• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết quả kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 – 2020: Bước tạo đà quan trọng cho giai đoạn phát triển tiếp theo

(laichau.gov.vn)

Kế thừa thành tựu sau hơn 10 năm chia tách, tái thành lập tỉnh, phát huy truyền thống đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo của các thế hệ đi trước, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII với quan điểm chỉ đạo, điều hành: Sáng tạo trong tư duy phát triển, lấy lợi ích của tỉnh, của nhân dân làm mục tiêu cao nhất. Với phương châm “Kỷ cương - trách nhiệm - đoàn kết - sáng tạo - phát triển bền vững”, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã đoàn kết, tranh thủ những thời cơ, thuận lợi, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, phấn đấu và đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, kinh tế tăng trưởng khá cao, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân các dân tộc từng bước được nâng cao, quốc phòng, an ninh được giữ vững, 11/11 chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020, có thể kể đến một số kết quả nổi bật như sau:

Chủ tịch UBND tỉnh cùng Đoàn công tác đi kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại huyện Mường Tè.

Kinh tế tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân ước đạt 11,55%/năm; GRDP bình quân đầu người dự ước đạt 40 triệu đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2015.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hàng năm đều đạt và vượt dự toán giao. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 ước đạt là 10.526 tỷ đồng, tăng 2,97 lần so với giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng bình quân hàng năm khoảng 21,6%.

Hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tổng sản lượng lương thực có hạt 220.000 tấn, đã mở rộng diện tích canh tác chè lên đến 7.775 ha; cây mắc ca 3.774 ha; cây quế 7.498 ha; cây ăn quả 6.200 ha... Chăm sóc gần 13.000 ha cây cao su, đưa trên 6.700 ha vào khai thác, sản lượng mủ khô ước đạt 16.600 tấn. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng được quan tâm thực hiện; tỷ lệ che phủ rừng đã đạt đến 50,5%.

Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, đạt kết quả. Cộng đồng thôn bản, nông dân phát huy vai trò là chủ thể, tích cực thực hiện chương trình, liên kết nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường khu dân cư, góp phần đẩy nhanh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp. Thành phố Lai Châu, huyện Tân Uyên được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và dự ước 39 xã (trên 40%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngành công nghiệp có mức tăng trưởng khá, giá trị tổng sản phẩm toàn ngành tăng bình quân 37,02%/năm; giá trị sản xuất năm 2020 đạt 6.028 tỷ đồng, tăng 4,8 lần so với năm 2015. Thu hút doanh nghiệp đầu tư khai thác tiềm năng thủy điện, quy hoạch trên 100 công trình thủy điện với công suất trên 3.500 MW, trong đó có 18 công trình hoàn thành phát điện với tổng công suất lắp máy trên 2.200 MW, đóng góp trên 50% nguồn thu ngân sách.

Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư phát triển. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 93,7% thôn, bản có đường ô tô hoặc xe máy đi lại thuận lợi; 100% xã, phường, thị trấn và 95,1% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, tăng 10,9 % so với năm 2015; 85,2% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 95,5% dân số đô thị được sử dụng nước đã qua xử lý. Tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố đạt 96,6%, tăng 12,3% so với năm 2015; 93,52% trạm y tế được xây dựng kiên cố...

Công tác giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực, khám chữa bệnh được nâng cao, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm đạt trên 98%, 90 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội luôn được quan tâm, đầu tư nguồn lực thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân 4,75%/năm, giảm 23,91% so với cuối năm 2015 (theo chuẩn nghèo đa chiều); 02 huyện Than Uyên và Tân Uyên được Chính phủ công nhận thoát nghèo giai đoạn 2018-2020.

Quốc phòng, an ninh được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; chính trị xã hội ổn định. Quan hệ đối ngoại giữa tỉnh Lai Châu với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các tỉnh Bắc Lào được tăng cường, đi vào chiều sâu; quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán được mở rộng.

Với những kết quả và bài học kinh nghiệm 5 năm qua đã tạo nền tảng vững chắc, cơ sở thực tiễn cho việc xác định mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ tới đây với quyết tâm cao hơn. Để tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, huy động mọi nguồn lực để xây dựng Lai Châu phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, tỉnh Lai Châu tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, kế thừa những thành tựu to lớn, vững chắc đã đạt được, phát huy truyền thống đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo của các thế hệ đi trước; tập trung triển khai toàn diện, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, các chính sách, chương trình, đề án trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV được thông qua, sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống.

Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng lập Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, để Lai Châu có chiến lược phát triển toàn diện, đồng bộ, bài bản; tiếp tục đổi mới hoàn thiện các chính sách để khơi thông, giải phóng nguồn lực phát triển, nâng cao năng lực quản lý của tỉnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo điều kiện thông thoáng để thu hút đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển. Tập trung hoàn thiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp.

Thứ ba, tập trung phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, trong đó trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên huyện, liên xã, vùng sản xuất tập trung. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải để đẩy nhanh tiến độ triển khai, sớm hoàn thành tuyến đường nối thành phố Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tạo động lực phát triển cho giai đoạn tiếp theo.

Thứ tư, tập trung phát triển du lịch, gắn với xây dựng nông thôn mới và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, mang đậm nét riêng của tỉnh, để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, bền vững. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, khai thác tối đa tiềm năng cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng; phát triển kinh tế biên mậu, tăng cường quảng bá, giới thiệu, xuất khẩu các mặt hàng của địa phương.

Thứ năm, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết của Đảng, chính sách, phát luật của Nhà nước, các định hướng phát triển của tỉnh đến người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, để đồng bào đồng sức, đồng lòng, quyết tâm thay đổi, tập trung phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống; kiên quyết đấu tranh chống lại các âm mưu, thủ đoạn diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, không ngừng củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển.


Tác giả: Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.084
Hôm qua : 6.608
Tháng 03 : 227.988
Năm 2024 : 658.823
Tổng số : 82.124.916