A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu: Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc

(laichau.gov.vn)
Nằm ở vùng biên viễn, Lai Châu có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 84,6%, nơi đây là một kho tàng văn hóa của dân tộc. Vì vậy, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng Lai Châu phát triển toàn diện, bền vững.

Lưu giữ những nét đẹp trong trang phục dân tộc Dao là một trong những cách làm được huyện Sìn Hồ quan tâm thực hiện.

Đưa chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc vào cuộc sống, tỉnh ta chú trọng bảo tồn, phát triển những giá trị mới về văn hóa, văn học - nghệ thuật của các dân tộc; bài trừ các hủ tục lạc hậu, tập trung có hiệu quả phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp đẩy mạnh tuyên truyền quan điểm của Đảng về phát huy bản sắc văn hóa; phát huy vai trò của các nghệ nhân, người có uy tín và nâng cao vai trò của mỗi người dân trong bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Nghiên cứu đánh giá thực trạng văn hóa của từng dân tộc và đưa ra những giải pháp bảo tồn và phát huy; lồng ghép hiệu quả với phong trào xây dựng nông thôn mới, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Các địa phương trong tỉnh đã chú trọng phát triển nghề thủ công truyền thống như: Nghề dệt người Thái, Lự; nghề làm bánh của dân tộc Giáy; nghề thuốc của người Dao. Đồng thời có những chính sách hỗ trợ vay vốn để người dân mở rộng đầu tư sản xuất và phát triển nghề truyền thống; kết hợp việc bảo tồn nghề thủ công truyền thống với phát triển du lịch cộng đồng thông qua hoạt động trình diễn, giới thiệu và bán các sản phẩm lưu niệm tại các điểm du lịch, nhà văn hóa các xã, bản. Góp phần tạo thu nhập, giải quyết việc làm và bảo tồn nghề truyền thống đang dần bị mai một.

Về vùng thấp huyện Sìn Hồ, chúng tôi đến với xã Lùng Thàng, là xã có 7 dân tộc cùng sinh sống. Những năm qua, việc bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hoá của người dân địa phương được chính quyền xã quan tâm thực hiện. Đồng chí Tao Văn Nọi – Phó Chủ tịch UBND xã Lùng Thàng cho biết: “Mỗi dân tộc trong xã có một nét đặc trưng riêng và được thể hiện trong sinh hoạt, tiếng nói, qua trang phục, lễ hội, nghề truyền thống... Chúng tôi luôn tích cực tuyên truyền, vận động các thế hệ đi trước truyền dạy lại cho thế hệ trẻ nhiều nét đẹp trong văn hoá như phục dựng và dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, cách sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc, cách đan lát, thêu thùa, dệt vải;... Đến nay, hơn 90% dân số của xã biết dệt vải, may các trang phục của dân tộc, các sản phẩm làm ra được các thương lái từ Sơn La sang mua bán, trao đổi. Các dụng cụ như: giọ, rỏ, gù, sọt được người dân đan lát thủ công để dùng cho sinh hoạt hàng ngày và trao đổi hàng hóa. Mỗi bản đều có 1 đến 2 đội văn nghệ truyền thống, vừa múa, hát vừa truyền dạy cho thế hệ trẻ. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa của dân tộc và tăng thu nhập cho người dân.

Chia tay vùng thấp Sìn Hồ, ngược lên vùng cao Sà Dề Phìn, nơi quanh năm lạnh giá, được trò chuyện với bà Chang Thị Mỷ (dân tộc Mông, bản Chang, xã Sà Dề Phìn) đã gần 60 tuổi, đôi mắt đã mờ dần theo thời gian, nhưng hàng ngày bà vẫn hăng say bên những tấm vải thêu thùa. Bà Mỷ chia sẻ: Tôi thường thêu những bộ váy, áo, khăn cho mình và các con cháu trong nhà. Nếu ai có nhu cầu mua thì tôi cũng làm để bán. Nhưng mong muốn lớn nhất của tôi là dạy cho con gái và các cháu gái cùng biết thêu thùa để lưu giữ được những nét đẹp trong bộ trang phục truyền thống, cũng như lưu giữ được nghề truyền thống của dân tộc Mông.

Những lúc nông nhàn, phụ nữ Mông thường thêu thùa những bộ váy, áo cho mình.

Những năm qua, để người dân quan tâm và tích cực tham gia bảo tồn bản sắc văn hóa, chính quyền các cấp đã đặc biệt coi trọng xây dựng đời sống ấm no cho Nhân dân, nhất là các dân tộc ít người tại vùng đặc biệt khó khăn. Tỉnh Lai Châu đã và đang triển khai thực hiện 3 đề án: "Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc Cống, Mảng, La Hủ, Cờ Lao"; "Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc ít người giai đoạn 2016 - 2025" và "Phát triển du lịch Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020" nhằm hỗ trợ người dân. Qua đó, giúp người dân tin tưởng và đồng lòng cùng địa phương bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác lưu giữ, truyền bá những nét đặc sắc, phong phú trong văn hóa lễ hội, tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng nhiều lễ hội, nghi lễ, tục lệ tiêu biểu; nghiên cứu, sưu tầm và truyền dạy các làn điệu dân ca, điệu múa, nhạc cụ truyền thống và phát triển các tiết mục mới dựa trên bản sắc dân gian sẵn có, để bảo tồn và làm phong phú thêm các loại hình nghệ thuật của từng dân tộc. Hỗ trợ thành lập 1.102 đội văn nghệ quần chúng; hàng năm tổ chức các lớp dạy tiếng, chữ viết dân tộc Mông, Thái cho cán bộ, công chức.

Từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã tổ chức 16 lễ hội tiêu biểu của các dân tộc Thái, Mông, Si La, Hà Nhì, Mảng...; tổ chức 1 lớp truyền dạy chữ Nôm dân tộc Dao tại huyện Sìn Hồ; duy trì tổ chức thường niên 40 lễ hội; sưu tầm, bảo tồn 6 làn điệu dân ca, dân vũ các dân tộc Si La, Mông, Hà Nhì...; tổ chức hàng trăm hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng các cấp... Thông qua đó, các địa phương, đơn vị chuyên môn lựa chọn nét văn hóa đặc trưng, tiêu biểu giới thiệu, quảng bá qua các hoạt động biểu diễn, trưng bày, triển lãm trong các chương trình, sự kiện văn hóa lớn trong và ngoài tỉnh. Qua đó, góp phần tôn vinh và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu của các dân tộc; giáo dục, nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc cho mọi tầng lớp Nhân dân; quảng bá các đặc trưng văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh với bạn bè trong nước và quốc tế.

Với những việc làm thiết thực của các cấp các ngành, nhất là sự đồng thuận và chung tay của Nhân dân các dân tộc đã và đang góp phần lớn vào công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc, xây dựng Lai Châu đậm đà bản sắc văn hóa.

Hoàng Đông


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.020
Hôm qua : 7.759
Tháng 04 : 138.133
Năm 2024 : 809.723
Tổng số : 82.275.816