Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Lai Châu
Chiều nay (6/8), Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, giai đoạn 2016 - 2023.
Cùng đi trong Đoàn còn có: Đồng chí Cao Thị Xuân - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Trưởng đoàn và các đồng chí thành viên trong Đoàn.
Về phía tỉnh Lai Châu có Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Lương; đồng chí Hoàng Quốc Khánh - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các sở, ngành liên quan.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Lương nhấn mạnh: Cuộc giám sát có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh Lai Châu, địa phương có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, trong đó có 4 dân tộc rất ít người. Thông qua cuộc giám sát, tỉnh sẽ nhận thấy rõ nét hơn những kết quả mà tỉnh đã làm được để phát huy và khắc phục những tồn tại, hạn chế; đồng thời tỉnh cũng rất mong muốn các đồng chí trong Đoàn Giám sát sẽ hướng dẫn tỉnh thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới và kiến nghị với cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác cán bộ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ người dân tộc thiểu số.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ đã báo cáo với Đoàn công tác việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2023. Theo đó, trong những năm qua, UBND tỉnh, các địa phương, cơ quan, đơn vị luôn quan tâm, chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng cả về số lượng và chất lượng. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, quy định, đề án, chương trình, kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện toàn diện về công tác cán bộ đảm bảo rõ trách nhiệm, thẩm quyền, quy trình, mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch, trong đó có cán bộ người dân tộc thiểu số.
Quan tâm tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số; cử học sinh là con em người dân tộc thiểu số đi đào tạo theo hệ cử tuyển, sau khi tốt nghiệp đã bố trí vào các công việc phù hợp; làm tốt công tác tuyển dụng con em người dân tộc thiểu số, một số dân tộc đặc biệt ít người, đến nay đã có cán bộ ở cấp tỉnh, huyện, cấp xã. Các khâu trong công tác cán bộ được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, chặt chẽ. Quy hoạch cán bộ được thực hiện đồng bộ, khoa học, có chất lượng, cấp có thẩm quyền chỉ xem xét phê duyệt quy hoạch khi đảm bảo tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số. Tỉnh đã điều chỉnh, bổ sung các chế độ, chính sách hỗ trợ cán bộ đi học, chính sách thu hút cán bộ, trong đó có chính sách ưu tiên đào tạo văn hóa, chuyên môn đối với cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số, đặc biệt là 5 dân tộc rất ít người. Quan tâm bố trí, sắp xếp, lựa chọn bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển cán bộ người dân tộc thiểu số; kết hợp luân chuyển, điều động gắn với bố trí một số chức danh lãnh đạo không là người địa phương để đào tạo, rèn luyện cán bộ trong thực tiễn, nhất là ở cơ sở.
Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã bầu được 2.506/3.079 là người dân tộc thiểu số vào HĐND các cấp, chiếm 81,39%. Trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã bầu được 1.906/2.516 là người dân tộc thiểu số vào HĐND các cấp, chiếm 75,8%. Từ năm 2016 đến nay đã điều động, luân chuyển 47 người dân tộc thiểu số giữ chức vụ Bí thư, Phó Bí thư các Huyện ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; điều động, luân chuyển 51 người dân tộc thiểu số giữ chức vụ Bí thư, Phó Bí thư cấp xã, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã.
Từ năm 2016 đến năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 247 quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại trong đó bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 42 lượt công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, chiếm 17%. Các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố ban hành 3.629 quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại trong đó bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 664 lượt công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, chiếm 18,3%.
Tính đến ngày 31/12/2023, có 02/19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có Giám đốc là người dân tộc thiểu số; 08/19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có Phó Giám đốc là người dân tộc thiểu số; 17/19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có Trưởng phòng, Phó trưởng phòng và tương đương là người dân tộc thiểu số. 8/8 huyện, thành phố có lãnh đạo HĐND, UBND, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng là người dân tộc thiểu số. 104/106 xã, phường, thị trấn cán bộ chủ chốt là người dân tộc thiểu số. Tổng số lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh là 301 người, trong đó cán bộ người dân tộc thiểu số 43 người, chiếm 14,3%. Tổng số lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan quản lý Nhà nước cấp huyện là 288 người, trong đó cán bộ người dân tộc thiểu số 95 người, chiếm 33%. Tổng số lãnh đạo, quản lý tại cấp xã là 502 người, trong đó cán bộ người dân tộc thiểu số 385 người, chiếm 76,7%.
Thảo luận tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành tham dự đã phát biểu làm rõ thêm những kết quả được, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, giai đoạn 2016 - 2023 và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Đoàn công tác như: Có chính sách tuyển dụng ưu tiên đối với con em người dân tộc thiểu số; tinh giản biên chế tính đến yếu tố đặc thù đối với một tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn; có nguồn kinh phí trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ dân tộc thiểu số…
Giải đáp một số đề xuất, kiến nghị của địa phương, các đồng chí trong Đoàn công tác cũng đã đề nghị làm rõ thêm những kết quả cụ thể trong công tác triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số như: Cung cấp số liệu cụ thể của 5 dân tộc thiểu số đặc thù được cử đi đào tạo, số lượng được tuyển dụng vào làm việc; cơ cấu dân tộc thiểu số trong quy hoạch; số cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số được đi đào tạo bồi dưỡng ở nước ngoài; làm rõ khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp trong công tác cử tuyển đối với con em người dân tộc thiểu số; rà soát lại toàn bộ các chính sách liên quan đến công tác cán bộ, công tác người dân tộc thiểu số đề xuất với Đoàn công tác để đề nghị sửa đổi bổ sung. Đồng thời định hướng, đề xuất giải pháp để tỉnh triển khai các chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đã đánh giá cao công tác chuẩn bị của tỉnh Lai Châu, nhất là kịp thời cập nhật các vấn đề theo yêu cầu của Đoàn đầy đủ, sát thực và đạt yêu cầu. Ghi nhận những cố gắng của tỉnh Lai Châu trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, giai đoạn 2016 - 2023; đặc biệt là tỉnh Lai Châu đã rất quan tâm đến công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; ban hành nhiều nghị quyết, quyết định để triển khai thực hiện các chính sách về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; tỷ lệ cán bộ các cấp và tỷ lệ lãnh đạo, cán bộ công chức đạt tỷ lệ tương đối tốt so với các địa phương khác trong cả nước… Chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại, ghi nhận những kiến nghị tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị Sở Nội vụ tiếp tục rà soát, đánh giá lại toàn bộ thực trạng về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, từ đó xây dựng đề án về công tác quy hoạch đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số làm cơ sở để triển khai thực hiện tốt hơn nữa các chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số trong giai đoạn tới.