• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Báo chí Lai Châu trong xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0

(laichau.gov.vn)

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực báo chí. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển của tỉnh trong tình hình mới, cần phải tiếp tục đẩy mạnh đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động báo chí địa phương.

Phóng viên các cơ quan báo chí trung ương và địa phương tác nghiệp tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự ủng hộ giúp đỡ của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, hoạt động báo chí Lai Châu có sự phát triển khá toàn diện. Hệ thống phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử và các ấn phẩm mang tính báo chí có sự phát triển cả về quy mô và chất lượng. Báo Lai Châu điện tử bước vào nâng cấp giai đoạn 3; tháng 9/2018, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã đưa sóng truyền hình (LTV) trên Vinasat. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ quan báo chí tiếp tục được quan tâm đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đội ngũ những người làm báo tiếp tục được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng có sự trưởng thành về mọi mặt, có phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từng bước được nâng lên, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát hiện nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, những điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, tạo được sự đồng thuận trong toàn Đảng bộ và trong xã hội, góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh hăng hái thi đua, vượt qua khó khăn thách thức, xây dựng Lai Châu phát triển toàn diện và bền vững.

Tuy nhiên, báo chí Lai Châu cũng còn những hạn chế: Chất lượng thông tin nhiều bài báo còn thấp, tính định hướng, tính dự báo và tính chiến đấu chưa cao, phần lớn vẫn còn thông tin một chiều. Một số tác phẩm báo chí của các nhà báo ít thay đổi lối thể hiện theo phong cách làm báo hiện đại; cách viết và trình bày các bài báo, các chương trình phát thanh, truyền hình vẫn theo phong cách làm báo truyền thống; tác phẩm báo chí xuất sắc chưa nhiều, ít gây tiếng vang trong dư luận xã hội, chưa thực sự thu hút được độc giả, khán thính giả. Bên cạnh đó, sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra những thách thức lớn đối với báo chí nói chung và báo chí Lai Châu nói riêng, nhất là các phương tiện truyền thông mới ra đời và mạng xã hội.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, phục vụ hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, yêu cầu đặt ra đối với các cơ quan báo chí và những người làm báo trong tỉnh cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng hoạt động. Trong đó, cần chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất, phương tiện; nâng cao chất lượng về hạ tầng công nghệ thông tin; ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào tác nghiệp báo chí. Thực tế, thời gian qua điều kiện trang thiết bị để cán bộ, phóng viên, biên tập viên làm việc của các cơ quan báo chí trong tỉnh đã được quan tâm đầu tư, song vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và chất lượng tác phẩm báo chí. Cùng với đó, việc nâng cao chất lượng nội dung tờ báo có ý nghĩa quyết định đến giá trị tuyên truyền của tờ báo, yêu cầu đặt ra đối với các cơ quan báo chí địa phương là phải tiếp tục quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ những người làm báo.

Trong điều kiện và bối cảnh hiện nay cần đặc biệt coi trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho những người làm báo. Trước sự bùng nổ thông tin hiện nay, báo chí địa phương cùng với báo chí cả nước phải thực hiện tốt chức năng định hướng và là kênh kiểm chứng các thông tin trên mạng xã hội, trang thông tin điện tử, phản bác lại những thông tin sai lệch. Đồng thời, một tác phẩm báo chí có sức sống, có sức lay động dư luận xã hội, được đông đảo bạn đọc, khán thính giả đồng tình, trước hết phải biết lựa chọn, đề cập đúng những vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra với sự chắt lọc từ bên trong quá trình khảo sát thực tiễn công phu với sự đầu tư trí tuệ của người viết, bằng tất cả sự say mê nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của tác giả. Ngược lại, nếu một bài báo thiếu trách nhiệm, kém sinh động, không hấp dẫn, không thu hút được độc giả, sẽ làm cho vai trò của báo chí là cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân bị suy giảm, thậm chí đánh mất vai trò đó.

Do đó, cần coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho những người làm báo và coi đây là việc làm thường xuyên, liên tục để nhà báo hiện đại không thể chỉ hoàn tất một khâu trong quá trình thực hiện một tác phẩm báo chí mà phải thực hiện trọn vẹn tất cả các công đoạn trong quá trình này, tức là có tính độc lập rất cao khi tác nghiệp và nhà báo phải thực sự có tâm, có tầm thì mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Trong đào tạo, bồi dưỡng cần lưu ý: Trước sự bùng nổ thông tin hiện nay và xu thế toàn cầu hóa thông tin, ngồi một chỗ nhà báo có thể truy cập mạng Internet khai thác tin nóng hổi vừa xảy ra hoặc đang xảy ra trên phạm vi toàn cầu. Do đó, nhà báo phải có kiến thức vững vàng về công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo các thiết bị kỹ thuật phục vụ tác nghiệp; phương pháp trình bày báo mới, hiện đại, xu thế nhiều cửa… để từng bước nâng cao hình thức tờ báo, hấp dẫn độc giả, nhưng phải thường xuyên giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho họ tránh tình trạng lợi dụng công nghệ thông tin để vi phạm đạo đức người làm báo, vi phạm Luật Báo chí.

Bên cạnh đó, hiện nay báo chí địa phương đang phát triển theo hướng đa loại hình, đa phương tiện (báo in, báo điện tử, báo truyền hình điện tử...). Vì vậy, cần phải đào tạo, bồi dưỡng cho các phóng viên, biên tập viên về mặt chuyên môn nghiệp vụ phải là người “Đa chức năng”, nếu như trước đây phóng viên có thể chỉ chuyên về chụp ảnh, hoặc chỉ chuyên về viết tin, bài cho báo in… thì nay phải biết quay video clip, biết chụp ảnh, vừa viết bài, vừa dàn dựng, lồng ghép âm thanh v.v… Thực hiện tốt việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí sẽ góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ những người làm báo, nâng cao chất lượng hoạt động báo chí.

Kỷ niệm 96 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021) các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo Lai Châu càng ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, ra sức học tập, tu dưỡng rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng, chuyên môn nghiệp vụ; không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng báo chí, phục vụ sự nghiệp đổi mới của tỉnh. Cùng Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ tỉnh đề ra “Xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước”.


Tác giả: Đặng Thanh Sơn (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.137
Hôm qua : 6.608
Tháng 03 : 227.041
Năm 2024 : 657.876
Tổng số : 82.123.969