A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu luôn lắng nghe và tiếp thu các ý kiến, cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư phát triển sản xuất (*)

(laichau.gov.vn)

Sáng nay (20/6), tại tỉnh Lai Châu đã diễn ra Hội thảo chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm miền núi phía Bắc gắn với chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Hội thảo được UBND tỉnh Lai Châu phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam tổ chức. Tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng đã có bài phát biểu khai mạc với nhiều nội dung quan trọng. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Lai Châu trân trọng giới thiệu bài phát biểu này. 

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng khai mạc Hội thảo.

- Thưa các quý vị đại biểu!

- Thưa ông Rémi Nono Womdim - Trưởng Đại diện tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam

- Thưa đồng chí Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng chí Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hôm nay, tôi rất vui mừng khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đại diện tổ chức FAO tại Việt Nam đã tạo điều kiện cho tỉnh Lai Châu được cùng quý cơ quan tổ chức Hội thảo rất quan trọng này, để có những đánh giá, giải pháp về Hệ thống lương thực thực phẩm khu vực miền núi phía Bắc, cũng là cơ hội để tỉnh Lai Châu gặp gỡ, chia sẻ, học hỏi trong phát triển sản xuất nông nghiệp của các tỉnh trong khu vực.

Thay mặt lãnh đạo Tỉnh, tôi xin gửi đến ông Rémi Nono Womdim - Trưởng Đại diện tổ chức FAO tại Việt Nam, quý lãnh đạo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Vụ Hợp tác quốc tế, các quý vị đại biểu lời chúc sức khỏe và lời chào trân trọng nhất. Xin trân trọng ghi nhận và cảm ơn những tình cảm quý báu của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ chức FAO tại Việt Nam, các Cục, Vụ, Viện nghiên cứu,… cùng toàn thể quý vị đại biểu có mặt trong Hội thảo hôm nay.

Thưa Hội thảo,

Lai Châu là tỉnh miền núi phía Bắc, với diện tích tự nhiên trên 906.870 ha, trong đó có trên 526.500 ha đất nông nghiệp, chiếm 58,06% diện tích tự nhiên của tỉnh. Địa hình chia cắt mạnh bởi dãy núi Hoàng Liên Sơn và hệ thống lưu vực sông Đà, tạo ra các tiểu vùng khí hậu đặc trưng; có lợi thế phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản, chất lượng cao như: Lúa gạo, chè, cây ăn quản ôn đới, cá nước lạnh, dược liệu....

Với xuất phát điểm thấp, việc sản xuất và tiêu thụ thực phẩm, khả năng tiếp cận thực phẩm dinh dưỡng và an toàn gặp rất nhiều khó khăn thách thức như: Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định; hiệu quả sử dụng đất đai, tài nguyên chưa cao; trong 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân nông thôn, việc tiêu thụ nông sản không ổn định, nhiều thời điểm bị ngừng trệ; giá vật tư nông nghiệp tăng cao ảnh hưởng đến việc đầu tư cho sản xuất.

Nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nông nghiệp nông thôn của tỉnh đã có nhiều khởi sắc: Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 4,38%; an ninh l­ương thực đ­ược đảm bảo, sản lượng lương thực bình quân đầu người 470 kg/người/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 44,4 triệu đồng/người/năm; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn như thuỷ lợi, giao thông, trư­ờng học, trạm y tế, các công trình nư­ớc sinh hoạt được quan tâm đầu tư; công tác thu hút, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đạt được một số kết quả khả quan, nhiều doanh nghiệp lớn đã đến Tỉnh nghiên cứu, khảo sát, đầu tư các dự án nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, chất lượng cao, hướng đến xuất khẩu,…

Thưa quý vị đại biểu,

Với quan điểm phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững về kinh tế - xã hội - môi trường. Phát huy lợi thế, hiệu quả các nguồn lực (tài nguyên đất, nước, không khí, con người, truyền thống lịch sử, văn hóa) và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường, tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường vào sản phẩm. Sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để đảm bảo an ninh lương thực đến năm 2030, tỉnh Lai Châu đã xác định mục tiêu cụ thể, đó là: Nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; giữ ổn định diện tích đất sản xuất lúa nước trên 20.300 ha; cung cấp đầy đủ, đa dạng và an toàn các loại thực phẩm như thịt, trứng, thủy sản, rau quả với chất lượng ngày càng cao; phát triển đàn trâu bò lên 117 nghìn con, đàn lợn 241 nghìn con, sản lượng thủy sản đạt trên 15 nghìn tấn/năm…; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân, ổn định xã hội, chính trị trong mọi tình huống…

Với tiềm năng về khí hậu, đất đai thổ nhưỡng thuận lợi, tỉnh Lai Châu đã ban hành Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đã xác định nhiều sản phẩm hàng hóa chủ lực có lợi thế cạnh tranh tham gia thị trường trong và ngoài nước như: Mắc ca, chè, cao su; các sản phẩm hàng hóa đặc sản: Lúa gạo, cây ăn quả, rau, hoa, chăn nuôi đại gia súc.… Nhiều chính sách hỗ phát triển sản xuất được ban hành: Nghị quyết số 12/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 quy định chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 quy định chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 quy định chính sách quy định chính sách về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025...

Để chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm miền núi phía Bắc gắn với chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, tại Hội thảo này cần có sự tham vấn trực tiếp từ các chuyên gia để đánh giá cụ thể các vấn đề, từ đó có các giải pháp phù hợp và hành động cụ thể trong việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, góp phần triển khai hiệu quả chiến lược Phát triển Nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Lai Châu với phương châm luôn lắng nghe và tiếp thu các ý kiến quý báu của quý vị đại biểu, khách quý và mong muốn hợp tác với các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.

Một lần nữa, xin cảm ơn sự hiện diện của quý vị. Kính chúc quý vị hạnh phúc, mạnh khỏe và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!

(*): Tiêu đề do Ban biên tập đặt.


Tác giả: Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 7.157
Hôm qua : 8.173
Tháng 04 : 111.884
Năm 2024 : 783.474
Tổng số : 82.249.567