• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Điểm sáng bên dòng Nậm Mu

(laichau.gov.vn)
Bản Huổi Bắc, xã Pha Mu (huyện Than Uyên) có 41 hộ, 219 nhân khẩu với 100% dân tộc Mông sinh sống. Những năm gần đây, nhờ khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, đời sống vật chất tinh thần của đồng bào từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo của bản chỉ còn 8 hộ.

Bà con bản Huổi Bắc chăm sóc rừng.

Sau hơn 60 km từ thị trấn Than Uyên, chúng tôi đặt chân tới bản Huổi Bắc khi ánh mặt trời vừa lên, bừng sáng khắp bản. Trên nương lúa nặng trĩu hạt, bà con đang cười nói nhanh tay thu hoạch; nổi bật giữa bản làng là những ngôi nhà to khang trang xen lẫn mô hình kinh tế Vườn – Ao – Chuồng, Vườn – Chuồng – Rừng đang giúp bà con làm giàu. Những tuyến đường bê tông được “cứng hóa” chạy dọc theo bản nằm vắt qua cánh đồng lúa tươi tốt. Từng đoàn học sinh líu lo, tung tăng tỏa từ ngõ bản đến lớp, đến trường. Một bức tranh sinh động về sự thay da đổi thịt đang bao trùm lên cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông nơi đây.

Đổi thay đó phải kể đến những giải pháp linh hoạt, kế hoạch phát triển kinh tế mang tính đột phá của cấp ủy, chính quyền bản trong việc giải bài toán xóa đói giảm nghèo. Tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ khang trang, rót xong chén trà mời khách, ông Vàng A Thào, Trưởng bản Huổi Bắc luôn tỏ vẻ mặt rạng rỡ khi chia sẻ với chúng tôi về những thành quả mà bản có được: Nào là bà con luôn đoàn kết phát huy nội lực, khai hoang mở rộng diện tích đất sản xuất, áp dụng KHKT mới vào thâm canh. Đến việc những hộ khá giả giúp hộ nghèo về con giống hay vay vốn không tính lãi; nhờ chịu khó làm ăn nên lương thực luôn đảm bảo. Cùng với đó, công tác vệ sinh môi trường xung quanh bản được chú trọng, trẻ em không còn theo bố mẹ đi nương mà được cắp sách đến trường; số hộ đạt gia đình văn hóa ngày càng nhiều lên. Toàn bản chỉ còn có 8 hộ nghèo...

Tìm hiểu chúng tôi được biết, trước đây bà con nơi đây chỉ quen với tập quán tự cung tự cấp, chưa biết khai hoang ruộng nước, phương thức canh tác chủ yếu là trọc lỗ tra hạt, phụ thuộc vào thiên nhiên nên cái đói, cái nghèo cứ bám riết. Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong bản họp bàn tìm giải pháp phát triển kinh tế cho đồng bào. Đồng thời, tuyên truyền, phân tích, giải thích cho từng người, gia đình hiểu về việc khai hoang thêm diện tích đất sản xuất, tận dụng các khe suối dẫn nước về để làm nông nghiệp. Cùng đó, bản phối hợp cán bộ phòng chuyên môn của huyện tổ chức hội thảo đầu bờ, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về khuyến nông, khuyến lâm; giúp các hộ tiếp cận những chính sách ưu đãi của hộ nghèo vay vốn với lãi suất thấp để phát triển kinh tế.

Trong sản xuất nông nghiệp, Trưởng bản, Bí thư Chi bộ cùng cán bộ xã tổ chức hướng dẫn bà con cách trồng và chăm sóc lúa nước, gieo trồng lúa nương, ngô đúng theo quy trình cho năng suất cao. Hiện nay với 5ha lúa nước bà con gieo cấy 2 vụ chủ yếu là các giống Đắc ưu 11, LC 270, nếp 97… bình quân năng suất đạt 45 tạ/ha. Ngoài ra, bản còn thâm canh trồng 13ha ngô, 6ha sắn tăng thêm sản lượng lương thực cây có hạt bước đầu đảm bảo ổn định đời sống cho Nhân dân.

Nhận thấy vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, bản khuyến khích bà con chăn thả tại các bãi rộng, trồng cỏ voi để làm nguồn thức ăn cho gia súc. Cùng với việc làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, nên đàn gia súc, gia cầm của bản ngày càng nhiều lên với trên 120 con gia súc (trâu, bò); trên 1.000 gia cầm các loại.

Ông Vàng A Thào cho biết thêm: “Ngày trước, bà con chưa chú trọng phát triển đàn gia súc, gia cầm, có hộ chăn nuôi thì chỉ phục vụ trong gia đình. Được tuyên truyền, bà con đã tích cực chăn nuôi vừa đảm bảo sức cày kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa cung cấp cho thị trường. Nhiều gia đình còn đào ao, thả cá, chăn nuôi dê nên thu nhập ngày càng tăng cao; nhiều hộ mua sắm ti vi, xe máy”.

Cùng với các chương trình, dự án, chính sách của Đảng, Nhà nước đang đầu tư trên địa bàn huyện, xã, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã và đang khích lệ đồng bào ở Huổi Bắc bảo vệ rừng. Rừng được bảo vệ tốt hơn, tình trạng vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng giảm dần qua từng năm. Toàn bản hiện có trên 500ha rừng được khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ, đặc biệt từ việc làm tốt công tác giữ rừng, đồng bào được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, các chính sách hỗ trợ về lương thực, khai thác nguồn lợi từ rừng. Từ đó, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn xã lên 24%.

Ghé thăm mô hình trang trại của anh Vàng A Khua, bản Huổi Bắc mới thấy hết được sự cần cù chịu khó một nắng hai sương của người dân nơi đây. Từ một vùng đồi đầy cỏ dại và cây rừng, anh đã biến thành một trang trại với cây ăn quả, nuôi bò, lợn, gà. Kinh tế bền vững, tạo bước đệm cho các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao ngày càng được mở rộng và phát triển. Người dân trong bản thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; nhiều người khi ốm đau được thăm khám và chăm sóc sức khỏe tại trạm y tế; con em trong bản được học hành đầy đủ… Với hướng đi đúng, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong bản Huổi Bắc sẽ từng bước vươn lên trở thành điểm sáng bên dòng sông Nậm Mu.

Văn Phụng


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.152
Hôm qua : 5.055
Tháng 07 : 37.477
Năm 2025 : 1.141.591
Tổng số : 85.098.524