• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến “Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA”

(laichau.gov.vn)

Sáng nay (5/6), tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) tổ chức Hội nghị trực tuyến “Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA” với 62 điểm cầu tỉnh, thành phố. Đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy Viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.

Tại điểm cầu tỉnh Lai Châu, đồng chí Nguyễn Sỹ Chín – Giám đốc Sở Công thương dự và chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo: một số sở, ban, ngành tỉnh có liên quan; UBND các huyện, thành phố; Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lai Châu; Hội doanh nhân trẻ tỉnh Lai Châu; các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh.

Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu (EU)-Việt Nam (gọi tắt là EVFTA) là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những cam kết mạnh mẽ nhất của cả 2 phía về mở cửa thị trường và cải cách thủ tục, thể chế chính sách… Vì vậy đây có thể coi là một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi phát triển thị trường xuất khẩu sang EU và ở chiều ngược lại.

Ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85% dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. 7 năm sau khi thực thi Hiệp định, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Bên cạnh đó Hiệp định được ký kết sẽ mang lại cơ hội công ăn việc làm lớn đối với người lao động, người tiêu dùng sẽ được đón nhận các sản phẩm rẻ hơn do được miễn thuế hải quan. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa đây là một tín hiệu tích cực, một làn gió mát, là đòn bẩy thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu và đầu tư trong bối cảnh các doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo các chuyên gia kinh tế, Hiệp định EVFTA được kỳ vọng góp phần làm cho GDP của Việt Nam tăng lên ở mức bình quân từ 2,18-3,25% giai đoạn 2019-2023, từ 4,75%-5,30% giai đoạn 2024-2033. Tuy nhiên Hiệp định EVFTA cũng đặt ra những khó khăn thách thức cho doanh nghiệp.

Có 5 chủ đề được Hội nghị tập trung trao đổi, đó là: Các lợi ích chiến lược và những điểm cần lưu ý đối với SMEs để thực thi hiệu quả EVFTA; các ngành hàng, các mặt hàng tiềm năng và định hướng thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU; vai trò của chính quyền các cấp ở địa phương trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp SMEs trên địa bàn quán triệt, triển khai thực thi hiệu quả EVFTA; định hướng hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ SMEs khai thác hiệu quả cơ hội mang lại từ EVFTA; chia sẻ của các doanh nghiệp SMEs về việc tận dụng cơ hội và dự phòng thách thức từ EVFTA.

Tại Hội nghị, đại biểu các ngành, địa phương đã trình bày các tham luận về lợi ích chiến lược và những điểm cần lưu ý đối với SMEs để thực thi hiệu quả; các ngành hàng, các mặt hàng tiềm năng và định hướng thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU; hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ SMEs khai thác hiệu quả cơ hội từ EVFTA; vai trò của chính quyền các cấp ở địa phương trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp SMEs trên địa bàn quán triệt, triển khai thực thi hiệu quả EVFTA cũng như nhu cầu hỗ trợ để tiếp cận và khai thác hiệu quả EVFTA.

Đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy Viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh: Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích tạo được nhận thức thực sự đầy đủ cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam về những cơ hội, nhưng đồng thời với đó cũng là những thách thức, những yêu cầu đòi hỏi đối với doanh nghiệp trong nước phải tự đổi mới mình, nâng cao năng lực cạnh tranh thì mới có thể tận dụng được lợi ích mà Hiệp định mang lại. 

Để công tác xúc tiến thương mại đạt hiệu quả cao, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các ngành, địa phương thực hiện tốt công tác định hướng và có chương trình hỗ trợ sản xuất sản phẩm có chất lượng, sẵn sàng tham gia thị trường; chỉ đạo hoạt động xúc tiến thương mại mang tính liên kết vùng, miền nhằm quảng bá và phát triển thị trường cho sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu; xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại nhằm phát huy tối đa các nguồn lực thực hiện hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại...

Các cơ quan xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng cần nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, phấn đấu trở thành các tổ chức hỗ trợ xuất khẩu có năng lực, có uy tín, có khả năng trong việc cung cấp thông tin về chính sách, thị trường, đồng thời có khả năng thực thi các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước một cách bài bản, chuyên nghiệp…


Tác giả: Phạm Thu Hoài
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.712
Hôm qua : 8.942
Tháng 04 : 192.542
Năm 2024 : 864.132
Tổng số : 82.330.225