảm nội dung dự án Luật có tính khả thi, xử lý triệt để những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định pháp luật về việc làm, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với pháp luật trong các lĩnh vực liên quan. Đặc biệt cần bám sát các chủ trương, định hướng, chiến lược của Đảng và Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực một cách linh hoạt, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, xu hướng phát triển trong nước và thế giới, nhất là trên môi trường mạng, công nghệ cao, thích ứng với tốc độ già hoá dân số của Việt Nam.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tổ chức hiệu quả hoạt động tham vấn, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động, các chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức ở cơ sở; đồng thời triển khai hoạt động truyền thông một cách phù hợp đối với các chính sách, nội dung mới, tác động tới số đông người lao động, doanh nghiệp... nhằm bảo đảm tính khả thi của dự án Luật và tạo sự đồng thuận của xã hội, người dân, tổ chức, cơ quan có liên quan và đối tượng chịu tác động trực tiếp của Luật.

Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Chính phủ để quy định cho phù hợp, bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý, tính khả thi của các quy định về đăng ký và quản lý lao động; hỗ trợ, tạo việc làm bền vững, thỏa đáng cho lao động không có quan hệ lao động; chính sách cho vay ưu đãi gắn với điều kiện, quy trình, thủ tục...; mở rộng đối tượng hỗ trợ vay vốn, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp...; mô hình Quỹ quốc gia về việc làm; quy định giới hạn thời gian làm việc của học sinh, sinh viên...

Nội dung dự thảo Luật phải bảo đảm phù hợp với các nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua; bảo đảm phân cấp, phân quyền tối đa trong quản lý nhà nước; đơn giản, hiện đại hóa thủ tục hành chính; thúc đẩy việc chuyển đổi số; không tạo cơ chế xin - cho; phòng, chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực lao động, việc làm, nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu của thị trường lao động...

Bổ sung cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm trong nghiên cứu khoa học

Về Đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), Chính phủ thống nhất đổi tên Luật là Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tập trung hoàn thiện các chính sách tại Đề nghị xây dựng Luật. Trong đó, nghiên cứu, đánh giá kỹ việc thi hành Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, xác định rõ các quy định còn phù hợp để kế thừa; các quy định không còn phù hợp với thực tiễn, yêu cầu quản lý nhà nước và phát triển hoạt động này trong điều kiện hiện nay; nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm phù hợp với đặc điểm về chính trị và điều kiện thực tế của Việt Nam, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, tính khả thi của các chính sách mới.

Nội dung của Đề nghị xây dựng Luật phải thể hiện rõ nguyên tắc, chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước giữa cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương về thẩm quyền cấp phép, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát... gắn với bảo đảm phân bổ nguồn lực, năng lực thực thi pháp luật cho các địa phương, cơ quan, tổ chức; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ phiền hà, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, giảm bớt chi phí tuân thủ; nghiêm túc đánh giá tác động về thủ tục hành chính theo quy định, đồng thời có phương án giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết, nhằm bảo đảm tính khả thi khi áp dụng trên thực tế và phòng, chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát các quy định của pháp luật có liên quan, đặc biệt là quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về thuế, về quản lý và sử dụng tài sản công, về quản lý và sử dụng các Quỹ về khoa học công nghệ, từ đó đề xuất cơ chế đặc thù, khơi thông về phương thức huy động, quản lý, thu hút nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước; về cơ chế chấp nhận đầu tư rủi ro, xử lý trách nhiệm rủi ro; về cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ nghiên cứu khoa học; về cơ chế hợp tác công tư trong nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ... khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện nay, thúc đẩy sự phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trường hợp có quy định đặc thù cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mà khác với quy định của pháp luật liên quan thì phải chỉ rõ đó là những quy định nào và đề xuất phương án xử lý tại Luật này hoặc tại các luật có liên quan.

Đồng thời, rà soát chính sách về phát triển nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, bổ sung cơ chế thu hút nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao, cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm trong nghiên cứu khoa học.

Khắc phục triệt để các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Điện lực năm 2004

Về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật; giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ và ý kiến tại Phiên họp Chính phủ để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật.

