A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Khai mở những thị trường xuất khẩu mới

(laichau.gov.vn)

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá đã đạt con số kỷ lục 786 tỷ USD trong năm 2024 và dự báo sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Để làm được điều này, việc khai mở các thị trường xuất khẩu mới là yêu cầu bắt buộc.

Tiếp tục khơi mở các thị trường mới cho hàng Việt.
Tiếp tục khơi mở các thị trường mới cho hàng Việt.

Hàng Việt chinh phục thị trường thế giới

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023; nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%; xuất siêu đạt 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May mặc Dony nhận định, ngoài những tín hiệu khách quan từ thị trường, yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng là tích cực hoạt động mở rộng thị trường. Cụ thể, hơn 20% tăng trưởng trong năm 2024 đến từ các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Đông và nội địa. Phần còn lại đến từ các thị trường mới khai phá như Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Nga…

Giống như ngành dệt may, rất nhiều doanh nghiệp của các ngành hàng khác đã hưởng lợi nhờ việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mang lại kết quả rất khả quan cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá.

Tính chung cả năm 2024, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%; nhập khẩu tăng 16,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê công bố ngày 6/1/2025, tính chung cả năm 2024, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%; nhập khẩu tăng 16,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD. Đây là kết quả rất ấn tượng trong hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam năm qua.

Đáng chú ý, bên cạnh các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) cho biết, bên cạnh các mặt hàng chủ lực như sầu riêng, thanh long… năm nay, mặt hàng chanh leo cũng là điểm sáng của ngành hàng rau quả khi không chỉ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chủ lực mà đang tăng mạnh xuất khẩu vào EU - một thị trường rất khó tính. Hiện chanh leo Việt chiếm gần 1/3 kim ngạch xuất khẩu vào EU, chủ yếu là chế biến cấp đông. Hay sản phẩm dừa tươi, dừa chế biến xuất khẩu cũng đạt kết quả khá cao tại thị trường Mỹ. Đây là tin vui cho rau quả Việt.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, thời gian qua,Việt Nam đã khai thác tương đối tốt những thị trường truyền thống, nhưng cũng có rủi ro là nếu như những thị trường đó không đi vào giai đoạn phát triển cao mà chúng ta phụ thuộc quá lớn vào những thị trường đó thì cũng có những rủi ro nhất định để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra. Cho nên một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải đi khai thác, mở những thị trường mới, đặc biệt ở những nơi có tiềm năng phát triển thời gian tới.

Chính vì vậy, trong năm 2024, đã có thêm 2 hiệp định thương mại tự do (FTA) mới ở khu vực Trung Đông được ký kết. Cụ thể là Hiệp định Việt Nam với UAE - nơi trung tâm của khu vực và có tiềm năng về vốn, dịch vụ logistics và cảng trung chuyển rất lớn, không chỉ ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi, thậm chí gắn kết với Ấn Độ và nhiều nơi khác. Do đó, chúng ta quyết tâm khai thông kết nối với “cửa ngõ” này để tận dụng nhưng tiềm năng kết nối giữa hai nền kinh tế.

Tiếp theo là FTA với Isarel cũng được đưa vào thực thi sau một thời gian dài đàm phán và chuẩn bị. Trong đó, khoa học-công nghệ là một trong những động lực rất quan trọng để tạo ra tăng trưởng kinh tế ở mức độ cao và dài hạn và Isarel được coi là một trong những câu chuyện thành công về mặt khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nơi có rất nhiều nguồn công nghệ kỹ năng để từ đó Việt Nam có thể học tập. Cho nên, mặc dù đây là thị trường về quy mô tương đối nhỏ về xuất khẩu nhưng cũng là thị trường rất tốt nếu gắn kết được với nền kinh tế này.

Tiếp tục khai mở những thị trường mới

Theo ông Lương Hoàng Thái, thời gian qua, với những đối tác lớn, Việt Nam đã duy trì được quan hệ tốt với các đối tác. Đây là cơ sở phản ánh thương mại của chúng ta với những đối tác lớn đều có tăng trưởng tốt, có vị thế tương đối vững vàng trong chuỗi cung ứng. Với một số ngành tiềm năng phát triển trong tương lai, như: sản xuất điện tử, chip, bán dẫn… Việt Nam đang có mức tăng trưởng tương đối lớn.

Tuy nhiên, trên thế giới vẫn có những khu vực thị trường tiềm năng lớn mà sự hiện diện của hàng Việt Nam chưa nhiều. Đơn cử, ở khu vực Mỹ La tinh có những nền kinh tế rất lớn, như Brazil và nhiều nền kinh tế khác có mức tiêu dùng, thu nhập bình quân đầu người khá cao, như Urugoay, Argentina, Chile… Ở những thị trường này, trước đây, Việt Nam đã có một vài FTA nhưng số lượng còn ít. Cho nên, qua quá trình thực thi ban đầu cho thấy, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam sang thị trường Mỹ La tinh là rất lớn.

Khai mở những thị trường xuất khẩu mới ảnh 1
Xuất khẩu rau quả đến nhiều thị trường mới.

Đơn cử khi Việt Nam tham gia CPTPP thì tăng trường của Việt Nam sang Mexico luôn ở mức trên 20% và dư địa tăng trưởng rất lớn. Do đó, thông qua các chuyến công du của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Nhà nước ở khu vực này, Việt Nam đã có những kết nối và đưa ra đề xuất để có thể nghiên cứu, xây dựng hiệp định thương mại với khối Mercosur (gồm các nước Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay). Khi kết nối được với các đối tác này thông qua FTA, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc.

Về phía các doanh nghiệp, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam chia sẻ, thời gian tới, ngành da giày vẫn tập trung xuất khẩu sang những thị trường sẵn có và dễ tính như châu Phi, châu Á để có được tệp khách hàng phù hợp và tăng doanh thu. Sau đó từng bước ứng dụng tiêu chuẩn cao hơn như sản xuất xanh, sản phẩm xanh để chinh phục những thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ… Các doanh nghiệp cũng bước đầu tiếp cận các trang thương mại điện tử lớn như: Alibaba, Amazon… nhằm mở thêm kênh tiêu thụ. Hiện, một số doanh nghiệp lớn đã ký được hợp đồng đến giữa năm 2025. Đa dạng hoá thị trường là cách để doanh nghiệp bảo đảm giữ được kim ngạch xuất khẩu, đồng thời giảm bớt rủi ro trong hoạt động ngoại thương.

Cập nhật 10/1/2025


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.901
Hôm qua : 7.160
Tháng 01 : 60.712
Năm 2025 : 60.712
Tổng số : 84.017.645