Quản lý kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật
Bộ NN&PTNT vừa có văn bản đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm việc tăng cường công tác quản lý kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, bảo đảm vệ sinh thú y.
Nhằm khẩn trương khắc phục những tình trạng trên, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm quy định, trong đó ưu tiên, bố trí nguồn lực để tập trung triển khai ngay những nội dung sau:
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần kiện toàn, tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp. Đối với địa phương đã sáp nhập trạm quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện với các đơn vị khác thuộc Ủy ban nhân nhân cấp huyện: Khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y năm 2015, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về duy trì, kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định tại Điều 6 Luật Thú y.
Đặc biệt, khẩn trương thành lập lại Trạm Thú y cấp huyện thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với địa phương đang giữ ổn định hệ thống Trạm quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện trực thuộc Chi cục: Tiếp tục duy trì thực hệ thống tổ chức theo quy định tại Điều 6, Luật Thú y; Điều 4 và Điều 5 của Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y.
Xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo, tập huấn cho nhân viên thú y về công tác kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ phục vụ công tác quản lý và để đáp ứng yêu cầu của đề án vị trí việc làm.
Về công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện kiểm soát giết mổ (KSGM), các địa phương cần khẩn trương rà soát, sớm ban hành kế hoạch của địa phương và có lộ trình xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ (CSGM) động vật tập trung theo quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chị thị số 02/CT-TTg ngày 14/01/2023.
Rà soát, ban hành chính sách của địa phương để kêu gọi, khuyến khích đầu tư xây dựng CSGM tập trung; chỉ đạo các ban, sở, ngành phối hợp với UBND các cấp chịu trách nhiệm xây dựng lộ trình, chỉ đạo các cơ quan liên quan vận động và có giải pháp triệt để đưa các CSGM nhỏ lẻ, tự phát vào giết mổ tại CSGM tập trung; kiên quyết xử lý các CSGM không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Riêng đối với các tỉnh miền núi, vùng cao, do điều kiện địa lý, trước mắt triển khai thực hiện tại các thành phố, thị xã (là nơi tập trung dân cư) nhằm đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 trong công tác kiểm dịch động vật, quản lý KSGM động vật, sản phẩm động vật; xây dựng Hệ thống thông tin kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm qua việc tạo cơ sở dữ liệu các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ động vật và truy xuất nguồn gốc gia súc, gia cầm đưa vào giết mổ tại địa phương.
Tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ, sơ chế, chế biến nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ và thực hành tốt quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến.
Về nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất, cần ban hành chính sách đặc thù nhằm kêu gọi, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng dây chuyền giết mổ động vật treo, hiện đại; chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện chuyển đổi ngành nghề cho lực lượng lao động sau khi ngưng hoạt động cơ sở giết mổ thủ công.
Cần có những giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cụ thể của từng dự án nhằm nâng dần công suất giết mổ công nghiệp, đảm bảo các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp phải hoạt động đạt 80 - 100% công suất.
Bố trí nguồn kinh phí dự phòng để chi trả lương cho cán bộ thú y thực hiện nhiệm vụ KSGM trong trường hợp nguồn thu phí kiểm soát giết mổ bị thiếu hụt do thiên tai, dịch bệnh. Cần có cơ chế đặc thù cho ngành thú y được hợp đồng lao động để thực hiện công tác KSGM và chi trả tiền công, tiền lương cho lực lượng này từ nguồn thu phí, lệ phí.
Sở NN& PTNT các tỉnh hằng năm cần xây dựng các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trong chuỗi sản xuất thực phẩm có nguồn gốc động vật. Chủ động bố trí nguồn kinh phí của địa phương để thực hiện các chương trình giám sát an toàn thực phẩm đối với thịt, gia súc, gia cầm.
Bên cạnh đó cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về thú y, an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ động vật; xử lý triệt để theo quy định pháp luật đối với CSGM động vật tập trung không có Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y/an toàn thực phẩm và CSGM nhỏ lẻ không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm hành chính (nếu có) đối với các CSGM động vật trên địa bàn tỉnh, thành phố để đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Xây dựng quy chế phối hợp giữa chính quyền với lực lượng thú y, y tế, công an, quản lý thị trường… trong công tác quản lý CSGM; thường xuyên trao đổi thông tin và phối hợp kịp thời khi xử lý các vụ việc liên quan đến quản lý vận chuyển, giết mổ động vật, an toàn thực phẩm đối với thịt gia súc, gia cầm.
Cập nhật ngày 7/6/2023