A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản
Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương:

Kiên quyết không để Covid-19 quay lại nước ta, tiến công mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội, phục hồi tăng trưởng

(laichau.gov.vn)

Hôm nay (2/7), tại Phiên họp trực tuyến với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt nhấn mạnh: Chúng ta phải kiên quyết không để Covid-19 quay lại nước ta, tiến công mạnh mẽ phát triển kinh tế, phục hồi tăng trưởng.

Dự Phiên họp này, tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Giàng Páo Mỷ - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh…

Đồng chí Giàng Páo Mỷ -  Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Trần Tiến Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Lai Châu.

Tại Phiên họp lần này, có nhiều nội dung được đưa ra bàn thảo như: Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết 42/NQ-CP, Nghị quyết 84/NQ-CP, Chỉ thị 11/CT-TTg; tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2020; tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và tình hình thực hiện nhiệm vụ; một số vướng mắc trong thực hiện chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh…

Nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại bối cảnh và tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh: Trong bối cảnh 6 tháng đầu năm nay xảy ra đại dịch Covid-19, gây ra sự sụt giảm kinh tế toàn cầu trên quy mô lớn nhất trong 150 năm qua. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm 5,2% trong năm nay. Kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều tác động với tốc độ tăng trưởng GDP quý II tăng 0,36%, 6 tháng đầu năm tăng 1,81%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua đối với nước ta nhưng so với khu vực và thế giới thì lại là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương. Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên thoát ra khỏi dịch bệnh, thiết lập trạng thái bình thường mới. Phiên họp lần này sẽ tập trung bàn giải pháp, kiên quyết không để Covid-19 quay lại nước ta, đồng thời tiến công mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, phục hồi tăng trưởng…

Theo báo cáo tại Phiên họp cho thấy: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hy sinh lợi ích kinh tế, đặt ưu tiên hàng đầu là phòng, chống và dập dịch. Đến nay thành công trong kiểm soát dịch Covid-19 đã tạo nền tảng vững chắc để phục hồi, phát triển kinh tế đất nước và đây là thời điểm để cả nước tập trung vào phát triển kinh tế. 6 tháng đầu năm, nước ta duy trì được mức tăng trưởng dương, kinh tế vĩ mô ổn định. Xuất siêu đạt mức 4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu khu vực trong nước đạt khá cao, lên đến 11,7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2020 theo giá hiện hành ước đạt 850,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 33% GDP. Kim ngạch hàng hoá xuất khẩu tháng 6/2020 ước đạt 21 tỷ USD, tăng 9,5% so với tháng trước. Tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 6/2020 tiếp tục có sự khởi sắc so với tháng 4, 5/2020. Trong tháng có 13.725 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 39.146 tỷ đồng, tăng 5,9% về số doanh nghiệp. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 6/2020 là 4.998 doanh nghiệp, tăng 133,9% so với cùng kỳ năm 2019…

Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ. Khu vực dịch vụ trong 6 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011-2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II/2020 giảm 5,8% so với quý trước; 6 tháng đầu năm ước giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019. Khách quốc tế đến nước ta ước đạt 3.744.500 lượt người, giảm 55,8% so với cùng kỳ. Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị cao nhất trong 10 năm trở lại đây, tỷ lệ thiếu việc làm tăng, thu nhập của người làm công hưởng lương trong quý II giảm...

Tại Phiên họp, các đại biểu dành nhiều thời gian đánh giá lại tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, đánh giá lại công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, xác định các nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế theo phương châm mới “Chống suy thoái kinh tế như chống giặc”; giải pháp phát huy dư địa tăng trưởng trong từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương; tình hình thực hiện và các giải pháp điều chỉnh các chính sách Nghị quyết số 42/NQ/CP đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả; đẩy mạnh thu hút, giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh: Tuy tăng trưởng thấp, nhưng trong bối cảnh quốc tế như vậy, chúng ta cần bình tĩnh, chủ động, vững tin trong nhận định, đánh giá tình hình, không chủ quan nhưng tuyệt đối không được bi quan. Đối với đất nước ta, mỗi khi gặp gian khó cũng chính là thời điểm để bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam và sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của dân tộc ta tỏa sáng. Đó là thời điểm “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, càng khó khăn, càng nỗ lực vượt khó vươn lên, càng nung nấu quyết tâm hơn.

Nhắc lại “mục tiêu kép”, không để dịch bệnh trở lại, xóa đi thành quả mà chúng ta đã phấn đấu, không vì kinh tế mà dễ dãi để dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của Nhân dân và phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo tăng trưởng, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, hợp tác, quyết tâm vượt lên khó khăn, sáng tạo, sát sao trong chỉ đạo điều hành.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, ngành, địa phương phải kiên quyết không để dịch bệnh quay lại, đây là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế bền vững. Các cấp, các ngành, địa phương phải đưa ra giải pháp không chỉ đáp ứng yêu cầu chống dịch, mà còn phải tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quản lý biên giới, quản lý chặt chẽ khách ra vào; ưu tiên các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo việc làm cho người dân; điều hành chính sách tài khoá tiền tệ hài hoà hơn, linh hoạt hơn, hiệu quả hơn; kiểm soát giá phải thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng; hỗ trợ hiệu quả cộng đồng doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế; có cơ chế, chính sách phù hợp để kích thích tăng trưởng nền kinh tế, trong đó đặc biệt quan tâm đến vai trò của cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chú trọng chính sách an sinh xã hội; thực hiện tốt phòng, chống tham nhũng lãng phí; tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ phải xem xét tình hình thế giới để mở cửa thế nào, mở cửa đến đâu; phát huy vai trò của quân đội, y tế, các lực lượng trong phòng, chống dịch; cần thông tin kịp thời, nhanh chóng, đầy đủ hơn nữa về tình hình dịch bệnh, đồng thời làm tốt công tác khen thưởng kịp thời. Chính phủ thành lập đoàn kiểm tra một số địa phương, đơn vị xem xét tiến độ triển khai giải ngân vốn đầu tư công; việc triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các địa phương. Tận dụng thời cơ, giải quyết vấn đề xuất khẩu, tháo gỡ những vướng mắc bất cập, không để thủ tục hành chính ảnh hưởng tới doanh nghiệp xuất khẩu. Các cấp, các ngành, các địa phương phấn đấu không giảm chỉ tiêu xuất khẩu, giữ cán cân thương mại. Các địa phương trong cả nước quan tâm phấn đấu đạt chuẩn trong xây dựng nông thôn mới, để người dân nông thôn được hưởng lợi từ chương trình này. Tăng cường biện pháp phòng, chống hạn hán, ngập mặn, phòng chống thiên tai, bão, lũ… 

"Chúng ta phải có niềm tin, quyết tâm làm việc vì Đảng, vì Nhân dân. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nói chủ trương 1, các đồng chí Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch của các địa phương phải có biện pháp 10. Phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý lợi ích nhóm. Chỉ còn 180 ngày nữa kết thúc năm, mỗi chúng ta phải hành động, hành động mạnh mẽ để đóng góp vào sự thành công của đất nước..." - Thủ tướng nhấn mạnh.


Tác giả: Đào Thuý
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 794
Hôm qua : 7.172
Tháng 04 : 121.129
Năm 2024 : 792.719
Tổng số : 82.258.812