Khởi sắc Đề án phát triển vùng chè chất lượng cao tại Tân Uyên
![]() |
Với định hướng Tân Uyên trở thành vùng trung tâm phát triển cây chè tập trung có quy mô lớn, chất lượng cao, tính đến nay, huyện Tân Uyên đã có 1.378,8 ha chè, trong đó Công ty Cổ phần trà Than Uyên quản lý 561ha, nhân dân đầu tư 817,8 ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Phúc Khoa, Mường Khoa, Thân Thuộc, Trung Đồng, Pắc Ta và Thị trấn Tân Uyên. Các giống chè chủ yếu là chè Shan tuyết, Kim tuyên, PH8, Bát tiên và Thanh tâm. Năng suất chè toàn huyện khoảng 10 tấn/ha.
Ông Ngọ Doãn Bình, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó trưởng Ban chỉ đạo trồng chè cấp huyện Tân Uyên cho biết: Tân Uyên có điều kiện tự nhiên, khí hậu rất phù hợp với cây chè, lại có nguồn lao động dồi dào. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, một bộ phận người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển cây chè gắn với xóa đói giảm nghèo. Người dân cũng đã có kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc cây chè… đó chính là những điều kiện thuận lợi để huyện triển khai Đề án vùng chè nguyên liệu. Căn cứ vào quy hoạch vùng chè và Đề án phát triển vùng chè nguyên liệu giai đoạn 2011 – 2015, hàng năm UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành khảo sát, định hướng phát triển sản xuất theo hướng tập trung; tổng hợp nhu cầu nhân dân, xây dựng kế hoạch, dự toán và bố trí kinh phú để thực hiện Đề án.
Sau 3 năm triển khai thực hiện, Tân Uyên đã xây dựng và tổ chức triển khai tốt việc quy hoạch phát triển vùng chè tập trung. Trồng mới đến năm 2014 ước đạt 190ha, đạt 135,7% kế hoạch đề ra, đảm bảo theo đúng tiến độ và quy trình kỹ thuật. Công tác đầu tư thâm canh chè được tăng cường, diện tích chè mới trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Với diện tích chè trồng năm 2012, người dân đã bắt đầu thu hái tạo tán và có thu nhập từ việc bán nguyên liệu cho công ty. Bà con cũng được cán bộ nông nghiệp chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật trồng xen cây họ đậu vào nương chè mới nhằm nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập. Năm 2013 đã có 402 hộ gia đình tại 15 bản của xã Thân Thuộc, Phúc Khoa và Thị trấn Tân Uyên tham gia trồng xen với diện tích thực hiện 137,7ha. Bà con được hỗ trợ toàn bộ giống, phân bón và được hướng dẫn kỹ thuật. Diện tích đậu tương trồng xen được chăm sóc tốt, năng suất bình quân đạt 5 – 6 tạ/ha, tổng sản lượng ước đạt 70 tấn.
Hiện nay, toàn huyện có trên 1.200 hộ tham gia trồng chè, tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho hơn 2.000 lao động. Ngoài ra còn thu hút trên 300.000 công lao động thời vụ tham gia thu hái, chăm sóc chè. Tại Công ty Cổ phần trà Than Uyên, năm 2012 thu nhập bình quân đầu người làm tại công ty đạt 3,7 triệu đồng/ người/ tháng; công thu hái, chăm sóc cho lao động thời vụ trung bình đạt từ 120 – 150 nghìn đồng/ người/ ngày.
Khi hình thành vùng nguyên liệu chè, Công ty Cổ phần trà Than Uyên đã ký hợp đồng sản xuất với nhân dân để đầu tư và thu mua sản phẩm chè búp tươi; phối hợp tập huấn, hướng dẫn, chỉ đạo các hộ trồng chè tích cực đầu tư, thâm canh, phòng trừ sâu bệnh, thu hái theo đúng quy trình kỹ thuật. Công ty Cổ phần trà Than Uyên được giao vùng nguyên liệu để quản lý, đầu tư và thu mua, chế biến chè búp tươi với dây chuyền sản xuất chè xanh công suất từ 60 tấn/ ngày; dây chuyền sản xuất chè đen công suất 20 tấn/ngày. Ngoài ra còn có 27 máy chế biến chè mini, công suất từ 0,5 – 2 tấn/ngày tại các hộ gia đình. Công ty đã thực hiện tốt hợp đồng sản xuất với nhân dân, tích cực thu mua sản phẩm theo giá thị trường, không tự hạ cấp, ép giá và nâng giá vật tư gây thiệt hại cho người sản xuất.
Cơ sở hạ tầng giao thông cũng được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại, sản xuất thuận lợi, nâng cao năng suất lao động. Tổng chiều dài đường sản xuất được đầu tư thực hiện là 9,55km với tổng kinh phí đầu tư xây dựng 4.850 triệu đồng. Nhà tập kết thu mua nguyên liệu được xây dựng với tiêu chuẩn rộng 50m2, kinh phí thực hiện 500 triệu đồng, trong đó vốn hỗ trợ nông nghiệp 150 triệu đồng.
Để việc thực hiện Đề án đạt được hiệu quả hơn nữa, ông Ngọ Doãn Bình, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó trưởng Ban chỉ đạo trồng chè cấp huyện Tân Uyên cho biết: Huyện sẽ tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, kiểm tra lại diện tích chè hiện có, xác định diện tích có khả năng trồng chè theo hướng tập trung gắn với cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường các giải pháp về khoa học kỹ thuật, về quản lý và tổ chức sản xuất. Cùng với đó sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; huy động các nguồn lực và chính sách hỗ trợ đầu tư; tăng cường kiểm tra giám sát và đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Đây sẽ là những giải pháp để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, từ đó góp phần thiết thực trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Nhật Hồng