Trong đó Bộ Công Thương lưu ý thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển điện lực, xây dựng thị trường điện cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm an ninh cung cấp điện, an ninh quốc gia, đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ Nhân dân; khắc phục triệt để các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Điện lực năm 2004; phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm hình thành khung pháp lý đầy đủ, minh bạch, cụ thể để điều chỉnh hoạt động điện lực, yêu cầu phát triển điện lực hiện nay;

Hoàn thiện Báo cáo tổng kết thi hành Luật Điện lực năm 2004; xác định rõ các vấn đề bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành, nguyên nhân của các bất cập, vướng mắc để sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật này; tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn, các cá nhân, tổ chức có liên quan để hoàn thiện các chính sách, quy định cụ thể của dự thảo Luật; đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách, nội dung quan trọng của dự thảo Luật nhằm tạo sự đồng thuận cao của Nhân dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có liên quan và các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự án Luật;

Tiếp tục rà soát, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định của các luật có liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Biển Việt Nam, Luật Phòng thủ dân sự, Luật Thủy lợi... Trường hợp quy định các nội dung đặc thù về quy hoạch, cơ chế đầu tư, thủ tục đầu tư, phân cấp, phân quyền, thủ tục hành chính... khác với quy định của các luật hiện hành thì phải chỉ rõ đó là những quy định nào và đề xuất phương án xử lý tại Luật này hoặc các luật có liên quan. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế thúc đẩy đầu tư, xây dựng, khai thác các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; khuyến khích chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các nguồn nhiên liệu phát thải thấp trong sản xuất điện; chính sách chung về nhà máy điện hạt nhân an toàn; quy định cụ thể các cấp độ và yếu tố của thị trường điện cạnh tranh, giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; các quy định đặc thù về quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, đầu tư, xây dựng dự án, công trình điện lực khẩn cấp, điện gió ngoài khơi... phải dựa trên các cơ sở khoa học, hợp lý, có tính khả thi; chính sách của Nhà nước về đầu tư dự phòng chủ động điều tiết an toàn hệ thống điện; quy định cụ thể biện pháp bảo đảm an toàn trong sản xuất, phát, truyền tải, phân phối và sử dụng điện; xây dựng, quản lý, vận hành, chia sẻ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về điện lực...;

Hoàn thiện nội dung về quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt việc phát triển nguồn điện khuyến khích đầu tư từ tư nhân; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng nhằm phòng, chống các hành vi tham nhũng, tiêu cực, chấm dứt tình trạng “xin - cho” trong quản lý hoạt động điện lực, quy hoạch, đầu tư các dự án điện lực;

Về công trình lưới điện trong danh mục quy hoạch có cấp điện áp từ 220kV trở xuống, đi qua địa bàn 02 tỉnh trở lên: quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (nếu có)... của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có lưới điện đi qua; trách nhiệm của chủ đầu tư phù hợp với địa giới hành chính của tỉnh; bảo đảm phù hợp, đồng bộ với quy hoạch phát triển điện lực và thống nhất vị trí kết nối tại ranh giới các tỉnh; nhiệm vụ, vai trò điều phối của cơ quan trung ương (nếu cần thiết);

Về chính sách đối với điện gió ngoài khơi: rà soát, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, môi trường biển, lợi ích quốc gia, dân tộc, phù hợp với bối cảnh, điều kiện của Việt Nam từng thời kỳ; quy định về cơ chế đặc thù (sản lượng và thời hạn cam kết bao tiêu), phát triển điện gió ngoài khơi tại dự thảo Luật phải rõ trách nhiệm, thẩm quyền, bảo đảm nguyên tắc lập pháp của Quốc hội, giao Chính phủ quy định chi tiết, phù hợp với điều kiện của Việt Nam từng thời kỳ để chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo ban hành và triển khai thực hiện các chính sách thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài về phát triển điện gió ngoài khơi;

Về hạn chế tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài đối với điện gió ngoài khơi: rà soát, bảo đảm đồng bộ với quy định của Luật Đầu tư và các luật khác có liên quan về đầu tư, kinh doanh có điều kiện; không quy định cụ thể tỷ lệ cổ phần, vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong dự án điện gió ngoài khơi, Luật quy định nguyên tắc chung, giao Chính phủ quy định cụ thể phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong từng thời kỳ;

Về chính sách đối với điện mặt trời mái nhà, điện gió quy mô nhỏ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, trụ sở cơ quan nhà nước, công trình công cộng: Không quy định trong Luật cơ chế bù trừ sản lượng điện dư phát lên hệ thống với sản lượng điện mua từ hệ thống nếu cơ chế này làm tăng áp lực lên hệ thống điện, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hệ thống điện hoặc tác động tiêu cực đến chính sách đầu tư phát triển các loại hình điện khác; nghiên cứu thêm giải pháp, phương án khác có ưu điểm hơn so với phương án bù trừ để quy định nguyên tắc trong dự thảo Luật, giao Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm phù hợp với mục tiêu phát triển và điều kiện hệ thống điện trong từng thời kỳ.

Cập nhật ngày 12/8/2024


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.522
Hôm qua : 6.532
Tháng 08 : 84.165
Năm 2024 : 1.694.111
Tổng số : 83.160.204