• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Thúc đẩy công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển

(laichau.gov.vn)

Những năm qua, tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều hoạt động khuyến công giúp các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Từ đó ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất, tiết kiệm chi phí sản xuất, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo việc làm góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Nhằm khai thác, phát triển một số ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có lợi thế của tỉnh như: Chế biến nông, lâm, thủy sản; khai thác và chế biến khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng; bảo tồn, phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, du lịch và tiến tới xuất khẩu. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Lai Châu đã triển khai chương trình khuyến công hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; có thị trường xuất khẩu, sử dụng nguyên liệu tại chỗ, phục vụ du lịch như: Chè, miến, hàng thổ cẩm, mắcca...

Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thông tin thị trường, mô hình sản xuất kinh doanh điển hình để người dân, doanh nghiệp nắm bắt. Huy động các doanh nhân, doanh nghiệp tích cực tham gia, hỗ trợ cho các hoạt động khuyến công. Tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, các ngành, địa phương với doanh nghiệp để lắng nghe và giải quyết vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện cho cơ sở phát triển. Hỗ trợ hình thành các mô hình liên kết xây dựng vùng nguyên liệu nông sản đáp ứng theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP), sản xuất theo phương pháp hữu cơ (Organic). Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, trưng bày giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ các cơ sở sản xuất khảo sát, tìm kiếm, mở rộng thị trường và tham gia hội chợ, triển lãm. Ưu tiên, hỗ trợ cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường theo chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.

Trong 5 năm (từ 2016-2020), Trung ương và tỉnh đã hỗ trợ 29 đề án cho các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn với kinh phí thực hiện hơn 26 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện 15 đề án hỗ trợ các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật áp dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới; chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, tiên tiến... Từ hỗ trợ của Trung ương và tỉnh đã thúc đẩy phát triển sản xuất, doanh thu hàng năm đạt vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương.

Dây chuyền máy móc, thiết bị sản xuất bột trà xanh matcha của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường.

Bà Nguyễn Thị Loan – Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường chia sẻ: Thực hiện Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất bột trà xanh matcha” bắt đầu triển khai đầu năm 2018 với tổng kinh phí 429 triệu đồng, trong đó 200 triệu đồng từ kinh phí Khuyến công Quốc gia hỗ trợ. Công ty đầu tư mới dây chuyền máy móc, thiết bị sản xuất bột trà xanh matcha. Dây chuyền góp phần tăng năng suất, chất lượng cao, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Tạo điều kiện để phát triển vùng nguyên liệu chè của địa phương; tăng thu nhập và giải quyết đầu ra cho bà con trồng chè, tăng thu ngân sách địa phương.

Những năm qua, tỉnh đã tổ chức 4 hội chợ vùng, giới thiệu quảng bá trên 100 lượt sản phẩm của tỉnh. Hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá việc sử dụng các nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào trong quá trình sản xuất và đưa ra giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng, tiết kiệm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Tư vấn, hướng dẫn cho các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thành lập doanh nghiệp, lập dự án đầu tư, thông tin thị trường, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; ứng dụng công nghệ, thiết bị mới.

Năm 2019, UBND tỉnh công nhận và cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Lai Châu cho 5 sản phẩm: Trà Oolong (Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường), chè xanh và chè bao chung (Công ty TNHH chè Hồng Đức), tôn mát 3 lớp (Công ty TNHH Phát triển công nghiệp và thương mại Thủy Nam), gạch không nung (Công ty Cổ phần xây dựng và dịch vụ thương mại Việt Hùng), gạch không nung (Công ty TNHH Một thành viên Trường Thịnh).

Có thể khẳng định, bằng nhiều hoạt động khuyến công của tỉnh đã giúp các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo việc làm và giảm nghèo.


Tác giả: Phương Ly
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 926
Hôm qua : 6.608
Tháng 03 : 224.830
Năm 2024 : 655.665
Tổng số : 82.121.758