Lai Châu: Tiếp tục thực hiện các biện pháp ứng phó với dông, lốc, mưa đá, mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất
Ngày (16/5), UBND tỉnh Lai Châu ban hành Công văn số 2176/UBND-KTN về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp ứng phó với dông, lốc, mưa đá, mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất.
Công văn nêu rõ: Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và Đài khí tượng Thủy văn tỉnh, những ngày qua trên địa bàn tỉnh Lai Châu có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như tại xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ): 99,8mm, xã Tả Lèng (huyện Tam Đường): 181,4mm, xã Nùng Nàng (huyện Tam Đường): 108,8mm, xã Pa Thắng (huyện Mường Tè): 113,4mm,... Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực đã gần bão hòa (trên 80%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Dự báo trong những ngày tới, tỉnh Lai Châu có thể tiếp tục có mưa, cảnh báo mưa lớn có khả năng kéo dài, trong mưa dông đề phòng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Nhằm chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trong những ngày tới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Chủ động đề cao cảnh giác, không được lơ là, tránh để xảy ra sự cố đáng tiếc; theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thiên tai, chỉ đạo các cơ quan chức năng, tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở đặc biệt là các khu dân cư, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn.
- Kiên quyết di dời Nhân dân ra khỏi nơi khu vực nguy hiểm, dễ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét đến cư trú ở những nơi an toàn, ổn định lâu dài. Chỉ đạo các lực lượng phối hợp chặt chẽ, kịp thời, đồng bộ nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
- Ưu tiên sử dụng các nguồn kinh phí để giải quyết ngay các yêu cầu cấp bách liên quan đến phòng, chống, khắc phục hậu quả do thiên tai, tai nạn lao động bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, đúng đối tượng, không để thất thoát, tiêu cực. Thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách, hoạt động hỗ trợ, động viên, giúp đỡ về vật chất và tinh thần đối với các gia đình, nạn nhân bị thiệt hại do thiên tai, tai nạn lao động, bảo đảm sớm ổn định cuộc sống trước mắt và lâu dài.
- Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn lao động. Kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng, không để xảy ra việc lấn chiếm, cản trở dòng chảy, ảnh hưởng tới khả năng tiêu thoát lũ; giám sát thường xuyên công tác đảm bảo an toàn lao động, đặc biệt tại các công trình, dự án trọng điểm, các lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, tại các doanh nghiệp quản lý, sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
- Chỉ đạo các Ban quản lý dự án cấp huyện, các phòng, ban tập trung thi công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, đặc biệt là các công trình phòng, chống thiên tai. Đẩy nhanh tiến độ công tác di dân đối với những dự án đã hoàn thành xây dựng phần hạ tầng, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc.
- Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát; ưu tiên hoàn thiện phần thô và lợp mái, chằng chống mái nhà để người dân vào ở tạm trong mùa mưa; đối với các căn nhà đang thực hiện theo Chương trình bị hư hỏng do thiên tai, khẩn trương rà soát, huy động các lực lượng hỗ trợ theo quy định.
2. Sở Nông nghiệp và Môi trường - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy
- Tập trung rà soát, khẩn trương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh phương án ứng phó với thiên tai cho phù hợp với tình hình dự báo năm 2025 trên địa bàn tỉnh, trình Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 19/5/2025.
- Chuẩn bị các nội dung họp Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trước 21/5/ 2025.
- Phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát các điểm dân cư có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất để kịp thời cảnh báo, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp chỉ đạo, khắc phục.
3. Các Sở chuyên ngành xây dựng (Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường)
- Thường xuyên kiểm tra hệ thống thoát nước của các công trình giao thông; các công trình hồ, đập, cầu, cống, nhất là các công trình trọng điểm, xung yếu.
- Yêu cầu các chủ đầu tư, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn lao động trong quá trình thi công, vận hành công trình; kịp thời cảnh báo các đơn vị, tránh để xảy ra sự cố đáng tiếc.
4. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tăng cường công tác thông tin, cảnh báo, theo dõi sát diễn biến mưa, lũ, báo cáo kịp thời để Ban chỉ huy cấp tỉnh, huyện có biện pháp chỉ đạo.
5. Các thành viên trong Ban chỉ huy tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 13/3/2025 về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025 và Công văn số 2057/UBND-KTN ngày 13/5/2025 về việc chủ động ứng phó với dông, lốc, mưa đá, mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện./.